Trận đấu S-300 - Máy bay Mỹ ở Iran qua góc nhìn chuyên gia Việt

Đại tá Lê Thế Mẫu |

Theo các chuyên gia quân sự phương Tây, không một loại chiến đấu cơ nào hiện có trong trang bị của Mỹ dám “cả gan” tung hoành trong khu vực trực chiến của tên lửa S-300.

Theo nhận định của giới phân tích chính trị-quân sự trên thế giới, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định chuyển giao tên lửa S-300 và các hệ thống phòng không khác cho Iran sẽ làm phá sản các kịch bản tấn công nước này của Mỹ và Israel.

Nhưng điều quan trọng hơn là hành động này sẽ thay đổi cục diện chiến lược không chỉ ở khu vực Trung Đông mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới.

Một số thông tin cơ bản về tên lửa S-300 của Nga

S-300 là tên gọi chung để nói về nhiều biến thể được cải tiến của một hệ thống tên lửa phòng không có điều khiển đầu tiên của Nga được tự động hóa toàn bộ các khâu trong chuỗi hoạt động phát hiện, bám, chỉ thị, đánh chặn mục tiêu và đánh giá kết quả.

S-300 có tầm bắn tối đa 250 km đối với các khí tài bay theo quy luật khí động học (như máy bay có người lái và không người lái, tên lửa hành trình) và 40 km đối với tên lửa bay theo qũy đạo đường đạn ở độ cao tới 27 km.

Giàn tên lửa S-300 có thể giám sát đồng thời 100 mục tiêu và điều khiển bắn từ 12 đến 72 mục tiêu (các loại cải tiến gần đây).

Tên lửa S-300 khai hỏa

Tên lửa S-300 khai hỏa

Hệ thống S-300 được Liên Xô triển khai lần đầu vào năm 1979 để bảo vệ các trung tâm công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận trước nguy cơ tấn công đường không của đối phương.

Từ năm 1997, Nga bắt đầu cải tiến tên lửa S-300 và cho ra đời các thế hệ mới S-400, S-500…có thể tấn công bất kỳ khí tài bay nào của Mỹ, kể cả tên lửa đường đạn chiến lược vượt đại châu.

Đặc biệt, S-300 được lắp các hệ thống chiến tranh điện tử cực mạnh để có thể hoạt động trong môi trường bị đối phương gây nhiễu chủ động và thụ động, thậm chí bị tác động của vũ khí xung điện từ.

Nga hiện có trong trang bị các hệ thống radar phòng không như “Gamma”, “Orion” và “Protivnhik” có khả năng phát hiện tất cả các loại máy bay tàng hình của Mỹ và Israel.

Không loại trừ khả năng, Nga sẽ chuyển giao cho Iran những hệ thống radar này.

Để tăng hiệu quả phòng không, S-300 thường được bố trí trong cùng một thế trận liên hoàn với một số loại pháo bắn cực nhanh và tên lửa phòng không tầm gần.

Ví dụ, S-300 được bố trí kết hợp với vũ khí phòng không tầm gần như “Tor-M1” mà Nga đã chuyển giao cho Iran trước đây.

Với thế trận phòng không liên hoàn, S-300 có thể tiêu diệt chiến đấu cơ, tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa đường đạn chiến thuật, khí tài bay khác có tiết diện mặt cắt hiệu dụng 0.02m2, tốc độ 2.800km/h, trong 1 cuộc tấn công ồ ạt ở môi trường bị gây nhiễu cực mạnh.

Do đó, S-300 thường được bố trí ở các trận địa phòng không để bảo vệ các trung tâm hành chính quốc gia và công nghiệp lớn, các căn cứ quân sự, sở chỉ huy chống lại các đòn tiến công từ trên không và từ trên vũ trụ.

Đối với Iran, mục tiêu cần bảo vệ hàng đầu của S-300 là các trung tâm công nghệ hạt nhân.

Theo giới quân sự, năm 1999, Tổng thống Nam Tư Milosevich, nghe theo lời khuyên của các điệp viên chịu ảnh hưởng của phương Tây nên đã quyết định không mua S-300 của Nga, với hy vọng sẽ đàm phán với NATO để giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Quyết định này là sai lầm chết người và đã phải trả giá bằng một cuộc chiến tranh xâm lược của NATO.

Nếu hồi đó ông Milosevich quyết định mua S-300 của Nga thì chiến tranh Kosovo đã không xảy ra.

Tuy nhiên, trong chiến tranh Kosovo năm 1999, Nam Tư chỉ dùng S-125AM “Neva” của Nga - thế hệ tên lửa phòng không có tính năng chiến-kỹ thuật kém xa S-300, mà đã bắn rơi 1 máy bay ném bom “tàng hình” F-117A và 1 máy bay ném bom chiến lược B-2 của Mỹ.

Những ý kiến trái chiều về khả năng của S-300

Nhận định về khả năng phòng không của tên lửa S-300 hiện có nhiều ý kiến trái chiều.

Tổng thống Mỹ B.Obama tuyên bố, khi cần thiết, quân đội Mỹ có thể vượt qua lưới lửa phòng không của S-300 để tấn công Iran.

Cùng quan điểm này, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhận định việc Iran nhận tên lửa S-300 sẽ không ngăn cản được Washington thực hiện kế hoạch tấn công quân sự Iran nếu xét thấy cần thiết.

Ông nói: “Chúng tôi đã biết tường tận về loại vũ khí mà Nga có thể chuyển giao cho Iran”.

Sau khi Liên Xô tan rã, Cục tình báo Trung ương Mỹ thông qua môi giới có mua được một hệ thống S-300 của Belarus và mang về “giải phẫu” để nghiên cứu.

Nhưng đến khi phải khám phá bộ não điều khiển của S-300 thì họ đành bó tay bởi các chuyên gia Nga đã sử dụng một kiểu thuật toán kỳ lạ tới mức không một chuyên gia lập trình nào của Mỹ lần ra chìa khóa để mở.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia quân sự trong Hải quân, Không quân và Lục quân Mỹ lại có ý kiến khác.

Theo họ, tên lửa S-300 của Nga sẽ biến những khu vực rộng lớn của Iran thành “các vùng cấm bay” đối với các máy bay của Mỹ như F-16 và F/A-18 Hornet.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 có khả năng tiếp cận khu vực bao quát của tên lửa S-300?
Máy bay ném bom tàng hình B-2 có khả năng tiếp cận khu vực bao quát của tên lửa S-300?

Hiện nay, chỉ có một số máy bay ném bom chiến lược “tàng hình” của Mỹ như B-2 (khoảng 20 chiếc trong trang bị), F-22 Raptor hoặc F-35 Joint Strike Fighter có khả năng tiếp cận khu vực bao quát của tên lửa S-300.

Cũng theo chính các chuyên gia quân sự phương Tây, không có bất cứ loại máy bay chiến đấu nào hiện có trong trang bị của Mỹ dám “cả gan” tung hoành trong khu vực trực chiến của tên lửa S-300.

Bởi loại tên lửa này có khả năng cơ động rất cao và cả khả năng “tàng hình” nữa, nên không thể biết chắc nó đang ở đâu trên thực địa.

Theo nhận định của giới quân sự phương Tây, việc Putin bỏ cấm vận S-300 cho Iran sẽ làm phá sản các kịch bản tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ nước này, một khi thỏa thuận toàn diện cuối cùng giữa Nhóm P5+1 với Iran không đạt được vào ngày 30/6/2015.

"Cánh én báo mùa xuân”

Theo tiến sỹ khoa học quân sự Nga Constantin Sivkov, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề địa-chính trị, quyết định của Tổng thống Putin chuyển giao cho Iran tên lửa S-300 giống như “cánh én báo tín hiệu về mùa xuân” trong quan hệ Nga-Iran.

Cùng với S-300, Nga sẽ chuyển giao nhiều phương tiện đi kèm để bảo đảm cho hệ thống tên lửa phòng không này và sẽ tạo ra lá chắn tin cậy cho Iran.

Tiến sỹ Sivkov nhận định Nga hiện có trong trang bị nhiều kiểu cải tiến và nâng cấp S-300 có tính năng chiến-kỹ thuật rất khác nhau, hoàn toàn có khả năng hóa giải những thách thức từ các loại vũ khí tấn công mới nhất của Mỹ và đồng minh, trước hết là Israel.

Đây không phải là điều gì mới lạ mà là quy luật tất yếu và muôn thuở trong cuộc chạy đua phát triển vũ khí tiến công và phòng thủ giữa các bên đối địch.

Có thể, sẽ không ai biết được Nga sẽ chuyển giao cho Iran kiểu S-300 cải tiến nào bởi điều này hoàn toàn không vi phạm bất cứ điều luật quốc tế nào.

Theo tính toán của tiến sỹ Sivkov, giả sử Nga sẽ chỉ chuyển giao cho Iran 5 tiểu đoàn S-300 như hợp đồng ký kết ban đầu.

Nhưng để chế áp 5 tiểu đoàn này, đối phương phải cần ít nhất 120-150 máy bay chiến đấu hiện đại nhất được trang bị các phương tiện chế áp radar phòng không cực mạnh để có thể “làm mù” và “điếc” những giàn tên lửa đó.

Như vậy, để mở một cuộc không kích vào một mục tiêu nào đó của Iran, đối phương phải cần số máy bay nhiều gấp ít nhất 1,5 lần.

Trong điều kiện đó, xác suất máy bay của đối phương bị vũ khí phòng không của Iran bắn rơi sẽ khá cao.

Vì thế, mọi đối phương, dù mạnh tới đâu, cũng không thể mạo hiểm mở cuộc tấn công Iran.

Nhận định về ý nghĩa quân sự từ quyết định của Tổng thống Putin chuyển giao S-300 cho Iran, đại tá Không quân Mỹ Clint Hinote trong một bài viết đăng tải trên tờ National Interest, viết:

“Việc Nga chuyển giao S-300 cho Iran sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về sức mạnh quân sự trong khu vực.

Từ trước tới nay, Mỹ và đồng minh của họ thường tự cho mình cho quyền tự do tung hoành trên bầu trời các nước Trung Đông, thì nay mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi.

Đã đến lúc, Mỹ sẽ phải thay đổi cách tiếp cận một khi phải triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực”.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Để thảo luận cùng tác giả hoặc nêu quan điểm về bài viết, kính mời quý độc giả nhập ý kiến vào ô Bình luận bên dưới. Trân trọng!

Còn tiếp...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại