Trong khuôn khổ cuộc tập trận, 350 lính đổ bộ và một số thiết bị quân sự đã nhảy dù xuống đảo Kotelnyi.
Các hoạt động diễn ra trong điều kiện gió mạnh và nhiệt độ gần 30 độ dưới không. Ngay sau khi đặt chân xuống đất, đơn vị đã mô phỏng đánh chiếm một sân bay cũ trên đảo, tiếp cận đối thủ giả định. Nhiệm vụ được hoàn thành trong một tiếng đồng hồ: sân bay sẵn sàng tiếp nhận các máy bay chở người và thiết bị hạng nặng. Điểm đặc biệt của hoạt động không chỉ ở qui mô số lượng mà còn bởi sự hiện diện đông đảo các chỉ huy quân đội. Đây là thông điệp mang tính biểu tượng: Nga sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Cực.
Ngày nay, các đối thủ quốc tế ngày càng tăng mối quan tâm tới khu vực, - giám đốc Trung tâm các nghiên cứu chính trị xã hội Vladimir Evseev cho biết:
“Cùng với biểu hiện tan băng, Bắc Cực trở thành tuyến đường dễ tiếp cận cho hoạt động vận tải trên biển. Nga không thờ ơ về sự qua lại của tàu bè trên tuyến Hàng hải phương Bắc, cũng như thái độ ứng xử của các quốc gia khác nhau. Không dự định tạo dựng một cụm quân sự qui mô, nhưng Nga muốn mình đứng vững ở Bắc Cực. Vì vậy, cần sở hữu các sân bay quân sự, căn cứ hải quân và các vị trí quan sát. Đó là những gì chúng ta đang làm.”
Sân bay và căn cứ trên đảo Kotelny đã bị bỏ hoang hơn 20 năm. Các cơ sở bắt đầu được hồi phục vào mùa thu năm ngoái. Đây là một phần trong chương trình khôi phục sự hiện diện quân sự thường xuyên của Nga tại Bắc Cực.
Điều này không có nghĩa Nga muốn quân sự hóa toàn bộ khu vực, vốn không phù hợp cho viện triển khai các đơn vị lớn. Nhiệm vụ ban đầu là làm sống lại một số cơ sở quan trọng, hỗ trợ tăng cường hiện diện quân sự trong tình huống cần thiết. Theo trưởng biên tập viên báo Người đưa tin Công nghiệp quốc phòng ông Mikhail Hodarionk, nhiệm vụ sẽ được giải quyết với sự giúp đỡ của những đơn vị nhỏ, triển khai trên các sân bay, cứ điểm hải quân.
Trong bối cảnh này, khó đánh giá hết tầm quan trọng của căn cứ trên đảo Kotelnyi, nằm kề bên Tuyến hàng hải phương Bắc, - chuyên gia Mikhail Hodarionk cho biết: “Có khả năng, sẽ bố trí lực lượng radar trên đảo. Đảo Kotelnyi được coi là một nút thắt, đảm bảo hoạt động theo dõi tình hình ở Bắc Cực, đồng thời là vị trí thuận lợi để triển khai lực lượng.”
Tại thời điểm này, Thụy Điển có ý tranh cãi với Nga về quyền sở hữu Tuyến hàng hải phương Bắc, với tuyên bố họ thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên mở ra con đường này. Lý lẽ tương tự đột nhiên xuất hiện từ Na Uy. Mới đây, người Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận ở Alaska. Lầu Năm Góc thông qua học thuyết Bắc Cực và thể hiện nhu cầu gia tăng sự hiện diện quân sự.
Những điều này nói lên rằng cuộc tranh giành Bắc Cực sẽ không ngừng mở rộng. Tuy nhiên, các chuyên gia loại trừ khả năng tình hình quân sự chính trị trong khu vực sẽ trở nên trầm trọng. Ít nhất là trong tương lai gần