Vì sao Nga tặng tàu tên lửa cho hải quân Ai Cập?

Thiên Nam |

Nga vừa tặng Ai Cập 1 tàu tên lửa đi kèm với gói hợp đồng mua sắm 64 máy bay chiến đấu MiG-29. Hành động này có ý nghĩa gì?

Moscow quyết tâm nâng tầm quan hệ hợp tác quân sự Nga - Ai Cập

Ngày 22-8, nguồn tin khu vực cho biết Nga vừa ký hợp đồng bán 64 máy bay chiến đấu MiG-29 (trị giá 2 tỷ USD) cho Ai Cập. Trước đó, Moscow và Cairo đã ký một số thỏa thuận cung cấp vũ khí quân sự có tổng trị giá lên tới 3,5 tỷ USD.

Quân đội Ai Cập hồi đầu tuần này cũng đưa ra thông báo rằng, Moscow đã trao tặng cho Cairo một tàu tên lửa cao tốc. Tàu này trước đó đã tham gia diễu hành nhân dịp khánh thành Kênh đào Suez mới hôm 6-8.

Kể từ khi độc lập vào năm 1922, Ai Cập đã sử dụng nhiều vũ khí của Liên Xô.

Tuy nhiên, sau chiến tranh 1973 giữa liên minh các nước Ả-Rập, dẫn đầu bởi Ai Cập và Syria chống lại Israel, mối quan hệ giữa Cairo và Moscow bắt đầu trở nên lạnh nhạt, khiến các tàu chiến của Liên Xô ít được sử dụng và duy trì hơn.

Do nguyên nhân này, Ai Cập đã tìm đến Trung Quốc để mua các loại trang, thiết bị hải quân, trong đó có cả những chiến hạm cũ và mới. Từ đó đến nay, hai nước vẫn giữ mối quan hệ hợp tác quân sự thân thiết với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Cairo và Moscow đã bắt đầu đẩy mạnh các mối quan hệ song phương trong bối cảnh quan hệ Ai Cập - Mỹ rạn nứt, sau cuộc chính biến lật đổ vị Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi năm 2013, mở đường cho cánh quân sự lên nắm quyền.

Tàu tên lửa R-32 của Nga tham gia diễu hành ngày 6-8 nhân khánh thành kênh đào Suez mới

Tàu tên lửa 832 của Nga tham gia diễu hành ngày 6-8 nhân khánh thành kênh đào Suez mới

Hiện nay Nga đang là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, được kế thừa truyền thống quan hệ tốt với Ai Cập của Liên Xô trước đây. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với Cairo trong bối cảnh quốc gia này đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự.

Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi sẽ có chuyến thăm Nga thứ 3 trong vòng 1 năm qua. Chuyến thăm 3 ngày, bắt đầu từ ngày 25-8, được cho là nhằm thúc đẩy mối quan hệ chiến lược song phương và hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Thời gian qua, chiến hạm Nga chiếm thị phần nhỏ bé so với các nước khác trong chiến lược hiện đại hóa hải quân của nước này, trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh tiếp thị các chiến hạm của họ, trên cơ sở quan hệ hợp tác sẵn có giữa 2 nước.

Đây có thể là một trong những nguyên nhân chủ chốt, ảnh hưởng đến quyết định tặng tàu tên lửa cho Ai Cập.

Lo ngại mất thị phần chiến hạm vào tay Trung Quốc

Theo bài viết trên trang mạng quân sự Trung Quốc Sina Military Network ngày 10-8 vừa qua, các tàu ngầm và tàu chiến Trung Quốc có thể tiếp tục trở thành lựa chọn tốt nhất dành cho Ai Cập trong việc nâng cấp hạm đội đã lỗi thời của nước này.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 của Trung Quốc
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 của Trung Quốc

Trang mạng này cho biết, lực lượng vũ trang Ai Cập là một trong hơn 40 quân đội trên thế giới sử dụng vũ khí Trung Quốc, trong đó có các tàu chiến như tàu hộ vệ Type 037, tàu tên lửa Type 024, đều có khả năng trang bị các tên lửa chống hạm và chống tàu ngầm.

Vào giữa những năm 1980, Ai Cập đã mua 2 tàu hộ vệ Type 053, cũng như 4 tàu ngầm Type 033 từ Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, các tàu ngầm Type 033 đã phục vụ được gần 30 năm và vẫn đang tiếp tục được sử dụng để huấn luyện thuỷ thủ Ai Cập.

Tình hình ngân sách hiện tại khiến Cairo khó có thể mua các loại tàu ngầm tân tiến như Type 209 hay 214 của Đức, tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp hay lớp Gotland của Thụy Điển.

Chính vì vậy, Trung Quốc lại đang nổi lên như một nhà cung cấp tiềm năng do có thể sản xuất các tàu ngầm giá rẻ hơn.

Ngoài các chiến hạm cũ mông má lại thuộc Type 053, các chiến hạm thế hệ mới của Trung Quốc như tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, tàu hộ vệ hạng trung Type 054A, tàu cao tốc tên lửa 2 thân Type 022 cũng là những món hàng giá rẻ, chất lượng tốt để hải quân Ai Cập lựa chọn.

Sina Military Network nhận định, trong một vài thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sự hiện diện các chiến hạm nước này không chỉ ở Ai Cập mà còn ở tất cả các nước châu Phi, từ các loại tàu tuần tra hạng nhẹ đến các loại tàu chiến và tàu ngầm đa nhiệm cỡ lớn.

Rất có thể đây là nguyên nhân khiến Nga lo lắng mất thị phần vũ khí hải quân ở thị trường béo bở này nên đã quyết định tặng hải quân Ai Cập một tàu tên lửa để “show” hàng.

Đề phòng Mỹ, Pháp, Anh lấn sân sang xuất khẩu chiến hạm

Thời gian qua, Ai Cập đã chi hàng chục tỷ USD để mua sắm vũ khí trang bị nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân.

Nga cũng được dự phần vào đây với gói thầu bán 64 máy bay chiến đấu MiG-29. Tuy nhiên giá trị của nó vẻn vẹn có 2 tỷ USD, chưa bằng nửa các hợp đồng với Pháp, Mỹ.

Tàu cao tốc tên lửa lớp Ezzat Mỹ đóng cho hải quân Ai Cập
Tàu cao tốc tên lửa lớp Ezzat Mỹ đóng cho hải quân Ai Cập

Hiện Mỹ đang tăng cường khôi phục quan hệ với Ai Cập sau khi nước này có dấu hiệu ngả về Nga. Vào cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Ai Cập Mỹ đã cam kết hỗ trợ 1,3 tỷ USD trong năm nay.

Vào ngày 30 và 31-7, Mỹ đã bàn giao cho không quân Ai Cập 8 chiến đấu cơ F-16 Block 52. Ngoài ra, Mỹ sẽ bàn giao thêm 4 chiếc F-16 cho Ai Cập vào mùa thu này. Lầu Năm Góc cũng sẽ cung cấp các hỗ trợ, bảo dưỡng cũng như huấn luyện cho phi công cho Ai Cập.

Ngoài ra, hồi đầu năm nay Ai Cập cũng vừa ký hợp đồng mua sắm 24 chiếc Rafale (16 chiếc hai chỗ ngồi và 8 chiếc một chỗ ngồi). Ngày 21-7 vừa qua, Dassault Aviation cũng đã bàn giao 3 chiến đấu cơ Rafale đầu tiên cho không quân nước này .

Ai Cập và Dassault Aviation đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ từ những năm 1970. Nước này đã mua sắm chiến đấu cơ Mirage-5, Alpha Jet và Mirage 2000 và đến nay là Rafale. Không quân Ai Cập cũng là khách hàng đầu tiên mua Rafale, giống như đối với Mirage 2000.

Khinh hạm hiện đại lớp Gowind do Pháp chế tạo
Khinh hạm hiện đại lớp Gowind do Pháp chế tạo

Việc Mỹ và Pháp có quan hệ mật thiết với Ai Cập là điều không làm Nga vui vẻ gì.

Mỹ có khá nhiều tàu hộ vệ cũ nhưng còn sử dụng khá tốt và thường xuyên bán rẻ chúng cho các đối tác như lớp Oliver Hazard Perry, còn Pháp cũng có nhiều hộ tống cỡ nhỏ thuộc lớp C-Sword 90, lớp Gowind… dành cho các nước nhỏ, ngân sách ít ỏi.

Theo kế hoạch của Ai Cập, sau khi hiện đại hóa xong lực lượng không quân, nước này sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hải quân với ngân sách dành cho việc mua sắm các chiến hạm thế hệ mới lên tới hàng tỷ USD.

Vừa qua, việc Mỹ bàn giao 2 chiếc đầu tiên trong số loạt 4 tàu cao tốc tên lửa lớp Ezzat mà Công ty đóng tàu VT Holt của Mỹ nghiên cứu, chế tạo dựa trên nguyên mẫu các tàu tác chiến ven bờ (LSC), đóng cho hải quân Ai Cập là tiếng chuông cảnh báo đến Nga.

Trước đây, báo La Tribune của Pháp ngày 5-3-2014 cho biết, Ai Cập sẽ chọn mua 4 tàu hộ vệ hạng nhẹ (khinh hạm) lớp "Gowind" của công ty đóng tàu DCNS Pháp và nếu điều kiện kinh tế cho phép, nước này sẽ mua thêm 2 chiếc nữa.

Nếu chậm chân, Nga có thể mất thị phần béo bở trong công cuộc hiện đại hóa hải quân mà Ai Cập đang không tiếc tiền đầu tư vào tay Mỹ, Pháp và Trung Quốc. Do đó, hành động tặng tàu tên lửa cho Cairo của Moscow là điều dễ hiểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại