Không quân Trung Quốc tiếp nhận 1 trung đoàn tiêm kích J-16

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Tạp chí Popular Science/Popsci (Mỹ) cho hay cuối tháng 4/2014, Không quân Trung Quốc đã tiếp nhận một trung đoàn tiêm kích đa năng J-16.

Bắc Kinh hy vọng số máy bay này sẽ đạt được khả năng hoạt động ban đầu (IOC) vào cuối năm nay.

Shenyang J-16 gây chú ý bởi được trang bị các loại vũ khí dẫn đường do Trung Quốc tự phát triển. Theo Popsci, J-16 là sự kết hợp giữa khung máy bay Su-30MKK (Nga) mang khả năng sống sót cao và sức mạnh tác chiến trên không với hệ thống vũ khí của tiêm kích-bom JH-7A.

Popsci nhận định, trong khi Su-30MKK hạn chế ở chỗ chỉ được trang bị một số vũ khí chống tàu và phá boongke do Nga sản xuất, JH-7A mang đầy đủ các loại vũ khí như tên lửa chống tàu cận âm/siêu âm, tên lửa không đối không, bom dẫn đường bằng vệ tinh, tên lửa hành trình và thiết bị gây nhiễu/đối kháng điện tử. Tuy nhiên, JH-7 không có tên lửa dẫn đường bằng radar khiến nó dễ bị tổn thương trước các loại tiêm kích phổ biến trong khu vực như F-16.

Có rất ít những hình ảnh chính thức của J-16 được công bố. Popsci cho rằng mặc dù có nhiệm vụ giống nhau nhưng J-16 trên thực tế được chế tạo dựa theo khung máy bay Su-27 Flanker nhiều hơn là Su-30MKK. Trên danh nghĩa, J-16 phát triển dựa trên tiêm kích J-11BS, loại máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi thiết kế dựa theo Su-27SK.

Nâng cấp quan trọng nhất đối với J-16 là hệ thống radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA). Đây là loại radar mạnh hơn nhiều so với radar trên Su-30 và JH-7A. Radar AESA cho phép J-16 chặn máy bay đối phương ở khoảng cách xa hơn các mẫu máy bay tiền nhiệm và tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu. Radar AESA cũng được kết nối dữ liệu với các hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc, bao gồm máy bay không người lái, để tăng khả năng nhận diện tình huống.

Popsci cho hay điều này mang lại một lựa chọn rộng hơn cho các nhà lập kế hoạch quân sự Trung Quốc. Các tiêm kích đa năng như Tornado IDS, F-15E Strike Eagle, J-16 phù hợp với những thách thức của chiến tranh công nghệ cao, thông qua việc kết hợp khả năng chiến đấu trên không của các tiêm kích với những loại vũ khí dẫn đường chính xác của một máy bay ném bom.

Theo Popsci, khả năng sống còn và tầm hoạt động xa của của J-16 đồng nghĩa với việc nó có thể chiến đấu với tiêm kích đối phương thậm chỉ vượt trội về số lượng trước khi tiến hành ném bom các sân bay, trung tâm chỉ huy và chiến hạm của đối phương.

Đại tá Du Wenlong, một chuyên gia quân sự Trung Quốc từng tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể sử dụng tiêm kích J-16 kết hợp với một số loại máy bay cảnh báo sớm để thiết lập không-hải chiến trên Biển Đông.

Trong vấn đề kiểm soát không phận Biển Đông, ông Du nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiêm kích J-16 bởi nó được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ không-đối-không, không-đối-hải và không-đối-đất, hay nói cách khác J-16 là một máy bay đa chức năng có thể đảm nhiệm nhiều vai trò trên Biển Đông.

Các chuyên gia quân sự cho rằng tiêm kích J-16 kết hợp với máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm KJ-500 có thể sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa cho các nước trong khu vực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại