Thổ Nhĩ Kỳ mất bao nhiêu tiền mới có được “rồng lửa” Patriot?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Cả 6 tổ hợp tên lửa phòng không mà Mỹ, Đức, Hà Lan triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ đều đã được kích hoạt.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot được NATO triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ biên giới nước này khỏi các tên lửa từ Syria có chi phí khoảng 15 triệu lira (khoảng 8,5 triệu USD), các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz cho hay.

Patriot có chi phí 15 triệu lira nhưng thậm chí một mạng sống còn quan trọng hơn tất cả các chi phí trên. Tên lửa Syria đã giết chết 5 công dân của chúng tôi ở Akchakale. Vì vậy, ngay cả khi nhận được các quả đạn tên lửa với giá một triệu mỗi quả, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ này, "- Bộ trưởng quốc phòng Ismet Yilmaz cho biết tại Hội đồng tư vấn các tỉnh Thổ Nhĩ Kỳ, được tổ chức tại Sivas - tỉnh lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ.

8,5 triệu USD là mức giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả cho Patriot

Theo báo Tầm nhìn của Nga, vào tuần trước NATO đã hoàn tất việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 05 tháng 2, đại diện Bộ tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, thiếu tá Dzhengiz Alabadzhak cho biết các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot đã được kích hoạt và đưa vào trực chiến ở tỉnh Gaziantep.

Ankara, vào năm 2012, đã đệ đơn yêu cầu về việc việc triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do lo ngại về các cuộc tấn công thường xuyên vào quốc gia này từ các tên lửa Syria. Trong những ngày đầu năm nay, NATO đã thông qua vị trí lắp đặt các tổ hợp tên lửa Patriot này trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO nhấn mạnh rằng việc triển khai hệ thống chống tên lửa Patriot của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ là để đối phó các cuộc tấn công tên lửa từ phía Syria. Về phía Thổ nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng nước này Ahmet Davutoglu khẳng định kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chỉ nhằm mục đích phòng thủ, nhấn mạnh rằng hệ thống này sẽ không gây bất kỳ mối hiểm họa nào cho khu vực.

Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch triển khai Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria của NATO, và cho rằng hành động này sẽ làm tăng nguy cơ mất ổn định trong khu vực. Đáp lại, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết rằng Nga không có quyền can thiệp vào các vấn đề liên quan đến Patriot.

Tên lửa Patriot và các xe quân sự được đưa lên vận tải hạm để chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2012.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Russia Today, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng việc NATO triển khai tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là nhằm chống lại Syria mà là còn nhằm đối phó với Iran.

Tehran cũng đã kịch liệt phản đối việc triển khai các Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng "sự can thiệp của phương Tây đến các vấn đề nội bộ ở Trung Đông có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới."

Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho Mỹ, Hà Lan và Đức bố trí các hệ thống tên lửa phòng không Patriot trên biên giới với Syria (mỗi nước hai tổ hợp). Cho đến nay, tất cả sáu tổ hợp này đã được kích hoạt và đưa vào trực chiến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại