Phương thức cải tiến này tương tự như trường hợp máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler được phát triển trên cơ tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ.
China News cho hay, từ góc độ bức ảnh cũng như xem xét tính chất đa nhiệm vụ của máy bay tác chiến điện tử, có thể phỏng đoán máy bay tác chiến điện tử mới của Trung Quốc sử dụng khung thân tiêm kích J-15S phiên bản 2 chỗ ngồi.
Điều này giúp nó kết hợp hiệu quả với các máy bay chiến đấu khác trên tàu sân bay, đặc biệt J-15 có tới 8 giá treo trên cánh và thân, có tính linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, có thể dễ dàng thay thế, điều chỉnh các pod và vũ khí để đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ khác nhau như gây nhiễu, tấn công gây nhiễu ngoài khu vực phòng thủ.
Theo China News, giống với máy bay EA-18G, J-15 có 3 mấu treo trên 2 cánh và bụng để treo pod tác chiến điện tử - loại từng được treo trên máy bay chiến đấu JH-7 (NATO định danh là Flounder) của Trung Quốc.
Tuy nhiên, so với máy bay JH-7 gắn pod tác chiến điện tử và không mang theo tên lửa chống bức xạ, J-15 ngoài mang 2 quả tên lửa không đối không tầm trung còn mang được 2 quả tên lửa chống bức xạ YJ-91 nên phương thức treo này phù hợp hơn với đặc trưng của máy bay tác chiến điện tử.
Tại triển lãm hàng không Chu Hải 2014 diễn ra gần đây, Trung Quốc cũng giới thiệu nhiều loại tên lửa chống bức xạ vừa và nhỏ, những tên lửa này đều có thể trở thành vũ khí của máy bay tác chiến điện tử J-15.
China News cho hay, xét đến việc J-15 là tiêm kích hạm hạng nặng thì máy bay tác chiến điện tử J-15 khi thực hiện nhiệm vụ cần mang được ít nhất 5 pod tác chiến điện tử, cùng 2 quả tên lửa chống bức xạ vừa/nhỏ. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ pod tác chiến điện tử, nếu không sẽ ảnh hưởng đến khả năng tương thích điện tử và một số vấn đề khác.
Hải quân Trung Quốc vốn có toan tính dựa vào đội tàu sân bay để mở rộng phạm vi tác chiến. Nhưng nếu mưu đồ này được triển khai, khi biên đội tàu sân bay của Trung Quốc đến chuỗi đảo thứ 2, các hoạt động tác chiến biển sâu được tăng cường thì trên phương diện tác chiến thông tin, lực lượng này sẽ không thể có được sự hỗ trợ của lực lượng tác chiến thông tin tầm xa từ bờ.
Lưu Tử Quân, một nhà bình luận quân sự của Trung Quốc không giấu giếm tính toán khi cho rằng, trong tương lai, các nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc cần có khả năng phòng thủ ven bờ độc lập khi cách xa đất liền nên máy bay tác chiến điện tử J-15 là một lựa chọn rất tốt.
Tuy nhiên, do Trung Quốc mới sở hữu tàu sân bay chưa được bao lâu nên việc máy bay tác chiến điện tử J-15 làm thế nào để phối hợp với máy bay chiến đấu khác trên tàu, cũng như làm thế nào để phát huy tác dụng của máy bay tác chiến điện tử trong biên đội tàu sân bay là rất quan trọng.
Có thể dự đoán trong 10 năm tới, thậm chí xa hơn, J-15 chắc chắn sẽ trở thành nền tảng tiêm kích hạm duy nhất của các tàu sân bay Trung Quốc. Đối với sự xuất hiện của mẫu máy bay tác chiến điện tử J-15, nhà bình luận quân sự Lý Tiểu Kiện phân tích rằng, mẫu máy bay này có thể trở thành máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng của Hải quân Trung Quốc, chuyên dùng để thực hiện nhiệm vụ tác chiến điện tử, không mang hoặc mang ít vũ khí tấn công.