Trung Quốc "hạ bệ" Lục quân, Không quân lên "độc tôn"

Học giả Mỹ vừa đánh giá, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lực lượng không quân hiện đại nhưng họ còn một chặng đường rất dài mới đạt được mục đích.

Trên trang web của Bloomberg vừa có một bài viết với tiêu đề: “Không quân Trung Quốc đi tắt đón đầu, nâng cao địa vị dưới thời Tập Cận Bình”, tập hợp ý kiến của nhiều chuyên gia quân sự Mỹ, đánh giá về hiện trạng và con đường phát triển tương lai của không quân Trung Quốc .

Trong bài viết cho biết, vào năm 2011, Trung Quốc đã khoe khoang một video về công nghệ của máy bay chiến đấu phản lực mới, rất giống với một đoạn trong...phim “Top Gun” của Mỹ. Bộ phim bom tấn của năm 1986 này hiện đã có thêm một tình tiết tương tự là các phi công Trung Quốc đã vượt qua đối thủ, giống như diễn xuất của Tom Cruise.

Đưa không quân lên vị trí thống lĩnh

Tháng 5 và tháng 6 năm nay, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay sát sạt, quấy rối máy bay Nhật Bản trên không phận các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, đây là cuộc va chạm quy mô nhỏ, ở khoảng cách gần nhất của hai nước láng giềng này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Sự kiện này phản ánh rằng, sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉnh đốn lại quân đội nước này, địa vị của Lực lượng không quân đã được nâng cao, không quân nước này đã mở rộng phạm vi hoạt động và sẵn sàng gây hấn với bất cứ đối thủ nào, kể cả đồng mình của Mỹ là Nhật Bản.

Đồ họa máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 J-16 do dân mạng Trung Quốc thiết kế

Đồ họa máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 J-16 do dân mạng Trung Quốc thiết kế

Bắc Kinh một mặt tăng cường nguồn lực không quân, sử dụng máy bay có trình độ công nghệ thập niên 80 của thế kỷ trước để thay thế cho chiến đấu cơ của những năng 1950, mặt khác nâng cao địa vị của cấp lãnh đạo không quân trong quân đội Trung Quốc, ở cấp cao nhất là Ủy ban Quân sự Trung ương, có 2 người là đại biểu của lực lượng không quân.

Kể từ sau cuộc “vạn lý trường chinh” của Mao Trạch Đông (1934-1935), lục quân luôn chiếm địa vị chủ đạo trong PLA. Nhưng vào thời điểm kỷ niệm 87 năm thành lập (ngày 2 tháng 8 vừa qua), Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang trong thời kỳ chuyển mình, cân bằng hơn giữa ba lực lượng hải, lục và không quân, nhấn mạnh khả năng tác chiến trên không.

Khi thành lập năm 1949, lực lượng không quân của PLA chỉ có 10 nghìn binh lính, có nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng tác chiến mặt đất. Đầu những năm 1980, khi PLA bắt đầu đưa toàn bộ lực lượng không quân vào các quân khu, nhiệm vụ của không quân chủ yếu vẫn là phòng ngự cho các trận địa mặt đất, chứ không có chức năng độc lập tác chiến.

Tập Cận Bình bắt đầu cuộc chiến làm suy yếu địa vị chủ đạo của Mỹ và các nước đồng minh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một phần được thực hiện thông qua việc nhấn mạnh quyền chủ quyền với nhóm đảo ở biển Đông và biển Hoa Đông, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực không quân.

Đồ họa tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20

Đồ họa tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20

Nhận thức này được thể hiện trong tuyên bố tháng 11/2013 của Trung Quốc, khi Bắc Kinh thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên phần lớn khu vực Đông Hải, bao trùm một phần ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc, “nuốt” cả những khu vực tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc trên biển Hoa Đông là Senkaku/Điếu Ngư và đảo Ieodo.

“Vùng nhận dạng phòng không” sẽ trở thành khu vực tiền tiêu của lực lượng không quân, nhận những đòn tấn công đầu tiên và chủ yếu trong các đợt tập kích đường không. Vì vậy, Trung Quốc đã chú trọng xây dựng lực lượng không quân tầm xa, để hỗ trợ hải quân mở rộng phạm vi hoạt động.

Hiện nay, địa vị của không quân trong các cấp lãnh đạo quân đội được coi trọng chưa từng có. Trong Ủy ban Quân sự Trung ương do Chủ tich Tập Cận Bình lãnh đạo, cựu Tư lệnh không quân Hứa Kỳ Lượng là một trong hai Phó chủ tịch quân ủy trung ương. Đương nhiệm Tư lệnh không quân Mã Hiểu Thiên là Ủy viên Quân ủy trung ương.

Năm nay, trước lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vài ngày, báo “Quân giải phóng” đưa tin rằng, ông Ất Hiểu Quang, người từng giữ các chức vụ chỉ huy trong không quân gần 30 năm, đã được bổ nhiệm làm Phó tổng Tham mưu trưởng của PLA.

Trung Quốc đang thử nghiệm máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không KJ-2000

Máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không KJ-2000 của Trung Quốc

Ông Philip Saunders, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự Trung Quốc của Đại học Quốc phòng Washington cho biết, việc bổ nhiệm này “là một phần trong nỗ lực mở rộng phạm vi của PLA, nhằm nâng cao khả năng tác chiến liên hợp của các quân binh chủng, đưa quân đội thoát khỏi thời kỳ chủ yếu do các tướng lĩnh lục quân lãnh đạo”.

Ông Saunders cho rằng, trọng điểm của hiện đại hóa quân đội là không quân, hải quân và lực lượng vũ khí hạt nhân chiến lược - còn được gọi là “Lực lượng pháo binh 2”. Việc chú trọng xây dựng các lực lượng này cho thấy, Trung Quốc đã học được kinh nghiệm từ các hoạt động quân sự và chuyển hướng xây dựng theo mô hình Mỹ.

Nỗ lực đẩy nhanh năng lực tác chiến

Trong “Sách trắng quốc phòng” của Trung Quốc năm 2013 thể hiện, quy mô của các quân, binh chủng trong PLA lần đầu tiên được xác nhận công khai, Trung Quốc đã xây dựng biên chế lực lượng Không quân lên tới 398.000 người, trong khi đó Lục quân chỉ có 850 nghìn, Hải quân có 235 nghìn quân.

Trước đây, các phi công của Không quân PLA đã dành phần lớn thời gian trên giảng đường để học về học thuyết quân sự, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng hiện nay họ đã được đầu tư nhiều thời gian hơn vào luyện tập không chiến trên bầu trời, nâng cao kỹ thuật bay và khả năng sử dụng vũ khí.

Trung Quốc đang thử nghiệm máy bay vận tải hạng nặng Y-20

Trung Quốc đang thử nghiệm máy bay vận tải hạng nặng Y-20

Một đại tá họ Nhạc cho biết: “Các phi công Nhật Bản nổi danh nhờ được đào tạo có trọng điểm, hiện nay phi công Trung Quốc cũng đã dần bắt kịp”. Ông này cho biết, các phi công cấp I của không quân Trung Quốc hiện nay có thời gian bay trung bình mỗi năm là 200 giờ.

Ông Sanders, người đồng chủ biên cuốn “Không quân Trung Quốc: Lý luận phát triển, vai trò và năng lực”, xuất bản vào năm 2012 cho biết: “ Trung Quốc đang cố gắng hiện đại hóa năng lực tác chiến trên không, để có thể đánh bại các lực lượng không quân khác trong khu vực và có thể đối phó được với Hoa Kỳ.

Trang bị Không quân PLA đã thay đổi nhiều so với trước đây, từ những máy bay chiến đấu lỗi thời do Liên Xô chế tạo vào thập niên 50 của thế kỷ trước, đến những chiến đấu cơ tương đối hiện đại sử dụng công nghệ của Nga và phương Tây (ví dụ như Israel) vào những năm 1980, phạm vi tác chiến cũng được mở rộng từ gần lãnh thổ đến những khu vực xa đất nước hàng ngàn km.

Giới truyền thông Trung Quốc cho biết bốn năm vừa qua là “thời kỳ thu hoạch” của không quân, đạt được những đỉnh cao về nhiều mặt, bao gồm chiến đấu cơ phản lực tàng hình đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo là J-20 vào năm 2011 và Y-20 - chiếc máy bay vận tải tầm xa đầu tiên vào năm 2013.

Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc

Mô hình máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang phát triển năng lực tấn công tầm xa bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiêm kích bằng cách phát triển lực lượng máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiếp dầu trên không và phát triển các loại vũ khí tấn công tầm xa trên máy bay.

Trung Quốc đã phát triển phương thức tiếp dầu đồng đội (máy bay chiến đấu tiếp dầu cho nhau) và cải tạo máy bay tiếp dầu HY-6 (biến thể tiếp dầu trên không của máy bay ném bom H-6), nhờ Nga hoán chuyển máy bay vận tải hạng nặng Il-76 thành máy bay tiếp dầu Il-78, trang bị thêm chức năng tiếp dầu cho Y-20.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hỏi mua máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu thế hệ mới Il-476/Il-478 của Nga, đồng thời nỗ lực phát triển các máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không (AEW&C) họ KJ (KJ-500/2000) nhằm nâng cấp thần tốc khả năng phục vụ, bảo đảm tác chiến tầm xa cho lực lượng không quân.

Theo đánh giá của Lầu Năm Góc hồi tháng 6 vừa qua, “Không quân Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa với quy mô chưa từng có trong lịch sử. Năng lực trên hàng loạt các phương diện như máy bay, chỉ huy và kiểm soát, phương tiện gây nhiễu, tác chiến điện tử và thông tin số liệu đều đã được mở rộng và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với không quân phương Tây”.

Kỳ sau: Mỹ: Tuy tiến bộ nhưng Không quân TQ vẫn còn “non” lắm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại