Trước diễn biến mới của tình hình và nhiệm vụ cách mạng trên hai miền Nam-Bắc, Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định điều chỉnh kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng những lực lượng không quân đầu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng nước ta.
Thành lập Cục Không quân
Trong 4 năm từ 1955 đến 1958, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xây dựng lực lượng Không quân, các cơ sở đầu tiên của Không quân và Hàng không Dân dụng đã được hình thành.
Một số sân bay do Pháp xây dựng trước đây đã được khôi phục và hoạt động trở lại. Trên bầu trời Tổ quốc đã xuất hiện những chiếc máy bay đầu tiên mang cờ Việt Nam.
Đội ngũ cán bộ chỉ huy, cán bộ các ngành và nhân viên kỹ thuật chuyên ngành hàng không hình thành gồm những cán bộ, chiến sỹ được rèn luyện trưởng thành trong thực tiễn công tác và học tập ở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn ngày trong nước.
Một số lượng khá lớn cán bộ được gửi đi đào tạo cơ bản, chính quy ở nước ngoài. Bước phát triển đó đã đủ điều kiện để cho ra đời tổ chức có quy mô lớn hơn trong quá trình xây dựng lực lượng Không quân của Quân đội ta.
Ngày 24/01/1959, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra nghị định số 319/NĐ thành lập Cục Không quân trên cơ sở tổ chức và lực lượng của Ban Nghiên cứu Sân bay và Cục Hàng không Dân dụng đã được thành lập ngày 22/12/1955.
Lễ thành lập Trung đoàn Không quân vận tải 919 tại sân bay Gia Lâm ngày 1/5/1959
Cục Không quân đảm nhiệm cả hai chức năng quân sự và dân dụng, có nhiệm vụ giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu chủ trương và kế hoạch tổ chức, xây dựng lực lượng Không quân và các căn cứ Không quân;
Tổ chức và chỉ huy các đơn vị mặt đất và đơn vị trên không; đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nhân viên kỹ thuật; bảo quản tu sửa các sân bay hiện có, xây dựng các sân bay mới theo chủ trương của Bộ; chỉ đạo hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không, đào tạo lực lượng hậu bị của Không quân.
Đại tá Đặng Tính được bổ nhiệm làm Cục trưởng, Thượng tá Hoàng Thế Thiện được bổ nhiệm làm Chính uỷ Cục Không quân. Một số cán bộ thuộc cơ quan Bộ Quốc phòng và các đơn vị được điều về tăng cường cho Cục Không quân.
Cục Không quân có 5 phòng: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Công trình, Hành chính và một số ban trực thuộc. Một số sân bay có vị trí quan trọng, hoạt động nhiều như Gia Lâm, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên… được bổ sung quân số và trang bị thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Theo phương châm và tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ đội Không quân ngay từ khi mới thành lập là “vừa làm, vừa học”.
Đảng ủy Cục Không quân chủ trương từng bước đưa các tổ bay vào hoạt động từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp; thông qua việc thực hiện nhiệm vụ bay để rèn luyện nâng cao trình độ của bộ đội, cơ quan và đơn vị.
Lớp học viên đầu tiên của Không quân ta gồm các tổ bay vận tải Il-14, Li-2, An-2 và trực thăng Mi-4 sau hơn 3 năm học tập ở nước ngoài đến đầu năm 1959 đã tốt nghiệp về nước.
Cùng với một số máy bay vận tải đang hoạt động, hệ thống các sân bay và cơ sở vật chất kỹ thuật bước đầu, Quân đội ta đã có đủ điều kiện tổ chức một đơn vị Không quân vận tải cấp Trung đoàn.
Thành lập Trung đoàn không quân vận tải đầu tiên
Ngày 1/5/1959, theo Quyết định của Bộ Quốc phòng và Cục Không quân, Trung đoàn Không quân vận tải 919 tổ chức trọng thể Lễ thành lập tại sân bay Gia Lâm.
Cơ quan Trung đoàn được tổ chức trên cở cơ quan đơn vị sân bay Gia Lâm, gồm 4 ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật. Các đơn vị gồm đại đội bay có 4 trung đội và đại đội thợ máy làm nhiệm vụ bảo quản máy bay và bảo đảm bay.
Số quân lúc thành lập gồm 300 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên. Thiếu tá Nguyễn Văn Giáo được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng; Thiếu tá Nguyễn Đàn được bổ nhiệm làm Chính ủy Trung đoàn.
Trung đoàn 919 tham gia vận chuyển VKTBKT, hậu cần chi viện cho chiến trường Lào
Ngay sau khi thành lập, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn xác định nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, cả trên không và mặt đất, đặc biệt là trình độ kỹ thuật của các tổ bay.
Phương châm huấn luyện là “cơ bản, toàn diện, sát thực tế; từ dễ đến khó, từ giản đơn đến phức tạp, từng bước vững chắc, bảo đảm chất lượng và an toàn”.
Do thiếu máy bay và mỗi loại máy bay mới có 2 tổ bay hoàn chỉnh, trình độ không đồng đều, các tổ bay đã chia ca, kíp bay để tranh thủ học tập những lúc thời tiết tốt.
Sau mỗi chuyến bay, từng tổ rút kinh nghiệm, giúp nhau nâng cao trình độ lên đồng đều, từ huấn luyện bay trong điều kiện khí tượng giản đơn và ban ngày đến bay trong những điều kiện phức tạp hơn.
Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bảo đảm bay không quan sớm khuya, mưa, nắng, thay nhau túc trực ở sân bay để bảo đảm các chuyến bay tập và bay nhiệm vụ an toàn.
Sau một thời gian huấn luyện khẩn trương, các tổ bay của Trung đoàn đã bảo đảm bay thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đây là bước trưởng thành mới của Không quân nhân dân Việt Nam.
Với việc thành lập Cục Không quân và Trung đoàn Không quân vận tải đầu tiên, cơ cấu tổ chức lực lượng Không quân và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam bước đầu được hình thành và chuẩn bị cơ sở thành lập các đơn vị không quân chiến đấu.
Đây là tiền đề quan trong giúp cho Bộ đội Không quân ngày càng trưởng thành vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.