Trang tin của Ukroboronprom tiết lộ, chính vì nhu cầu bức thiết như vậy nên các kỹ sư tại Nhà máy Nicholas cũng như các doanh nghiệp khác thuộc tập đoàn Ukroronprom đang làm việc suốt 3 ca.
Máy bay ném bom Su-24M đang được xe tải chở về nhà máy sửa chữa. Ảnh: Ukraineindustrial
Hiện tại nhà máy đã hoàn thành được công việc hồi phục các máy bay ném bom Su-24M và Su-24MR, cùng 4 chiếc Su-24M khác đang được sửa chữa. Những máy bay này sẽ sớm chuyển giao cho các lực lượng vũ trang của Ukraine.
Trang Ukroboronprom thông tin thêm từ khi xung đột ở miền Đông diễn ra đến nay, Không quân Ukraine đã bị mất 3 chiếc Su-24, 2 chiếc trong số đó được cho là đã bị quân nổi dậy bắn rơi và 1 chiếc bị mất do gặp nạn.
Ngoài Su-24, Nhà máy Nicholas cũng được xem là điểm tập kết sửa chữa một loạt bộ phận như động cơ, turbine, cùng các thành phần khác của nhiều loại máy bay như Il-76, Il-78, Tu-142M (MG, MK), Tu-22M3, Yak-42, Yak-40, An-32 , AN-24, AN-26, AN-12, IL-18, Tu-134 và Tu-154.
Theo Airforce-technology, máy bay ném bom Su-24M được Sukhoi thiết kế, chế tạo và bắt đầu phục vụ Không quân Liên Xô từ năm 1983. Su-24 được NATO gọi với biệt danh Fencer (Kiếm Sĩ).
Máy bay ném bom Su-24 mang theo một loạt vũ khí hàng khủng. Ảnh: Airforce-technology
Su-24 được thiết kế có 9 giá treo, mang được 8.000 kg vũ khí, gồm: các loại tên lửa không đối đất như tên lửa dẫn đường bằng sóng vô tuyến Kh-23 hoặc Kh-23M; tên lửa điều khiển bằng radar thụ động Kh-28 và Kh-58, tên lửa không đối không Vympel R-60.
Phiên bản Su-24M có thể mang tên lửa điều khiển bằng laser Kh-25L, Kh-29LT, tên lửa điều khiển bằng radar Kh-31P và tên lửa Kh-59. Đồng thời máy bay cũng mang theo các loại bom dẫn đường KAB-1500L, KAB-500KR, cùng pháo GSh-6-23.
Su-24M được gắn thiết bị định vị mục tiêu PNS-M và điều khiển các tên lửa. Máy bay có tốc độ tối đa 1.550 km/h, phạm vi tác chiến hơn 3.000 km.
Hiện có hơn 900 máy bay Su-24 các loại đang phục vụ trong không quân nhiều nước như Nga, Azerbaijan, Algeria, Belarus, Kazakhstan, Libya, Syria và Ukraine.