Ngày 26/12, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, hệ thống Radar Giám sát Cơ động/Hải Lục quân (AN/TPY-2) thứ hai nhằm "tăng cường phạm vi cảm biến cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản và Mỹ".
AN/TPY-2 sẽ được lắp đặt tại Kyogamisaki, cách Tokyo 600 km về phía tây. Hệ thống radar đầu tiên được thiết lập ở Shariki, miền bắc Nhật Bản.
Mỹ trước đó từng muốn các nước đồng minh tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó Triều Tiên.
Chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng đang được cho là mối quan ngại an ninh lớn đối với cả trong và ngoài khu vực Thái Bình Dương.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong khu vực," Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ James Winnefeld phát biểu hồi đầu năm, cho rằng sự hợp tác "mang lại hiệu quả tốt hơn so với hành động đơn lẻ".
Tuy nhiên, động thái của Mỹ như mũi tên trúng hai đích khi khiến Trung Quốc lo ngay ngáy.
Từ hồi tháng 10/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định điều động hệ thống chống tên lửa tới châu Á-Thái Bình Dương nhằm theo đuổi mục tiêu an ninh đơn phương là đi ngược với tình hình ổn định chiến lược trong khu vực, làm xói món niềm tin và ổn định tại Đông Bắc Á.
Bà Hoa Xuân Oánh kêu gọi các nước liên quan cam kết duy trì an ninh khu vực thông qua chính trị và ngoại giao, không dùng mối quan tâm an ninh riêng làm tổn hại đến lợi ích an ninh của các nước khác.
Trung Quốc đã đẩy mạnh chi tiêu quân sự trong những năm gần đây, đưa vào sử dụng các tàu ngầm, tàu nổi và tên lửa đạn đạo chống hạm, điều mà Mỹ xem là một đối trọng với sự hiện diện quân sự của Washington trong khu vực.
Trong khi đó, Nhật Bản lo ngại về lập trường ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Hoa Đông, nơi hai quốc gia láng giềng vướng vào cuộc tranh chấp vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nước này cũng đã triển khai một trạm radar công nghệ cao gần quần đảo tranh chấp. Trạm này dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2016. Tuy nhiên, có lẽ như thế vẫn chưa đủ.
Mỹ đã cam kết ủng hộ Nhật trong bất kỳ cuộc xung đột nào vì quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, bởi vậy động thái điều radar phòng thủ tên lửa tới Nhật được coi là sự cụ thể hoá cam kết đó.
Hệ thống radar X-band của Mỹ là một trong những hệ thống radar cảnh báo sớm hiện đại nhất trên thế giới, có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo tên lửa đạn đạo của đối phương nhắm vào lãnh thổ Mỹ.
Hệ thống này có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo ngay sau khi rời bệ phóng 10 giây nhằm giúp các tên lửa đánh chặn khai hỏa kịp thời cùng vạch ra hành trình đạn đạo dựa trên dữ liệu từ tên lửa đối phương để tiêu diệt nó sớm ngay cả trên phần đất kẻ thù.
Công ty Raytheon chế tạo hệ thống radar trên cho biết nó có thể phát hiện ra một vật thể chỉ bằng quả bóng chày từ cách xa 4.700km.
Về thiết kế, một hệ thống radar X-band được bố trí trên một chiếc tàu nổi tự vận hành có hình dáng như một dàn khoan dầu trên biển.
Hệ thống radar X-band có thể dễ dàng di chuyển trên mặt biển khi được lệnh điều động đến bất kỳ vị trí nào để radar có thể định vị, kiểm soát bất kỳ khu vực nào trên toàn cầu, cung cấp thông tin cảnh báo trước cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Khi được triển khai tại vùng ven biển Nhật Bản, hệ thống radar này sẽ có nhiệm vụ phát hiện tên lửa Triều Tiên tấn công Nhật.
X-band có khả năng phân biệt và truyền dữ liệu về các kiểu tên lửa khác nhau bay từ khoảng cách 1.000 km.
Được biết, bộ phận chính của hệ thống radar này nặng 34 tấn, bức xạ điện từ là 8-12 GHz, có thể phát hiện tên lửa đạn đạo ngoài 4.000km, đồng thời có khả năng theo dõi đường đi của tên lửa đạn đạo, cho phép triển khai các tên lửa đánh chặn, tiêu diệt tên lửa đối phương từ mặt đất hoặc từ biển.