Niềm hy vọng mang tên 2S35 Koalitsiya-SV
Mới đây Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố kế hoạch chi ít nhất 700 triệu USD để mua 100 hệ thống pháo tự hành K9 Vajra-T 155 mm - biến thể của K9 Thunder Hàn Quốc.
Có lẽ thương vụ trên thể hiện sự mệt mỏi và là dấu chấm hết cho dự án phát triển một loại pháo tự hành dựa trên nguyên mẫu 2S19 Msta-S của Nga với liên doanh gồm 4 công ty quốc phòng của Ấn Độ và Nga.
Vậy nguyên nhân nào đã khiến một đồng minh thân cận như Ấn Độ lại đưa ra lời từ chối đối tác truyền thống?
Pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc
Có một thực tế phũ phàng mà người Nga phải thú nhận đó là sau khi Liên Xô tan rã, chất lượng pháo binh của họ đã xuống dốc không phanh và bị phương Tây bỏ lại phía sau rất xa, thậm chí còn bị Trung Quốc qua mặt khá dễ dàng.
Pháo tự hành của phương Tây và Trung Quốc được đánh giá có mức độ tự động hóa cao, khả năng kết nối tác chiến theo nhóm tốt, có chế độ MSI (bắn nhiều phát đạn với quỹ đạo khác nhau để tới mục tiêu cùng lúc), thậm chí tầm bắn và uy lực cũng lớn hơn pháo Nga.
Tính năng tác chiến ưu việt là lý do để các cường quốc quân sự mới nổi chọn pháo tự hành từ những nhà sản xuất uy tín, trong khi giá thành hợp lý mà vẫn đạt được hiệu quả cao đã khiến nhiều nước châu Á và châu Phi quyết định mua sản phẩm của Trung Quốc.
Do vậy mà Nga đặt kỳ vọng rất cao khi 2S35 Koalitsiya ra đời, nó được giới thiệu là sở hữu hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, tốc độ bắn lên tới 16 phát/phút nhờ hệ thống nạp đạn tự động (vượt trội con số 10 phát/phút của PzH-2000 hay 8 phát/phút của PLZ-05).
Hơn thế nữa, nhờ trang bị pháo 2A88 cỡ 152 mm bắn được đạn tăng tầm dẫn hướng mà 2S35 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly lên tới 70 km.
Đặc biệt trong một thử nghiệm, Koalitsiya-SV đã hạ nòng và bắn thẳng chính xác vào những quả dưa được đặt ở vị trí cách khẩu pháo 250 m.
Tiên tiến nhưng 2S35 Koalitsiya-SV lại đang bị "ruồng bỏ"
Với những tính năng ưu việt như trên, đáng ra Koalitsiya phải nhận được sự quan tâm lớn, nhưng thực tế là trong gia đình phương tiện chiến đấu bộ binh sử dụng khung gầm Armata thì hoàn cảnh của xe tăng T-14 và pháo tự hành 2S35 lại hoàn toàn khác nhau.
Trong khi T-14 Armata đang được nhiều quốc gia (trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc) săn đón thì 2S35 Koalitsiya-SV lại bị "ghẻ lạnh" hoàn toàn.
Nguyên nhân được lý giải có thể do đây là sản phẩm mới độ tin cậy chưa được kiểm chứng, chưa có những đánh giá thật khách quan, nhất là khi gần đây vũ khí Nga phải chịu điều tiếng tính năng thực tế khác xa những gì họ tuyên bố.
Có thể lấy một vài ví dụ như trường hợp tiêm kích tàng hình Sukhoi T-50 bị Trung Quốc và Ấn Độ phát hiện ra nhiều khiếm khuyết lớn, tàu ngầm AIP Lada thử nghiệm 10 năm vẫn chưa hoàn thiện, hay hệ thống S-400 không phát huy hiệu quả tại chiến trường Syria...
Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya trong Lễ duyệt binh ngày 9/5/2015
Tuy nhiên đa số ý kiến đều nhận định, nguyên nhân chủ chốt khiến pháo tự hành Koalitsiya-SV không được ưa chuộng chính là do cỡ đạn của nó.
Trong khi hầu như cả thế giới đã chuẩn hóa theo cỡ nòng 155 mm (Việt Nam cũng đã lựa chọn pháo 155 mm CAESAR) do loại đạn này có uy lực và hiệu quả tác chiến cao hơn đạn 152 mm, thì việc Nga vẫn không chịu cải tiến đã tự làm khó mình.
Nếu muốn 2S35 có hợp đồng đầu tiên, chắc chắn Nga sẽ phải sớm phát triển biến thể 155 mm của nó, vì không quốc gia nào lại đi trang bị pháo chủ lực với 2 cỡ nòng khác nhau, sẽ rất phức tạp cho công tác hậu cần kỹ thuật.
Bên cạnh đó "trăm nghe không bằng một thấy", Nga nên cho khẩu pháo tự hành tối tân nhất của mình được thử lửa tại chiến trường Syria. Nếu có màn thể hiện thành công như tiêm kích Rafale ở Lybia, chắc chắn Koalitsiya-SV sẽ thoát được tình trạng ế ẩm.