Tạp chí quốc phòng IHS Jane's cho biết ít nhất 2 hệ thống vũ khí do Trung Quốc sản xuất đã có được kinh nghiệm "tác chiến", mặc dù chỉ là hỗ trợ chính phủ Venezuela ngăn chặn những cuộc biểu tình đang lan rộng nhằm vào chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
Vào ngày 21/2 năm nay, một số người dân Venezuela đã đăng tải các bức ảnh trên mạng xã hội Twitter cho thấy các nhà hoạt động xã hội được cho là lực lượng đặc nhiệm Cuba bước xuống từ máy bay vận tải Shaanxi Y-8C của Venezuela, mặc dù sau đó, ngày 23/2, Bộ trưởng nội vụ Venezuela Rodriguez Torres đã phủ nhận việc sử dụng tới lực lượng quân sự Cuba.
Tuy nhiên, IHS Jane's nhận định những bức ảnh này có thể cho thấy Y-8 đã được sử dụng để cung cấp hỗ trợ hậu cần quân sự cho chính phủ Venezuela. Năm 2011, Venezuela đã đặt mua 8 chiếc Y-8C, mỗi chiếc có thể vận chuyển 18-20 tấn hàng hóa.
Ngoài Y-8C, xe bọc thép VN-4 do tập đoàn NORINCO, Trung Quốc sản xuất đã được Lực lượng vệ binh quốc gia Venezuela dùng để trấn áp người biểu tình. VN-4 có trọng lượng 9 tấn, có thể chở theo 8 binh sĩ và được trang bị súng máy hạng nhẹ. Venezuela đã đặt mua 144 chiếc VN-4 vào năm 2012.
Việc các loại vũ khí thiếu kinh nghiệm tác chiến từ lâu đã là một trở ngại cho Bắc Kinh trong việc giành được các hợp đồng lớn trên thị trường vũ khí toàn cầu. Tại châu Mỹ Latin, Trung Quốc từng chào hàng máy bay chiến đấu Chengdu JF-17 (hay còn gọi là FC-1) cho Venezuela và đã thảo luận việc hợp tác sản xuất với Argentia. Bắc Kinh còn giới thiệu tới Venezuela và Peru máy bay chiến đấu Chengdu J-10. Trung Quốc cũng đã chào bán tới Peru tên lửa đạn đạo tầm ngắn BP-12A và giới thiệu tới quốc gia này cùng Brazil hệ thống giám sát biên giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn giúp Venezuela và Argentia sửa tàu chiến. Tuy nhiên, chưa thấy thông tin về hợp đồng nào được ký kết.
Mặc dù nhiệt tình mời chào như vậy nhưng Trung Quốc vẫn nếm nhiều thất bại trong các thương vụ buôn bán vũ khí. Năm 2011, hợp đồng mua xe tăng chiến đấu chủ lực MBT-2000 Trung Quốc với Peru đã đổ bể bởi chính phủ Peru đổi ý khi Ukraine không cho phép Trung Quốc lắp động cơ diesel do nước này chế tạo vào MBT-2000.
Tháng 5/2013, Ecuador đã hủy bỏ hợp đồng trị giá 60 triệu USD mua 4 hệ thống radar Trung Quốc do chất lượng kém.
Mặc dù rất gian nan trong quá trình chinh phục thị trường Mỹ Latin, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu từ bỏ thị trường này. Theo một số chuyên gia nhận xét, việc Trung Quốc chuyển hướng sang châu Mỹ Latin ngoài mục đích mang tính chất thương mại, Bắc Kinh còn đang tăng cường hiện diện bằng cả chính trị, kinh tế và ngoại giao, tạo nên thế “gọng kìm” đối với vai trò cường quốc của Mỹ.