Hiện vẫn chưa có giải thích chính thức từ phía chính quyền Kiev cho quyết định này.
Ngày 9/5 năm nay là lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Thay vì duyệt binh, các nhà chức trách Kiev có ý định tổ chức các sự kiện khác, chẳng hạn một buổi hòa nhạc phục vụ cho các cựu chiến binh và công chúng đổ về đây từ các vùng khác nhau trên đất nước. Các sự kiện chính sẽ diễn ra ở khu vực Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Vào buổi tối cùng ngày sẽ có một màn pháo hoa.
Quyết định này của chính quyền Kiev đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích. Trên Facebook được cho là của Ứng viên Tổng thống Ukraine Oleg Tsarev đã đăng tải một dòng trạng thái với nội dung chỉ trích khá gay gắt, gọi quyết định của Kiev là một sự báng bổ và xúc phạm tới lịch sử.
“Họ đang xúc phạm tới 7 triệu người dân Ukraine đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa Phát xít dưới hàng ngũ Hồng quân. Không có một nơi đâu trên thế giới, ngoại trừ Ukraine đã hủy bỏ cuộc diễu hành cho các cựu chiến binh và ngăn cấm sử dụng các biểu ngữ kỷ niệm chiến thắng. Ngày kỷ niệm được diễn ra ở Israel, ở Mỹ, ở Anh và thậm chí là ở Đức”.
Một cựu Hồng quân Liên Xô đang “trò truyện” với người đồng đội đã ngã xuống trong Chiến tranh Vệ quốc. Kiev ngày 9/5/2011
Cũng theo thông tin trên Facebook này, ngày lễ 9 tháng 5 vẫn diễn ra một cách bình thường ở khu vực phía Đông Ukraine: “Những cuộc diễu hành của các cựu chiến binh sẽ được tổ chức bất chấp bất cứ quyết định nào của các quan chức tại Kiev”.
Trong khi đó, tại Lviv và Ivano-Frankivsk, những thành phố phía Tây Ukraine, đồng thời cũng là trung tâm khởi nguồn của phong trào Euromaidan (biểu tình ủng hộ châu Âu) đã cấm sử dụng các biểu tượng Xô Viết và cờ Liên Xô trong ngày kỷ niệm sắp tới.
Ngày chiến thắng Phát xít được công nhận như một ngày lễ, một sự kiện quan trọng được tổ chức vào ngày 9/5/ hàng năm tại Liên Xô và khối Đông Âu. Trong khi đó, Mỹ và Tây Âu lại kỷ niệm sự kiện này trước một ngày vào mùng 8 tháng 5. Sự khác biệt này bắt nguồn từ chênh lệch múi giờ giữa các nước khi Phát xít Đức ký văn kiện đầu hàng tại Berlin năm 1945.