Sự phát triển kỹ thuật thu phát dữ liệu trinh sát ảnh bằng vệ tinh dân sự khiến chính phủ các nước trên thế giới phải xem xét lại cách bảo vệ các mục tiêu quân sự. Bài viết này đánh giá hiệu quả của các biện pháp ngụy trang, nghi binh và kiểm duyệt.
Trong những năm gần đây, việc khai thác dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh đã phát triển nhanh các chương trình phần mềm như Google Earth và ArcGIS cùng sự ra đời của các công ty vệ tinh dân sự tạo cho các cá nhân, tổ chức và chính phủ khả năng truy cập và khai thác dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh ở mức độ chưa từng thấy.
Tầm với ngày càng mở rộng của các hãng cung cấp dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cũng giúp cho việc phân tích so sánh ảnh chụp ở các thời điểm khác nhau, qua đó có thể đánh giá chính xác hơn tin tình báo từ nguồn công khai về một địa điểm nhất định.
Điều này đã mở ra khả năng thu thập và phân tích dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh và các phương tiện trên không khác cho nhiều người dùng tin, không chỉ trong quân đội và cơ quan tình báo như cách đây 20 năm khi họ là những thành phần duy nhất có khả năng truy cập những dữ liệu đó. Đồng thời, bản thân các chính phủ và các lực lượng vũ trang cũng đang luôn tìm cách mở rộng và nâng cao khả năng thu thập dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh.
Dĩ nhiên, phản ứng của các nước trên thế giới trước sự phát triển việc cung cấp dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh là tìm cách hạn chế hay kiểm soát tất cả những gì có thể nhìn thấy bên trong biên giới của họ.
Để bảo vệ thông tin liên quan đến các khả năng quân sự, các vị trí triển khai lực lượng hay chức năng của các cơ sở trọng yếu, họ đã áp dụng các biện pháp che giấu và tạo giả, trong đó nhiều biện pháp không nhất thiết nhằm chống các xenxơ trinh sát ảnh mà chủ yếu nhằm chống hành động tiến công hoặc những tác nhân gây hại của môi trường bên ngoài.
Che giấu và nghi binh (tạo giả) là những biện pháp phổ biến trong chiến tranh hiện đại. Mục đích căn bản của những biện pháp đó là không để cho kẻ địch thu thập được những thông tin tình báo chính xác, đầy đủ về ý đồ, khả năng và cơ cấu lực lượng.
Việc ngăn chặn đối phương thu thập những thông tin đó thường đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi hay thất bại của các hoạt động chiến đấu. Các hệ thống và phương pháp thu thập tình báo phát triển bao nhiêu thì các biện pháp nhăn chặn và đánh lừa phát triển bấy nhiêu.
Nói chung các biện pháp ngăn chặn và đánh lừa có thể được xếp vào loại biện pháp ngụy trang hay kiểm duyệt, tuy cũng có những biện pháp hoàn toàn được gọi là đánh lừa.
Biện pháp ngụy trang nhằm che giấu một hệ thống hay cơ sở nào đó, không để cho người bên ngoài có thể quan sát, thu thập thông tin chính xác những gì chứa đựng bên trong hay mục đích của cơ sở đó.
Biện pháp đánh lừa (nghi binh, tạo giả) nhằm làm cho đối phương không thể xác định chắc chắn một vị trí nào đó hoặc thu hút sự chú ý vào những vị trí khác ít quan trọng hơn.
Biện pháp kiểm duyệt chủ yếu nhằm ngăn chặn sự tiết lộ thông tin ngay từ nguồn cung cấp- như các hãng cung cấp dữ liệu ảnh dân sự. Biện pháp này có thể có tác dụng đáng kể trong việc loại trừ khả năng rút ra những thông tin hữu ích từ một dữ liệu ảnh chụp từ trên không nào đó.
Biện pháp ngụy trang (che giấu)
Các phương pháp ngụy trang nhằm che giấu thực chất của các hệ thống và các vị trí hoặc che giấu một loại hoạt động nào đó. Các tổ chức quân sự thường chú trọng những biện pháp chống các xenxơ trinh sát có độ phân giải cao, do đó cũng có thể vô hiệu hóa các hệ thống chụp ảnh dân sự.
Việc nhận biết một loại vũ khí nào đó trong dữ liệu trinh sát ảnh chụp từ trên không dựa vào một số đặc điểm của các bộ phận hợp thành của hệ thống, bao gồm cả chiều dài, cấu hình triển khai hay các hệ thống liên quan. Nhiều họ hệ vũ khí khác nhau có những bộ phận hợp thành giống nhau nên rất khó phân biệt.
Bằng cách che giấu bản thân các bộ phận hợp thành hoặc làm cho chúng trở nên khó phân biệt, người ta có thể che giấu tính năng của hệ thống. Vì vậy, điều này rất quan trọng đối với những tính toán trong quá trình vạch kế hoạch tác chiến.
Có thể lấy một ví dụ điển hình về việc áp dụng biện pháp che giấu ở Trung Quốc.
Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2004, Trung Quốc đã mua 40 khẩu đội tên lửa đất-đối-không S-300. Đơn đặt hàng ban đầu là tên lửa S-300 PMU-1 và S-300 PMU-2 tiên tiến hơn.
Ba kiểu S-300 P mà Trung Quốc đã mua có các bộ phận hợp thành khác nhau và tính năng khác nhau. Muốn đánh giá chính xác khả năng phòng không của Trung Quốc thì phải nhận biết sự khác biệt giữa ba kiểu tên lửa, chủ yếu căn cứ vào chiều dài của phương tiện vận chuyển- nâng- phóng (TEL) tên lửa hay loại rađa kèm theo tên lửa. Điều này giúp cho việc nhận biết kiểu tên lửa nào được triển khai ở địa điểm nào.
Nếu không nhận biết chính xác các hệ thống đã triển khai thì có thể đánh giá sai tính năng của hệ thống và khả năng của mạng phòng không. Chẳng hạn, xác định nhầm một khẩu đội S-300 PMU-2 là S-300 PMU thì sẽ đánh giá thấp tầm bắn của khẩu đội.
Ở một số vị trí triển khai tên lửa S-300 P đã chuẩn bị, Trung Quốc sử dụng lán che các TEL, có tác dụng làm cho đối phương không thể dễ dàng nhận biết kiểu TEL bên trong, do đó khó có thể xác định tính năng của khẩu đội.
Những cấu trúc này không nhất thiết là biện pháp ngụy trang công khai, và có thể nhằm bảo vệ những bộ phận đắt tiền của hệ thống chống những tác nhân gây hại của môi trường.
Tuy nhiên, vì TEL đã được che kín trong lán nên thường thì bên ngoài chỉ nhìn thấy thùng đựng tên lửa, nhưng không thể căn cứ vào thùng đựng mà để xác định đúng bên trong là kiểu tên lửa nào.
Vì vậy, những cấu trúc đơn giản này có tác dụng quan trọng trong việc gây khó khăn cho đối phương trong việc đánh giá khả năng phòng không của Trung Quốc.
Qua đó cũng có thể rút ra một bài học quan trọng là không nên quá dựa vào việc phân tích dữ liệu ảnh hoặc bất kỳ nguồn thông tin duy nhất nào khác để xác định một hệ vũ khí nào đó.
Việc phân tích tình báo chính xác, toàn diện luôn đòi hỏi phải tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, dù đó là dữ liệu, trinh sát ảnh, điện tử hay điệp báo.
Xem thêm:
Phần 2: Các kiểu ngụy trang căn cứ quân sự trước “mắt thần” vệ tinh
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!