Vì sao Trung Quốc để Chuck Hagel thăm tàu Liêu Ninh?

Theo giới phân tích, đây là nỗ lực để dập tắt chỉ trích của Mỹ rằng, Trung Quốc thiếu minh bạch khi hiện đại hóa khả năng quân sự.

Ngày 7/4, ngay sau khi có mặt ở Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có chuyến viếng thăm tàu sân bay của Trung Quốc trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Chuyến thăm tàu sân bay Liêu Ninh của ông Hagel được đánh giá là kết quả của một sự cởi mở “chưa từng có” mà Bắc Kinh dành cho một quan chức quân sự nước ngoài.

Tàu sân bay Liêu Ninh được coi biểu tượng của sự tăng cường sức mạnh Hải quân Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Một quan chức Mỹ giấu tên trả lời Reuters cho hay: “Trong chuyến thăm này, chúng tôi không được tận thấy tất cả mọi ngóc ngách của con tàu. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy đây là một cách làm thể hiện thành ý của Trung Quốc cho thấy họ đang nỗ lực để thay đổi”.

Theo các quan chức Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chính là vị khách nước ngoài đầu tiên được phép xuất hiện trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Tàu sân bay Liêu Ninh có tải trọng 60.000 tấn, là một con tàu có từ thời Liên Xô cũ được Trung Quốc mua lại của Ukraine năm 1998. Con tàu này sau đó được cải tiến và tái trang bị tại một xưởng đóng tàu của Trung Quốc. Tàu sân bay Liêu Ninh vốn được coi biểu tượng của sự tăng cường sức mạnh Hải quân Trung Quốc và tham vọng gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu của nước này.

Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, mặc dù công nghệ tàu sân bay của Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách khá xa so với công nghệ chế tạo tàu sân bay của Mỹ nhưng Trung Quốc đã có những nhận thức rõ ràng về thách thức phía trước.

Một quan chức quân sự Mỹ nói: “Điều quan trọng hơn cả là Trung Quốc khá thẳng thắn khi thừa nhận họ mới chỉ đang ở điểm khởi đầu và hiểu được rằng họ còn một chặng đường dài phía trước phải đi. Chính vì lý do đó nên họ sẽ sớm thu hẹp được khoảng cách đang tồn tại”.

Chuyên gia về lĩnh vực hàng hải tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, Ni Lexiong nói: “Đó là một dấu hiệu của sự cởi mở, chân thành, chứng minh cho mọi người thấy Trung Quốc không có gì để che giấu và thực sự muốn cải thiện quan hệ quân sự với Mỹ”.

Đề cập đến vấn đề công nghệ chế tạo tàu sân bay, chuyên gia Ni Lexiong nói thêm: “Đó cũng sẽ là một cơ hội tốt cho người Mỹ thấy được sự khác biệt giữa Liêu Ninh và tàu sân bay của họ”.

Vì sao Trung Quốc đồng ý để ông Hagel thăm tàu sân bay Liêu Ninh?

Việc Trung Quốc đồng ý để ông Hagel thăm tàu sân bay duy nhất của họ khiến không ít người ngạc nhiên. Một quan chức Mỹ tiết lộ, yêu cầu của Mỹ để ông Hagel thăm con tàu này đã được gửi đến Trung Quốc từ tháng 1/2014 nhưng phía Trung Quốc chỉ lên tiếng chấp thuận ngay trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, việc làm này của Bắc Kinh là một nỗ lực để dập tắt những lời chỉ trích của Mỹ cho rằng, Trung Quốc không minh bạch trong quá trình hiện đại hóa quân sự của mình. Các quan chức Lầu Năm Góc lâu nay vẫn nghi ngờ Trung Quốc không thể hiện rõ ràng chiến lược hiện đại hóa quân sự là nhằm múc đích chống lại khả năng quân sự của Mỹ.

Nếu việc Trung Quốc đồng ý để một quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ thăm tàu sân bay của họ là việc làm “chưa có tiền lệ” thì việc giới chức quân sự Trung Quốc thăm viếng các tàu chiến Mỹ, trong đó có cả tàu sân bay lại không phải chuyện hiếm. Theo các quan chức quân đội Mỹ, Mỹ luôn công khai, minh bạch trong việc phát triển khả năng quân sự đồng thời hy vọng Trung Quốc cũng sẽ có hành động “đáp lễ” xứng đáng.

Tuy nhiên, ông Ian Storey, một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nhận định: “Chuyến viếng thăm tàu sân bay Liêu Ninh của ông Hagel chủ yếu mang tính biểu tượng, không mang nhiều ý nghĩa thực tế”.

Ông Storey nói thêm: “Bằng cách cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chiêm ngưỡng một con tàu đã được đóng ở Ukraine từ những năm 1980 mà trên thực tế con tàu này không được trang bị đầy đủ, người Trung Quốc sẽ tránh được ánh mắt dò xét của Mỹ đối với những khí tài nhạy cảm hơn, chẳng hạn như các loại tên lửa hoặc hạm đội tàu ngầm của họ”.

Theo ông Storey, Trung Quốc hiện đang nỗ lực hiện đại hóa, mở rộng quy mô hạm đội tàu ngầm, tàu chiến và các loại tên lửa đạn đạo chống hạm. Mới đây, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm thành công công nghệ chế tạo tên lửa chống tên lửa.

Ông Hagel thăm tàu Liêu Ninh, tín hiệu tích cực?

Phát biểu tại Hawaii hồi tuần trước, Bộ trưởng Hagel tuyên bố chuyến thăm lần này của ông nhằm thúc đẩy sự tin tưởng, cởi mở và minh bạch giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông khẳng định Mỹ luôn coi Trung Quốc là “bạn” và chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ không nhằm vào “người bạn” của mình.

Các quan chức quốc phòng Mỹ - Trung trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh ngày 8/4 (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn một tờ báo của Nhật Bản chính ông Hagel lại nói rằng Trung Quốc đã hành động khiêu khích đơn phương, làm gia tăng căng thẳng khi tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông trong đó bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý. Tuyên bố này của ông khiến Bắc Kinh cho rằng ông đến Nhật là để đối đầu với Trung Quốc.

Có lẽ vì vậy, ngay khi ông Hagel vừa đặt chân đến Thanh Đảo, Tân Hoa xã đã có bài xã luận nêu rõ: “Trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, hẳn ông Hagel đã được thông báo về những thông tin cơ bản. Việc thiết lập ADIZ là động thái bình thường, phù hợp với hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Theo bài báo, mặc dù Mỹ và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt nhưng hai bên cũng chia sẻ nhiều giá trị chung. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc cùng có lợi ích trong việc duy trì môi trường ổn định để phát triển kinh tế.

Với ý nghĩa đó, chuyến thăm của ông Hagel được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội quý báu cho việc làm rõ bản chất của chiến lược xoay trục an ninh, đồng thời tăng cường niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.

Ông Zhu Feng, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nhận định: “Cả 2 bên đều nhận thức được nguy cơ xảy ra xung đột quân sự và sự cần thiết phải nâng cao hiểu biết lẫn nhau, quản lý và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra”.

Theo ông Zhu Feng, trên thực tế, nguy cơ về rủi ro có thể dẫn đến xung đột quân sự trên thực tế đã xảy ra, điển hình là vụ chiếc tàu tuần dương được trang bị tên lửa dẫn đường USS Cowpens suýt có va chạm với một tàu hộ tống của tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông hồi tháng 12/2013.

Ông Feng kết luận: “Chính vì thế, sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay Trung Quốc là một dấu hiệu tích cực”.

Video Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay Trung Quốc:

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại