Trong một bài viết trên tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc, Chuẩn Đô đốc Yang Yi cho rằng tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo là hệ thống vũ khí hải quân có hỏa lực mạnh nhất hiện nay. Với đội tàu ngầm hạt nhân lớn nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô có thể cạnh tranh với Mỹ và tàu sân bay của họ. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, ông Yang nhận định rằng hiện tại Mỹ là siêu cường quốc trên biển với cả tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân.
Ông Yang cho rằng các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, như tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Virginia, được thiết kế để thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau. Các tàu ngầm lớp Virginia không chỉ có thể phóng tên lửa đạn đạo chống lại mục tiêu chiến thuật trên mặt đất của đối phương, mà còn có thể được sử dụng trong các hoạt động chống tàu ngầm hay tàu chiến mặt nước.
Theo ông Yang, trong số 4 tàu ngầm lớp Ohio được trang bị tên lửa hành trình của Hải quân Mỹ, mỗi tàu có thể phóng 156 tên lửa Tomahawk, trong khi 14 tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo có khả năng xóa xổ một quốc gia có diện tích trung bình, bằng 100 tên lửa UGM-133 Trident D-5.
Mặc dù vậy, ông Yang tin rằng Bắc Kinh không cần tham gia cuộc chạy đua vũ trang với Washington vì Mỹ có nhiều kinh nghiệm hơn Trung Quốc trong việc vận hành tàu ngầm hạt nhân. Theo ông Yang, Trung Quốc đã làm được một điều thần kỳ khi phát triển một đội tàu ngầm hạt nhân trong thời gian rất ngắn từ những năm 1970.
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Hoàn Cầu, ông Yang cũng cho rằng đã đến lúc cả thế giới biết tới khả năng của Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc trong vận hành căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên, ông phủ nhận Bắc Kinh có khả năng sản xuất và vận hành từ 70 đến 80 tàu ngầm hạt nhân giống như Mỹ.
Theo ông Yang, Trung Quốc hiện nay là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 20 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo là quá đủ để nâng tầm quốc gia trên trường quốc tế. Ông Yang cho biết Trung Quốc nên kiên nhẫn trong việc củng cố sức mạnh quân đội và đội tàu ngầm hạt nhân hiện tại có thể được sử dụng để duy trì hòa bình thế giới, đồng thời bảo vệ các lợi ích quốc gia.