Trang mạng Đông phương của Trung Quốc cho biết, vừa qua, Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc đã tổ chức họp báo tại Bắc Kinh, chính thức công bố “Báo cáo đánh giá quân lực Mỹ năm 2012” và “Báo cáo đánh giá quân lực Nhật Bản 2012”. Đánh giá về tình hình quân lực của đối thủ trực tiếp, bản báo cáo cho biết, trong năm 2012, Nhật đã nhận hoặc bắt đầu phát triển, hoặc nâng cấp rất nhiều loại trang bị, vũ khí hiện đại hàng đầu thế giới.
Để tăng cường khả năng giám sát và răn đe trên biển, chú trọng ngăn chặn cái gọi là “hành động xâm lược biển đảo”, của một số đối thủ tiềm tàng, ngoài việc tăng cường triển khai radar giám sát biển FPS-5 ở Okinawa, Nhật Bản còn đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, chế tạo radar chống tàng hình thế hệ mới nhất FPS-7, tính năng vượt trội các loại radar thế hệ cũ, vừa có khả năng phát hiện máy bay tàng hình , vừa có năng lực phòng thủ tên lửa...
FPS-7 là loại antena đầu tiên của Nhật Bản áp dụng công nghệ antena radar bãi rộng, nâng cao cực đại tính linh hoạt, phạm vi giám sát và độ nhạy của antena. Nó có khả năng phát hiện tất cả các mục tiêu trên không có khả năng tàng hình cao, được giới chức quân sự Nhật Bản đánh giá là loại trang bị trụ cột trong công tác giám sát không phận và hải phận các khu vực duyên hải Nhật Bản, đặc biệt là các cụm đảo phía tây nam.
Năm 2012, Nhật Bản khởi động 2 kế hoạch nghiên cứu trang bị lớn: 1 là nghiên cứu loại ngư lôi thế hệ mới, để thay thế ngư lôi thế hệ cũ Type 89, trên các tàu ngầm Nhật Bản. Hai là chế tạo một loại sonar tự biến đổi độ sâu, để tăng cường khả năng trinh sát ngầm dưới đáy biển, nâng cao trình độ tác chiến chống ngầm.
Đồng thời, Nhật Bản cũng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu một loại máy bay không người lái thế hệ mới, mua sắm 2 hệ thống tên lửa bờ đối hạm Type 88, để nâng cao khả năng chống hạm cho lực lượng bảo vệ bờ biển.
Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản cũng tới tấp tiếp nhận các tàu chiến khủng. Tháng 3/2012, tàu hộ vệ tên lửa DD-115 Akizuki (hay còn gọi là 19DD), lớp Akizuki, có lượng giãn nước 5000 tấn và chiếc tàu ngầm AIP thứ 4, lớp Soryu, mang số hiệu SS-504 Kenryu, có lượng giãn nước 2900 tấn, được biên chế chính thức cho lực lượng hải quân.
Trong đó, DD-115 Akizuki là chiếc đầu tiên, trong tổng số 4 tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Akizuki, mà Nhật Bản đang chế tạo, ưu tiên phát triển khả năng phòng không hạm. Ba chiếc còn lại của lớp tàu này là DD-116 Teruzuki (20DD), DD-117 Suzutsuki (21DD), DD-118 Fuyuzuki (22DD), lần lượt được đưa vào phục vụ trong 2 năm 2013 và 2014.
Đầu năm nay, chiếc thứ 5 thuộc loại tàu ngầm AIP (sử dụng hệ thống động lực không cần không khí), đã được biên chế chính thức trong lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản. Đây là loại tàu ngầm lớp Soryu do Nhật tự nghiên cứu, phát triển có tính năng tàng hình rất cao và khả năng cơ động linh hoạt, rất phù hợp tác chiến ở những khu vực nước nông như biển Hoa Đông.
Hiện nay 5 chiếc đã được đưa vào trong biên chế bao gồm: SS-501 Soryu, SS-502 Unryu, SS-503 Hakuryu, SS-504 Kenryu và SS-505 Zuiryū. Ngoài ra, Nhật đang triển khai đóng 3 chiếc SS-506, SS-507 và SS-508 (chưa đặt tên), tổng số tàu ngầm AIP lớp Soryu mà Nhật Bản dự kiến đóng, có thể lên tới 14 - 16 tàu.
Theo dự toán ngân sách năm 2012, Nhật còn đang triển khai đóng 1 hàng không mẫu hạm trực thăng lớp Hyuga, có lượng giãn nước 19.5000 tấn, để thay thế cho tàu khu trục chở trực thăng DDH-144 Kumara lớp Shirane, sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2016. Chiếc đầu tiên trong lớp hàng không mẫu hạm trực thăng này hiện đang sử dụng là JS Hyuga (DDH-181).
Về hạng mục máy bay trên hạm, 2012 là năm lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản mua sắm nhiều nhất, loại trực thăng đa năng vận tải/quét lôi MCH-01 (3 chiếc). Ngoài ra, họ cũng tăng cường mua sắm loại trực thăng trinh sát chống ngầm SH-60K (phiên bản Nhật sản xuất trong nước là SH-60J). Trong tương lai, Nhật cũng có kế hoạch mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, loại cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B để trang bị trên tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH đang triển khai đóng.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng không ngừng củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Theo kế hoạch phòng vệ năm 2012, Nhật bản đã đầu tư 4,1 tỷ USD để mua sắm các hệ thống tên lửa đất đối không Patriot-3 (PAC-3) và tích cực nghiên cứu, phát triển các thiết bị tìm kiếm, đo đạc hồng ngoại thế hệ mới cho các tên lửa hành trình phóng từ tàu mặt nước trong tương lai.
Năm 2012, Nhật Bản cũng nâng cấp 2 tàu khu trục Aegis lớp Atago, lắp đặt thêm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, đồng thời Mỹ và Nhật Bản cũng liên hợp chế tạo tên lửa đánh chặn SM-3BlockIIA trên các tàu khu trục Aegis. Trong năm 2012, kế hoạch này đã hoàn thành giai đoạn thực nghiệm mô hình, sang năm 2013 sẽ chuyển sang giai đoạn phóng thử, để nhanh chóng đưa vào trang bị trong lực lượng hải quân nước này.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!