Xây dựng căn cứ không quân ven biển
Tỉnh trưởng tỉnh Okinawa, ông Hirokazu Nakaima đã chấp thuận đơn yêu cầu thu hồi đất để xây dựng căn cứ mới tại khu vực mà chính phủ đưa ra. Được biết, sự chấp thuận trên là một bước đột phá sau nhiều năm bế tắc trong việc chọn địa điểm để xây dựng một căn cứ quân sự mới của Mỹ.
Mỹ hiện có khoảng 26.000 lính tại Okinawa theo một thỏa thuận hợp tác an ninh lâu dài với Nhật Bản. Tuy nhiên, căn cứ không được địa phương đón nhận và đã có nhiều lời phàn nàn từ phía người dân về những tiếng ồn và mối hiểm họa mà lính Mỹ mang lại.
Căn cứ không quân US Futenma sẽ được xây dựng lại tại một địa điểm mới gần Nago, một khu vực ít đông dân cư tại phía bắc quần đảo.
Từ khi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử cách đây một năm, chính quyền trung ương đã gia tăng sức ép hối thúc tỉnh Okinawa chấp nhận xây dựng một căn cứ mới để di dời căn cứ Futenma hiện đang nằm ở khu vực Ginowan đông dân cư ra khu vực ven biển, theo kế hoạch đã vạch ra năm 2006.
Việc tỉnh trưởng Okinawa chấp thuận kế hoạch này được xem là một bước đột phá đối với thỏa thuận năm 1996 giữa Nhật Bản và Mỹ về việc tiến tới đóng cửa căn cứ Futenma.
Thêm một đòn giáng vào quan hệ Nhật – Trung
Động thái xây dựng căn cứ quân sự mới của Mỹ tại vùng ven biển Nago, Okinawa được công bố vào đúng ngày 27/12, chỉ sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm ngồi đền chiến tranh Yakusuni một ngày (26/12).
Ngay sau động thái thăm đền chiến tranh, Bắc Kinh đã có hàng loạt những lời chỉ trích dành cho Thủ tướng Nhật Bản. Bắc Kinh cho rằng Tokyo vẫn tôn thờ chủ nghĩa chiến tranh, không có thái độ hối lỗi trước những tội ác đã gây ra từ thời chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, mục đích của Thủ tướng Nhật hoàn toàn rõ ràng, họ đến thăm đền chiến tranh để tự nhắc mình không bao giờ lập lại những sai lầm trong quá khứ.
Trước đó, căn cứ quân sự US Futenma luôn trong tình trạng không có gì chắc chân khi người dân địa phương thường xuyên có những hoạt động biểu tình phản đối sự tồn tại của căn cứ này. Tuy nhiên, với căn cứ mới, một điều chắc chắn, Mỹ vẫn được hiện diện quân sự tại Nhật một cách lâu dài.
Ngoài ra, Okinawa là quần đảo có vị trí gần với Senkaku/Điếu Ngư nhất. Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản đang thường xuyên có những tranh chấp về chủ quyền của quần đảo này. Vấn đề tranh chấp này cũng là nút thắt giữa hai quốc gia.
Đồng thời, với học thuyết định hướng châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược chuỗi đảo nhằm phong tỏa, cô lập Trung Quốc mà Washington đề ra, thì việc chắc chân tại căn cứ quân sự mới này có thể coi là chỉ thêm mối lo ngại cho Trung Quốc.
Với căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Okinawa, Trung Quốc và Nhật Bản hứa hẹn sẽ có nhiều nốt trầm hơn, và gần như không thể cứu vãn.