Vụ tai nạn mới nhất xảy ra với trực thăng hạng nhẹ HAL Dhruv của Không quân Ấn Độ làm 7 người thiệt mạng là sự cố nghiêm trọng thứ 9 trong vòng 12 năm sử dụng của loại máy bay này. Một lần nữa vấn đề an toàn hàng không quân sự của Ấn Độ lại được lôi ra phân tích, mổ xẻ.
Trước đó, hồi đầu năm 2013 Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Anthony cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây Không quân Ấn Độ đã chịu tổn thất 29 máy bay chiến đấu và 6 phi công. Con số cụ thể gồm 12 tiêm kích đánh chặn MiG-21, 8 chiếc MiG-27, 4 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI, 2 máy bay cường kích Jaguar, 2 chiếc Mirage-2000 và 1 tiêm kích hạng nhẹ MiG-29.
Bộ trưởng Anthony cho biết thêm, trong những sự cố trên tổng cộng có 6 phi công cùng 6 dân thường thiệt mạng. Ngoài những thiệt hại về con người, còn có thêm 39 dân thường bị tổn hại về tài sản. Số tiền bồi thường cho những phi công và nạn nhân thiệt mạng lần lượt là 6 triệu và 4,04 triệu rupi.
Một chiếc MiG-21 của Không quân Ấn Độ gặp nạn
Thoạt tiên nhìn qua danh sách trên chúng ta thấy loại máy bay bị rơi nhiều nhất là những chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-21 đã lỗi thời, tiếp đến là cường kích MiG-27 cũng nổi tiếng là có hệ số an toàn kém. Không quân Ấn Độ cũng từng bào chữa rằng tai nạn xảy ra liên tiếp là do máy bay đã quá cũ kỹ, không đảm bảo hệ số an toàn cần thiết nhưng do đối mặt với tình trạng khó khăn về kinh tế cũng như các chương trình mua sắm, tự chế tạo trong nước diễn ra với tốc độ chậm chạp nên bắt buộc phải tăng hạn, tiếp tục sử dụng những chiếc “Quan tài bay” bất chấp nguy hiểm.
Tuy nhiên gần đây những vụ rơi máy bay của Ấn Độ không chỉ liên quan đến những chiếc tiêm kích cổ lỗ nữa mà trong danh sách tai nạn đã có thêm cả những loại hiện đại bao gồm Su-30MKI, Mirage-2000… và đặc biệt vào ngày 28/3 năm nay, một chiếc C-130J Hercules mới cứng vừa nhập từ Mỹ về lại bị rơi khiến 5 người thiệt mạng. Vụ tai nạn này khiến những bào chữa về lý do khách quan của Không quân Ấn Độ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là tại sao số lượng máy bay quân sự của Ấn Độ gặp tai nạn lại nhiều đến mức khủng khiếp như vậy trong khi đây là một quốc gia có nền khoa học công nghệ khá phát triển và ngân sách quốc phòng của họ cũng thuộc hàng đứng đầu thế giới? Sau khi tìm hiểu và phân tích thì các chuyên gia chỉ ra 3 lý do chính sau đây:
1. Chất lượng bảo trì, bảo dưỡng tồi tệ
Những chiếc máy bay chiến đấu đắt tiền bị phơi mưa phơi nắng dưới khí hậu khắc nghiệt là hình ảnh thường gặp của Không quân Ấn Độ
Nguyên nhân đầu tiên được đưa ra để giải thích chính là vấn đề bảo dưỡng, duy trì hệ số kỹ thuật cho những chiếc chiến đấu cơ của Không quân Ấn Độ đang thực sự gặp vấn đề. Không quân Ấn Độ gần đây mới tiến hành một loạt các dự án xây dựng nhà chứa để bảo quản máy bay còn trước đó việc phơi mưa, phơi nắng máy bay chiến đấu hiện đại với những thiết bị điện tử cực nhạy và khó chiều trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng Nam Á là hình ảnh quá bình thường.
Ý thức sử dụng của Không quân Ấn Độ cũng bị nhận xét là “Dùng như phá”. Có thể lấy ví dụ về những chiếc Su-30K được Ấn Độ trả lại Nga sau khi nhận đủ số Su-30MKI, các chiến đấu cơ đó mới trải qua trên dưới 10 năm sử dụng nhưng đã xuống cấp đến mức thảm hại, việc đại tu giữa vòng đời tiêu tốn một khoản tiền ngang với mua máy bay mới. Cũng vì lý do trên mà mặc dù rất quan tâm và muốn mua lại nhưng sau khi xem xét thực trạng Việt Nam đã phải từ chối thẳng thừng.
2. Quy trình lắp ráp, sản xuất phụ tùng tồn tại nhiều sai sót
Những chiếc MiG-21 bị rơi phần lớn là do Ấn Độ tự lắp ráp trong nước
Mặc dù đã cũ nhưng toàn bộ số MiG-21 của Ấn Độ đều mới được nâng cấp lên chuẩn MiG-21 Bison. Những chiếc MiG-21 Bison này có tính năng chiến đấu khá tốt và đặc biệt là sau nâng cấp máy bay có thể sử dụng thêm tối thiểu 20 năm. Tuy nhiên tỷ lệ tai nạn của MiG-21 mới do Ấn Độ tự lắp ráp và hiện đại hóa trong nước còn cao gấp nhiều lần phiên bản nhái J-7 của Trung Quốc cũng như MiG-21 cũ đã qua sử dụng nhiều năm của những quốc gia khác.
Các chuyên gia Nga sau khi điều tra đã đưa ra kết luận là quy trình lắp ráp và sản xuất phụ tùng máy bay tại Ấn Độ đang tồn tại nhiều sai sót cực kỳ nghiêm trọng, không thể chấp nhận được. Nga cho rằng nguyên nhân này hoàn toàn do phía Ấn Độ tự gây ra nên họ phải chịu trách nhiệm vì đã bỏ qua các khuyến cáo, tình trạng phải nằm đất do lỗi kỹ thuật xảy ra trên một nửa số Su-30MKI của Ấn Độ mà đa phần là tự lắp ráp trong nước bởi HAL. Gần đây nhất Dassault của Pháp cũng từ chối việc bảo hành cho những chiếc Rafale sẽ được Ấn Độ lắp ráp trong nước vì lo ngại chúng sẽ không được làm đúng quy trình, bất chấp việc hợp đồng mua sắm có thể bị hủy bỏ.
3. Linh kiện điện tử hàng không “Năm cha ba mẹ”
Su-30MKI của Ấn Độ được tích hợp nhiều thiết bị điện tử hàng không do nhiều quốc gia khác nhau sản xuất
Khi Ấn Độ ký hợp đồng nhập khẩu Su-30MKI từ Nga, do không hài lòng với việc máy bay bị cắt giảm tính năng nên Ấn Độ đã quyết định chỉ giữ lại những thành phần cơ bản như radar mảng pha quét thụ động N-011 Bars, động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2D AL-31FP… rồi đi mua những thiết bị điện tử hàng không hiện đại của Israel, Pháp, Nam Phi để lắp cho máy bay.
Su-30MKI của Ấn Độ với cấu hình trên được đánh giá có tính năng chiến đấu còn cao hơn cả Su-30 nguyên bản của Nga, khiến Nga sau khi nhận thấy thành công của loại máy bay này đã phải nội địa hóa để cho ra đời phiên bản Su-30SM của mình. Mô hình trên cũng được Ấn Độ áp dụng cho MiG-21 Bison và một số máy bay khác.
Tuy nhiên do trên một máy bay tích hợp quá nhiều thiết bị do các quốc gia khác nhau sản xuất nên đôi khi gây ra tình trạng xung đột hệ thống vì phần mềm quản lý không tương thích. Trong trường hợp nhẹ thì xảy ra lỗi không dẫn bắn được vũ khí còn nặng hơn thì có thể khiến máy bay rơi, đã có ít nhất một chiếc Su-30MKI bị cho rằng rơi vì lỗi phần mềm tích hợp nhưng phía Ấn Độ không xác nhận thông tin này.
Sau khi xem xét, phân tích một số nguyên nhân trên, không khó để có thể hiểu vì sao Ấn Độ lại là quốc gia có tỷ lệ rơi máy bay quân sự thuộc hàng cao nhất thế giới.
Su-30MKI của Không quân Ấn Độ
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA