Thương vụ Mistral: Nga dồn Pháp vào thế khó

Việt Dũng |

Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma quốc gia Nga đã ra tuyên bố nếu Pháp không chuyển giao tàu Mistral, Nga sẽ xúc tiến các thủ tục đòi bồi thường.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma quốc gia Nga Vladimir Komoyedov ngày 3/2 đã ra tuyên bố:

Nếu Pháp không chuyển giao ngay lập tức tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral cho Nga thì Moscow sẽ nhanh chóng làm thủ tục yêu cầu Paris bồi thường cho hợp đồng quân sự này.

“Chúng tôi yêu cầu Pháp hoàn trả ngay lập tức số tiền trả trước cho hợp đồng và chuẩn bị trả thêm tiền bồi thường hợp đồng”, ông V. Komoyedov tuyên bố.

Ông này cũng khẳng định, Nga thực tế “không cần con tàu chưa hoàn thiện như vậy”, hợp đồng với phía Pháp phần nhiều mang ý nghĩa chính trị hơn là quân sự.

Đối với Hải quân Nga, con tàu trên (tàu Mistral) không quá cần thiết. Khi cần hoàn tất hợp đồng thì người Pháp đã “bỏ khách hàng” vì sức ép chính trị từ Mỹ và Phương Tây.

Thực tế, điều đó thể hiện sự yếu kém về vị thế chính trị của Paris trước các cam kết của mình”, ông V. Komoyedov nhấn mạnh.

Trung tuần tháng 1/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố, Moscow đang cân nhắc khả năng kiện Paris vì không hoàn thành hợp đồng cung cấp tàu Mistral suốt 6 tháng qua.

Cùng với đó, Nga yêu cầu Pháp phải đưa ra lời giải thích chính thức về sự chậm trễ này.

Cờ hiệu thể hiện sự hợp tác của Nga và Pháp ở đuôi tàu Vladivostok lớp Mistral
Cờ hiệu thể hiện sự hợp tác của Nga và Pháp ở đuôi tàu Vladivostok lớp Mistral

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga thêm phần khẳng định những tuyên bố trước đó của đại diện hải quân nước này.

Hồi cuối tháng 12/2014, Hải quân Nga cho biết họ không cần một con tàu chưa hoàn thiện.

Nga yêu cầu Pháp trả lại tiền, bồi thường vi phạm hợp đồng, và cũng khẳng định họ hoàn toàn có thể đóng những con tàu tương tự Mistral.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã lên tiếng yêu cầu phía Pháp tôn trọng những hợp đồng kinh tế và cần tách biệt giữa chính trị và thương mại.

Ông Lavrov cho rằng việc Pháp không bàn giao tàu đổ bộ Mistral thể hiện sự yếu kém về lập trường của Paris. Và Mistral đang trở thành công cụ chính trị của Mỹ và phương Tây.

Trước đó, điện Kremlin cũng đã có tuyên bố chính thức về vấn đề thương vụ thương mại này.

Phụ tá của Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov đã nói Nga sẽ chỉ chấp nhận hai phương án: hoặc bàn giao con tàu hoàn thiện, hoặc bồi thường theo đúng hợp đồng giữa hai bên.

Hồi đầu tháng 12/2014, Tổng thống Nga V.Putin cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Pháp, ông Francois Hollande.

Tổng thống Nga cho biết rằng ông đã không nói chuyện với Hollande về vấn đề giao tàu "Mistral".

Nhà lãnh đạo Nga nói rằng "thông cảm" với việc Pháp thực hiện các nghĩa vụ của mình.

"Chúng tôi tin rằng hợp đồng sẽ được hoàn thành" - ông Putin tuyên bố, tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng rằng Pháp sẽ hoàn lại khoản tiền mà nước này đã nhận từ Nga.

Nhiều cơ quan đầu não của Nga từng tuyên bố, nếu tàu Vladivostok (con tàu đầu tiên trong hai chiếc Mistral Nga đặt đóng) không được chuyển cho Nga trước cuối tháng 1/2015, thì hợp đồng với phía Pháp coi như đổ vỡ.

Tháng 6/2011, Bộ Quốc phòng Nga và công ty DCNS (Pháp) đã ký hợp đồng 1,2 tỷ euro đóng mới 2 tàu đổ bộ lớp Mistral.

Theo đó, tàu Vladivostok phải chuyển giao cho phía Nga vào ngày 1/11/2014 và chiếc còn lại là Sevastopol vào ngày 1/11/2015. Nếu hợp đồng đổ vỡ, Pháp sẽ phải bồi thường cho Nga khoảng 3 tỷ euro.

Trong bối cảnh Pháp cùng EU tiếp tục gia tăng trừng phạt, cấm vận đối với Nga dưới sự kêu gọi của Mỹ, xung quanh vấn đề Ukraine đang làm mối quan hệ Nga-Pháp ngày càng căng thẳng.

Việc tất cả các cơ quan chính trị của Nga lên tiếng đòi Pháp bồi thường vi phạm hợp đồng khẳng định sẽ khó có thể có cơ hội nào cho Pháp để thương lượng lại vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại