Những năm 1990, Hải quân Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thiếu tàu khu trục có khả năng tác chiến xa bờ với hệ thống vũ khí mạnh.
Đứng trước tình hình này, giai đoạn 1999-2000, Trung Quốc mua lại 2 tàu khu trục Sovremenny (Project 956) của Nga, được đặt tên là 136 Hàng Châu và 137 Phúc Châu.
Sau đó, Trung Quốc tiếp tục đặt hàng thêm 2 tàu nữa với một vài sửa đổi. Biến thể này được gọi là Project 956EM, 2 chiếc mang số hiệu 138 Hải Khẩu và 139 Ninh Ba. Tuy nhiên, Trung Quốc phải chi khá đậm cho thương vụ này.
Trong khi hai chiếc đầu tiên chỉ có giá 600 triệu USD/chiếc thì 2 chiếc 956EM tiếp theo có giá tới 750 triệu USD/chiếc. Điều này biến nó thành tàu chiến nhập ngoại đắt nhất Trung Quốc.
Khu trục tên lửa Sovremenny của Hải quân Trung Quốc.
Hiện cả 4 tàu Sovremenny được biên chế trong Hạm đội Đông Hải. Trước khi có sự xuất hiện của tàu khu trục Type 052C lớp Lữ Dương II, Sovremenny được xem là chiến hạm mạnh nhất của nước này.
Đặc biệt, Sovremenny bán cho Trung Quốc trang bị hệ thống tên lửa chống tàu cực mạnh P-270 Moskit. Đấy được xem là một trong những “sát thủ diệt hạm” hàng đầu thế giới.
Vũ khí chống tàu mặt nước “hàng khủng”
Để đáp ứng nhiệm vụ chính là chống tàu chiến mặt nước, Sovremenny được trang bị 8 tên lửa P-270 Moskit (NATO định danh là SS-N-22 Sunburn).
P-270 Moskit nặng 4,5 tấn, dài 9,74m, đường kính thân 0,8m, lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 320kg (hoặc đầu đạn hạt nhân 120 kiloton).
Điểm mạnh nhất và cũng là đáng sợ nhất của P-270 Moskit là tốc độ cực cao, gấp 2,5-3 lần vận tốc âm thanh. Với tốc độ này, P-270 Moskit chỉ cho đối phương khoảng 25-30 giây để có thể phát hiện và vận hành hệ thống phòng thủ của mình.
Khu trục Sovremenny mang tên Hàng Châu phóng tên lửa P-270 Moskit.
Với thời gian đó, tàu đối phương có ít khả năng vận hành phóng tên lửa đánh chặn hay dùng pháo cao tốc độ bắn chặn. Không những thế, ở giai đoạn bay tiếp cận mục tiêu P-270, việc bay cách mặt biển 20m càng gây khó hơn đối với hệ thống phòng thủ tàu chiến.
Hai chiếc Sovremenny đầu tiên cho hải quân Trung Quốc trang bị biến thể P-270 đạt tầm bắn 120 km. Hai chiếc Sovremenny cải tiến sau đó dùng biến thể cải tiến tăng tầm lên 200km.
Có thể nói, ít có loại tên lửa hành trình chống tàu nào của Trung Quốc có sức công phá, tốc độ tương đương P-270 Moskit.
Hỏa lực phòng không của Sovremenny gồm 2 hệ thống tên lửa tầm trung Shtil (NATO định danh SA-N-12). Shtil có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm 30km, độ cao 14km. Ngoài ra, tàu còn trang bị 4 tháp pháo phòng không cao tốc AK-630.
Tên lửa phòng không tầm trung Shtil.
Vũ khí chống ngầm gồm 2 cụm phóng ngư lôi 533mm; 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Vũ khí này giúp bao quát mục tiêu tàu ngầm tầm 10km.
Biến thể Sovremenny (Project 956EM) cải tiến với việc tháo bỏ pháo AK-630. Thay vào đó, nó được trang bị thêm 2 hệ thống pháo – tên lửa phòng không tầm thấp Kashtan. Hệ thống phòng không cải tiến Shtil-1 tăng tầm lên 50km.
Vẫn có hạn chế
Với hệ thống vũ khí đầy uy lực, Sovremenny là một loại tàu chiến đáng gờm trên biển. Một đối thủ đáng để bất kỳ đối phương nào phải nể trọng. Tuy nhiên, loại tàu khu trục này không hẳn là không có điểm yếu.
Trước hết, loại tàu khu trục này không được thiết kế với tính năng giảm độ bộc lộ hồng ngoại. Những tàu chiến phục vụ trong Hải quân Nga luôn nổi bật với cột khói đen ngòm bốc cao mỗi khi hoạt động. Điểm này đã được khắc phục phần nào trên biến thể 956EM xuất khẩu cho Trung Quốc.
Mặt cắt radar của tàu tương đối lớn cùng với độ bức xạ hồng ngoại cao, loại tàu khu trục này dễ dàng bị phát hiện từ xa. Đây là một điểm bất lợi khi phải đối mặt với những tàu khu trục hiện đại khác. Do nhiệm vụ chính là tấn công tàu chiến mặt nước, vũ khí chống ngầm và phòng không của tàu chỉ ở mức thứ yếu.
Tuy nhiên, nếu phối hợp chiến đấu cùng khu trục Type 052C, Sovremenny sẽ không quá lo lắng về phòng không. Và con tàu chỉ chuyên tâm về chống tàu mặt nước. Khi đó, P-270 Moskit sẽ là “bài toán” khó khăn với hệ thống phòng không trên chiến tàu Nhật.