Phát ngôn của thiếu tướng của trường ĐH Quốc phòng ở Bắc Kinh phản ánh những gì mà các chuyên gia quân sự Trung Quốc gọi là quyết tâm bảo vệ hoạt động mở rộng hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo trước các máy bay do thám Mỹ. “Chúng ta đã không tạo đủ áp lực đối với họ. Một con dao kề cổ họng cũng chỉ mang tính răn đe. Từ giờ trở đi, chúng ta phải áp sát hơn nữa đối với máy bay do thám Mỹ” – ông Trương cho biết trên một bài viết trên Thời báo Hoàn cầu.
Theo các chuyên gia quân sự, mục tiêu giám sát tiềm năng của Mỹ có thể là hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc tại căn cứ trên đảo Hải Nam. “Về lâu dài, những chiếc tàu ngầm này là hy vọng duy nhất của Trung Quốc có ý nghĩa răn đe. Chúng là tất cả đối với Trung Quốc” - Trương Bảo Huy, chuyên gia về an ninh Trung Quốc thuộc trường ĐH Lĩnh Nam ở Hồng Kông, tác giả của một cuốn sách sắp xuất bản về chiến lược hạt nhân và các lực lượng của Bắc Kinh, cho biết.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo rất quan trọng đối với khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc so với các cường quốc khác do chính sách của Bắc Kinh từ những năm 1960 là không triển khai vũ khí hạt nhân. Điều này có nghĩa là tên lửa trên đất liền của Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn nếu xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu.
Ngoài ra, tàu ngầm này có thể đi sâu vào Thái Bình Dương mà không bị phát hiện. Điều này sẽ giúp gia tăng khả năng răn đe và tấn công của Trung Quốc. Theo Viện Quốc tế có trụ sở tại London – Anh, hiện Trung Quốc có khoảng 70 tàu ngầm, Mỹ có 72 chiếc và Nhật Bản có 18 chiếc.
Trung Quốc không sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nhật
Trung Quốc hôm 28-8 bác bỏ phát biểu của cựu thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda rằng Bắc Kinh đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, đồng thời cho biết “không có sự thay đổi” trong chính sách của mình đối với Tokyo. Đầu tháng 8, tờ Nikkei cho biết Nhật Bản và Trung Quốc đang cố gắng để sắp xếp các cuộc đàm phán song phương giữa tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh vào tháng 11.