Su-24 Fencer (Kiếm sĩ) là một máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe rất độc đáo, giữ vai trò xương sống của lực lượng tấn công mặt đất Không quân Nga. Su-24 mang trong mình nhiều công nghệ mang tính đột phá khi là máy bay cường kích đầu tiên của Liên Xô được trang bị hệ thống dẫn đường kỹ thuật số.
Kết cấu cánh cụp cánh xòe của Su-24 cho phép nó thực hiện những cú bổ nhào tấn công nhanh như cắt ở độ cao cực thấp, khả năng mang theo tới 8 tấn vũ khí đã đưa Su-24 trở thành một cỗ máy chiến tranh cực kỳ lợi hại.
Su-24 được đưa vào sử dụng trong Không quân Xô Viết từ năm 1975 với khoảng 1.400 chiếc thuộc tất cả các biến thể đã được sản xuất. Hiện nay, Su-24 vẫn liên tục được nâng cấp lên các chuẩn hiện đại hơn nhằm đáp ứng những thách thức mới của chiến trường hiện đại.
Cụ thể: Máy bay được cập nhật hệ thống định vị toàn cầu GLONASS, nâng cấp buồng lái với màn hình hiển thị kỹ thuật số đa chức năng, radar điều khiển hỏa lực mới cho phép lập bản đồ mặt đất kỹ thuật số. Những thay đổi trên cho phép Su-24 sử dụng các loại vũ khí hàng không mới nhất bao gồm cả tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 (AA-11 Archer).
Su-24 là cường kích hàng đầu thế giới thập niên 1970 - 1980, tuy nhiên nó đang dần trở nên lạc hậu trong tình hình mới.
Vũ khí chủ lực của Su-24 là các tên lửa không đối đất như Kh-23, Kh-25ML, Kh-28; tên lửa hành trình không đối đất Kh-58 tầm bắn đến 200 km, tên lửa hành trình Kh-59MK tầm bắn đến 285 km hoặc tên lửa chống bức xạ Kh-31P tầm bắn 110 km cùng các loại bom có hoặc không có điều khiển. Ở thời điểm hiện tại, Su-24 vẫn là một máy bay tấn công mặt đất rất đáng gờm.
Tuy nhiên, Su-24 đang được thay thế dần bởi loại cường kích Su-34 Fullback hiện đại hơn. Do đó Nga đang có kế hoạch thanh lý bớt một số Su-24 trong biên chế để nhường chỗ cho Su-34. Vậy Việt Nam có nên tính đến khả năng mua lại một số máy bay này?
Mua Su-24 phù hợp với yêu cầu trước mắt...
Tấn công mặt đất luôn là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ lực lượng không quân nào trên thế giới. Một quân đội có không quân cường kích mạnh sẽ hỗ trợ rất lớn cho các lực lượng trên mặt đất, trên mặt biển khi chống lại cuộc tấn công của đối phương.
Các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc đều sở hữu một lực lượng máy bay cường kích hùng hậu, đủ khả năng vô hiệu hóa sức mạnh chiến đấu của đối phương. Những cuộc xung đột quân sự gần đây do Mỹ dẫn đầu cho thấy khả năng tấn công mặt đất cực kỳ mạnh mẽ của họ đã dễ dàng vô hiệu hóa sức chiến đấu của quân đội các nước từ Nam Tư đến Iraq và Libya.
Kinh nghiệm chiến trường đã cho thấy máy bay cường kích là một bộ phận cực kỳ quan trọng và không thể thiếu. Trong khi đó, năng lực tấn công mặt đất của Không quân Việt Nam còn tương đối hạn chế, loại cường kích chủ lực của Việt Nam hiện nay vẫn là Su-22 Fitter đã khá lạc hậu.
Cận cảnh vũ khí khủng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất của Su-24.
Mặc dù đã được nâng cấp lên chuẩn M3 hay M4 với hệ thống dẫn đường KLEN-54 nhưng khả năng tấn công mặt đất của Su-22 vẫn khá hạn chế. Thiết kế cửa hút khí ngay mũi máy bay không cho phép cường kích này trang bị các loại radar dẫn đường hiện đại. Năng lực tấn công của Su-22 bị đánh giá là kém xa so với Su-24.
Ở thời điểm hiện tại, nếu đầu tư Su-24 đã qua sử dụng của Nga sẽ nâng cao đáng kể sức mạnh tấn công mặt đất cho Không quân Việt Nam. Chi phí mua sắm cường kích này có thể rất phải chăng và hoàn toàn phù hợp với điều kiện tài chính của Việt Nam.
...nhưng lại khó khăn cho tương lai
Tuy nhiên, việc đầu tư Su-24 chỉ có thể giải quyết được vấn đề trước mắt trong khi lại gây khó khăn cho việc nâng cao sức mạnh chiến đấu trong tương lai. Thực tế cho thấy xu hướng phát triển các loại máy bay quân sự trong thời gian qua đã có những thay đổi rất lớn. Các cường quốc trên thế giới đã phát triển khái niệm tiêm kích đa nhiệm cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và 4++.
Những tiêm kích đa nhiệm này có thể thực hiện hầu hết các nhiệm vụ từ trinh sát, không chiến đến tấn công mặt đất mà không cần phải có những thiết kế riêng biệt như trước. Phương Tây đã không phát triển thêm máy bay cường kích chuyên dụng kể từ khi chiếc F-111 của Mỹ chấm dứt sứ mệnh trên bầu trời của mình vào năm 1998.
Loại máy bay cường kích mới nhất của Nga là Su-34 cũng đã có những thay đổi đáng kể trong thiết kế và vai trò hoạt động. Su-34 thực sự là một máy bay chiến đấu đa năng, nó vừa có khả năng không chiến không hề thua kém các loại tiêm kích khác trong khi vẫn đảm bảo khả năng tấn công mặt đất mạnh mẽ của một chiếc cường kích.
Bên cạnh đó, sự phát triển của vũ khí dẫn đường tấn công tầm xa cũng như của các hệ thống phòng không đã làm thay đổi đáng kể nhiệm vụ tấn công mặt đất. Chiến thuật bổ nhào ở độ cao thấp thường thấy trên Su-22 hay Su-24 sẽ là “cửa tử” khi đối mặt với các hệ thống phòng không hiện đại.
Các nước trên thế giới đang tập trung phát triển nhiều loại vũ khí tấn công tầm xa điển hình là đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154 JSOW và AGM-158 JASSM của Mỹ. Ngay cả Su-34 cũng được chú trọng tích hợp các loại vũ khí này.
Ngoài hạn chế về đặc tính kỹ chiến thuật, Su-24 có tuổi đời hoạt động tương đối dài nên kết cấu khung máy bay đã xuống cấp nhiều. Cho dù được tăng hạn cũng khó lòng đảm bảo yêu cầu hoạt động trong thời gian dài.
Việt Nam có thể tăng cường năng lực tấn công mặt đất bằng việc đầu tư thêm các tiêm kích đa nhiệm như Su-30MK2 hay tính đến khả năng mua luôn Su-34 khi nó được phép xuất khẩu. Bên cạnh việc mua sắm máy bay mới, Việt Nam cũng có thể tăng cường nhập khẩu các loại vũ khí không đối đất hiện đại cho Su-30MK2.
Nếu đầu tư thêm những loại tên lửa hành trình không đối đất như Kh-59ME hay Kh-58E có tầm bắn 200 km sẽ cho phép Không quân Việt Nam thực hiện các cuộc tấn công tầm xa mà không cần phải đi vào khu vực nguy hiểm.
Tóm lại, việc mua Su-24 second hand sẽ giải quyết được vấn đề trước mắt, nhưng về lâu về dài Việt Nam vẫn nên đầu tư hẳn một loại cường kích mới theo đúng tinh thần "Tiến thẳng lên hiện đại" của không quân.
Su-24 oanh tạc mục tiêu
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi cho chúng tôi tin hoặc bài viết CHƯA TỪNG ĐƯỢC ĐĂNG TẢI trên các báo, trang mạng khác vào địa chỉ email: quansu@soha.vn. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày. |