Thông tin chưa từng tiết lộ về máy bay siêu vượt âm bí ẩn của TQ

Vy Lam |

Hành trình mang tính bước ngoặt của máy bay có tốc độ gấp đôi chiếc Concorde nổi tiếng đã xuất hiện trong một bản báo cáo, nhưng nhanh chóng bị xóa đi. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Bức màn bí ẩn

Theo thông tin mà tờ The Daily Beast (Mỹ) có được, chuyến bay này diễn ra trong đêm, có vẻ là vào đầu tháng 9, tại một trung tâm thử nghiệm chưa rõ địa điểm ở Trung Quốc.

Chiếc máy bay với bộ cánh sẫm màu lao lên bầu trời, mang theo một sứ mệnh quan trọng, đó là bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh và sau đó an toàn trở lại mặt đất.

Có vẻ đây là một chiếc máy bay có người lái với phi công điều khiển trên khoang.

Cuộc thử nghiệm đã đánh dấu một bước ngoặt khổng lồ của Trung Quốc trong cuộc đua với Mỹ nhằm chế tạo các loại máy bay chiến đấu và tên lửa có khả năng đạt tốc độ “siêu vượt âm”.

Thứ vũ khí này nhanh tới mức chúng gần như không thể bị bắn hạ và cũng không mục tiêu nào có thể lẩn tránh chúng.

Đúng vậy, The Daily Beast viết, cuộc thử nghiệm tháng 9 quả là một bước đột phá lớn về công nghệ nếu…nó thực sự diễn ra.

Đột ngột và bất ngờ như khi xuất hiện, bản tin về cuộc thử nghiệm này nhanh chóng “bốc hơi”. Hiện giờ vẫn chưa rõ điều gì đã thực sự diễn ra trên bầu trời Trung Quốc khi đó nếu đúng là có cuộc thử nghiệm này.

Cho tới nay, phóng viên Qi Shengjun của tờ China Aviation News là nguồn duy nhất cung cấp thông tin về sự phát triển có tiềm năng thay đổi thế giới này, một bước đột phá có thể mang lại cho Bắc Kinh ưu thế quân sự khổng lồ trước Washington.


Ảnh minh họa chiếc máy bay siêu vượt âm của Trung Quốc. Ảnh: The Daily Beast

Ảnh minh họa chiếc máy bay siêu vượt âm của Trung Quốc. Ảnh: The Daily Beast

Sự biến mất khó hiểu

Trong bản tin ngày 19/8, Qi “nín thở” mô tả lại chuyến thử nghiệm trong đêm – tiếng “gầm rú của động cơ”, chiếc máy bay với màu sơn tối “biến mất trên bầu trời”, cảm xúc “phấn khích” và “khó tả” của đội ngũ thử nghiệm dưới mặt đất.

“Sau khi máy bay cất cánh được vài giờ, nhiệm vụ hoàn thành” – Qi viết, đồng thời ví von hoa mỹ rằng cú hạ cánh của chiếc máy bay thử nghiệm giống như “đút kiếm vào bao”.

“Khi hiệu lệnh “hãm phanh” được đưa ra, nhiệm vụ kết thúc thành công. Sự lo lắng và căng thẳng lúc đầu ngay lập tức được cởi bỏ. Tiếng vỗ tay, tiếng cười vang khắp phòng điều khiển”.

“Trung tâm thử nghiệm bay đã đạt được một bước đột phá trong lĩnh vực bay siêu vượt âm”.

Tuy nhiên, bản tin của Qi chỉ xuất hiện chóng vánh trên website của China Aviation News. Vài ngày sau, nó bỗng dưng biến mất, có thể là buộc phải gỡ xuống.

Cơ quan quản lý báo chí của Trung Quốc luôn giám sát chặt chẽ các website đưa thông tin về năng lực quân sự của quân đội nước này.

Nếu vào một thời điểm khác, Trung Quốc có thể đã ăn mừng bước đột phá mới trong ngành công nghiệp vũ khí công nghệ cao đang phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, giữa tháng 9 vừa qua, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lại có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Mỹ.

Vì vậy, có thể đây không phải là thời điểm thích hợp để “khoe khoang” chuyến bay thử nghiệm siêu vượt âm trước mặt Mỹ.

Cũng có khả năng thông tin của Qi có phần cường điệu, bởi kỹ thuật siêu vượt âm là thứ rất khó làm chủ.

Dù vì lý do gì thì bản tin của Qi đã biến mất. Song không nên vì điều này mà nghi ngờ những ý căn bản trong đó.

Bởi lẽ trong nhiều năm qua – có thể là vài thập kỷ, Mỹ và thậm chí là Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ nhất định (dù không ngang bằng) trong lĩnh vực công nghệ cao mà Qi mô tả.

Cuộc chạy đua máy bay siêu vượt âm Trung - Mỹ

Máy bay siêu vượt âm không phải là một khái niệm mới. Vào tháng 10/1967, chiếc X-15, sản phẩm hợp tác giữa Không quân Mỹ và NASA, đã đạt tới tốc độ Mach 6.7 dưới sự điều khiển của phi công William Knight.

Đến nay, đó vẫn là tốc độ kỷ lục đối với máy bay có người lái.

Gần đây, Lầu Năm Góc đã mày mò phát triển một số tên lửa và phương tiện bay siêu vượt âm không người lái, Washington hy vọng một ngày nào đó có thể biến chúng thành những vũ khí chiến lược.

Tuy nhiên, thiết kế phương tiện có thể bay với tốc độ Mach 5, có độ đáng tin cậy cao, an toàn mà vẫn “vừa túi tiền” là một nhiệm vụ không hề đơn giản.

Khoảng một nửa các cuộc thử nghiệm siêu vượt âm của Mỹ đều thất bại.

Hơn 40 năm sau chuyến bay thử đầu tiên của X-15, Lầu Năm Góc vẫn đang “gồng mình” để có thể triển khai một mẫu máy bay siêu vượt âm trong các chiến dịch hàng ngày.


X-15 đã đạt tới tốc độ Mach 6.7. Ảnh: Wiki

X-15 đã đạt tới tốc độ Mach 6.7. Ảnh: Wiki

Không nản lòng, năm 2013, tập đoàn Lockheed Martin đã đề xuất chế tạo một mẫu máy bay trinh sát có tốc độ Mach 6 dành cho Không quân Mỹ.

“Tốc độ là bước tiến mới trong ngành hàng không để đối phó với các mối đe dọa hiện hữu trong vài thập kỷ tới”, Brad Leland, Giám đốc quản lý chương trình siêu vượt âm của Lockheed Martin cho biết trong một thông cáo.

Không chịu thua kém, tập đoàn Boeing cũng xúc tiến phát triển một mẫu máy bay vũ trụ không người lái dành cho Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA), mang tên XS-1.

Tập đoàn này kỳ vọng XS-1 có thể đạt tốc độ lên tới Mach 10, cho phép máy bay không người lái đưa các tên lửa loại nhỏ vào quỹ đạo thấp ngay trong năm 2019.

Trong khi Mỹ kiên trì theo đuổi máy bay tốc độ cao, Trung Quốc cũng chạy đua để bắt kịp Washington.

Vài năm trước, Bắc Kinh đã chế tạo đường hầm gió lớn nhất thế giới, có khả năng mô phỏng các điều kiện dùng để thử nghiệm phương tiện bay có vận tốc tới Mach 9.

Năm 2012, Tập đoàn Công nghệ và Khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc đã thử nghiệm một loại động cơ nhiên liệu rắn, dạng rocket dành cho các phương tiện siêu vượt âm.

2 năm sau đó, các kỹ sư Trung Quốc bắt đầu tiến hành một loạt các thử nghiệm đối với phương tiện bay WU-14, có vận tốc lên tới Mach 10. WU-14 có thể cấu thành nền tảng cho một loại tên lửa hoặc máy bay không người lái mới.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới đã được đề cập trong báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc.

Theo đó, Bắc Kinh "đang phát triển và thử nghiệm một vài loại mới và biến thể mới của các tên lửa tấn công, trong đó có loại siêu vượt âm".

Song, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không còn phải “gồng mình” để bắt kịp Mỹ nữa nếu thông tin của Qi là chính xác.

Tức là chiếc máy bay có người lái siêu vượt âm vừa thực hiện thành công chuyến bay thử đầu tiên và trong tương lai, nó tỏ ra phù hợp với các chiến dịch thường kỳ, đồng thời có thể đạt tới tốc độ trên Mach 5 hoặc hơn.

Trên thực tế, có thể Trung Quốc đã vọt lên ngay sát Mỹ, nhăm nhe soán ngôi của Washington trong lĩnh vực phát triển các loại máy bay siêu tốc độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại