Trung Quốc dịch chuyển tên lửa, sẵn sàng ứng phó chiến tranh

Tình báo Mỹ vừa phát hiện quân đội Trung Quốc lẫn các tổ hợp tên lửa di động của họ đang trên đường tới gần bờ biển phía nam sát quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản giữa bối cảnh căng thẳng hai nước ngày càng leo thang.

 

Ảnh minh họa.

Giới chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, họ đang vận dụng mọi lực lượng bao gồm tàu chiến, máy bay và các hệ thống giám sát vệ tinh trong khu vực để theo dõi chặt chẽ từng động thái của quân đội Trung Quốc đồng thời tiếp tục các cuộc tập trận quân sự như đã dự kiến.

Các thông tin về động thái di chuyển tên lửa của Trung Quốc đến trong bối cảnh Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Tom Donilon vừa có cuộc hội đàm với Ủy viên hội động nhà nước Trung Quốc Liu Yandong ở Seoul, Thủ đô Hàn Quốc trong lễ nhậm chức của Tổng thống Park Geun-hye.

Giới chức Mỹ không cung cấp thêm bất cứ thông tin chi tiết của các tổ hợp tên lửa mà Trung Quốc triển khai nhưng khẳng định, tổ hợp tên lửa đang tới gần tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến.

Trước đó, các thông tin về động thái di chuyển tên lửa tới gần bờ biển của Trung Quốc xuất hiện trên tờ Oriental Daily của Hong Kong. Oriental Daily trích dẫn nguồn tin quân sự mật tiết lộ, một trong những tổ hợp tên lửa được triển khai bao gồm hệ thống tên lửa di động nhiên liệu rắn mới DF-16.

Bài viết ngày 21/2 cho biết, quân đoàn pháo binh số 2 thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đơn vị có nhiệm vụ vận hành tên lửa đang chuẩn bị để nhắm mục tiêu vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như các căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa.

Bài viết cũng bình luận, việc triển khai tên lửa là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đang “chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản”. Cũng theo báo này, DF-16, được trang bị nhiều đầu đạn, có năng lực “đánh bại” tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ hiện đang được triển khai tại các căn cứ quân sự của nước này trong khu vực.

Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng lực lượng tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong trong khu vực ít nhất một thập kỷ qua. Theo tình báo Mỹ, ước tính, tổng số tên lửa có thể đã triển khai trong khu vực là khoảng 1.200 và 1.500 quả. Chúng chủ yếu là tên lửa tầm ngắn DF-15 và DF-11. Ngoài ra, theo giới chức vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc còn có thể đã triển khai nhiều tổ hợp tên lửa tầm xa DF-21 trong khu vực.

Trong khi đó, John Tkacik, một chuyên gia về Trung Quốc cho biết, gần đây truyền hình nước này tiết lộ quân đội vừa thực hiện các cuộc diễn tập tập ném bom tập trung trong đó lần đầu tiên đưa vào sử dụng hệ thống khởi động tự động có khả năng bắn chính xác 10 đầu đạn hạt nhân nhắm tới một mục tiêu.

Ngoài ra, theo báo Mỹ, để chuẩn bị cho chiến tranh, quân đội Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn hồi Tết Nguyên đán bao gồm tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của pháo binh, lục quân và không quân. Chưa hết, một loạt hoạt động chuyển quân, tập trận quy mô cũng được phát hiện diễn ra xung quanh các khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư như các vùng ven biển thuộc tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang.

Trong khi đó, Truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV ngày 13/2 khẳng định, các đơn vị không quân ở miền Đông Bắc Trung Quốc đã tiến hành “tập trận khẩn cấp để chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh”.  Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng chính thức tuyên bố sẽ tiến hành tập trận quân sự tại vùng biển phía bắc của biển Hoàng Hải gần cảng quân sự lớn của nước này là Đại Liên.

Chưa hết, truyền thông Trung Quốc còn loan báo trong những chuyến thăm hồi đầu tháng này tới một đơn vị chỉ huy quân sự, tân Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quân đội phải “tăng cường và làm sâu sắc hơn” tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Hồi cuối năm ngoái, ông Tập cũng kêu gọi các lực lượng quân đội tăng cường “các kỹ năng chiến đấu thực sự”.

Tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ đầu tháng 9 năm ngoái sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa đảo vẫn đang "căng như dây đàn” và cả hai bên đều tỏ ra bế tắc trong việc tìm ra cách giải quyết thỏa đáng.

Lâu nay quần đảo nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Tokyo song Bắc Kinh mới đây tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Đồng thời quân đội Trung Quốc cũng triển khai nhiều tàu chiến, máy bay, tàu hải giámtới tuần tra khu vực nhằm khẳng định các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của họ.

Giới phân tích nhấn mạnh, nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào dưới đáy biển xung quanh quần đảo chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp cũng như sự cương quyết, cứng rắn của hai cường quốc châu Á trong các tuyên bố lãnh thổ của họ.

Washington đã cam kết bảo vệ Tokyo trong bất cứ cuộc xung đột nào dù chính quyền Obama khẳng định lập trường trung lập không đứng về bên nào liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại