Thổ Nhĩ Kỳ đánh Nga đến người NATO cuối cùng?

Lê Ngọc Thống |

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại dám hung hăng, khiêu khích nước Nga khi có một tiềm lực quân sự không là gì so với Nga, không có vũ khí hạt nhân – sự răn đe hữu hiệu nhất?

Nước Nga từ trước tới nay không sợ gì NATO, nhưng cũng không dại thách thức đối đầu với NATO khi không bị bắt buộc.

Không một quốc gia nào trên thế giới muốn đối đầu với Mỹ - một cường quốc quân sự, kinh tế, đứng đầu thế giới, trừ phi Mỹ buộc họ phải đối đầu.

 
Chuyên gia Lê Ngọc Thống
Kỹ sư chỉ huy-Hoa tiêu. Nguyên sỹ quan Tham mưu Hải quân.

Nước Nga cũng vậy, tuy kinh tế không bằng Mỹ, nhưng đây là một cường quốc quân sự không kém gì Mỹ, cho nên, cũng không có quốc gia nào dại dột thách thức, đối đầu quân sự với nước Nga trừ phi quốc gia đó trong khối NATO do Mỹ đứng đầu.

Như vậy, dễ hiểu là tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại dám hung hăng, khiêu khích nước Nga khi có một tiềm lực quân sự không là gì so với Nga, không có vũ khí hạt nhân – sự răn đe hữu hiệu nhất. Bởi lẽ, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của khối NATO.

Điều 5 của khối NATO quy định: Nếu quốc gia nào đó tấn công vào một trong thành viên của NATO thì coi như khối NATO bị tấn công.

Ai cũng biết khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu, duy nhất trên thế giới, hùng mạnh như thế nào rồi… thì chẳng có quốc gia nào dại dột tấn công bằng quân sự vào một thành viên nào thuộc khối NATO.

Là thành viên của NATO thì yên tâm về an ninh quốc phòng và có lẽ thế, cho nên một số nước nhỏ Đông Âu đã cố sống, cố chết, muốn gia nhập vào NATO là vậy!?


Ngày 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ ra tay bắn hạ một chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Ngày 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ ra tay bắn hạ một chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Đập chuột không vỡ bình

Ngày 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ ra tay bắn hạ một chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga. Đây là lần đầu tiên, kể từ chiến tranh lạnh, một thành viên trong khối NATO đã bắn hạ máy bay chiến đấu của của Nga.

Ngay lập tức sau khi bắn hạ, thay vì liên lạc kênh quân sự đã thiết lập với Nga để xử lý vụ việc thì Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu triệu tập NATO để xử lý, đối phó vụ việc.

Hành động này của Ankara giống như con chuột, sau khi cắn trộm một miếng đã vội vã chạy trốn vào bình.

Người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hoảng hốt lo sợ chiến tranh giữa Nga - NATO, thậm chí chiến tranh thế giới lần 3 sẽ bùng nổ khi Nga sẽ trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24. Tuy nhiên, thế giới thở phào nhẹ nhõm bởi cách xử lý của người Nga.

Khi “con chuột” Thổ Nhĩ Kỳ đã chạy trốn vào “cái bình” NATO, người Nga vẫn có biện pháp cực kỳ tối ưu, giáng trả cho “con chuột” bầm dập, thừa chết thiếu sống mà không đụng chạm đến bình hay làm vỡ bình.

Đầu tiên, những gì của Thổ Nhĩ Kỳ “thò ra ngoài bình NATO” đều bị Nga vùi dập không thương tiếc. Có nghĩa là Nga tấn công Thổ Nhĩ Kỳ ngay tại vùng trời, lãnh thổ của Syria mà không liên quan gì đến điều 5 NATO ở đây cả.

Đáng tiếc là những gì “thò ra ngoài bình NATO” của Thổ Nhĩ Kỳ lại là chiến lược trỗi dậy, khôi phục tư tưởng “Đế quốc Ottoman” của Ankara. Đó phần lớn là lợi ích cục bộ của Thổ Nhĩ Kỳ mà không hợp khẩu vị của Mỹ và phương Tây…

Hậu quả sau vụ Su-24 mà Thổ Nhĩ Kỳ gánh chịu như nào ta đã biết, còn NATO không hành động gì, thậm chí cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ án binh không quân vì S-300, S-400 và tiêm kích Nga xuất hiện.


Nga triển khải tên lửa phòng không S-400 ở Syria.

Nga triển khải tên lửa phòng không S-400 ở Syria.

Tiếp theo, Nga công khai hỗ trợ, hậu thuẫn cho không những người Kurd Syria mà ngay cả Đảng công nhân người Kurd (PKK), lực lượng đang nổi dậy chống Ankara, đòi độc lập tại lãnh thổ phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, Nga ra tay với Thổ Nhĩ Kỳ ngay tại lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ như một cuộc tấn công bằng lực lượng người Kurd khiến an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa (điều kiện của điều 5 NATO) nhưng NATO không làm gì được Nga.

Rõ ràng là Nga đã, đang tấn công (trả đũa) bằng quân sự vào Thổ Nhĩ Kỳ đấy chứ, nhưng cái hay ở chỗ là không dính dáng gì vào NATO. Đánh chuột không vỡ bình là vậy.

Tuy thế, nói đi cũng phải nói lại, NATO-Mỹ cũng chẳng dại đối đầu quân sự với Nga vì cái lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ làm gì, họ đủ trí khôn để thừa biết hậu quả sẽ ra sao khi chiến tranh Nga-NATO xảy ra…

Thổ Nhĩ Kỳ đưa bộ binh cứu viện Aleppo?

Vào thời điểm Aleppo thất thủ sắp xảy ra, người ta đã nghe Saudi Arabia, UEA tuyên bố là sẽ đưa bộ binh sang tham chiến tại Syria.

Giá trị tinh thần tuyên bố của 2 quốc gia này may ra tạo được chút le lói hy vọng cho lực lượng họ hậu thuẫn đang bị vây chặt trong Aleppo, nhưng giá trị về quân sự thì không có gì.


Su-34 của Không quân Nga chuẩn bị xuất kích tại Syria.

Su-34 của Không quân Nga chuẩn bị xuất kích tại Syria.

Họ đưa sang bao nhiêu quân? Căn cứ hậu cần, kỹ thuật phục vụ cho tác chiến ra sao? Đứng chân ở đâu? Có khả năng phòng không để không bị Nga giáng bom vào đầu?...

Muốn đưa quân sang tham chiến phải chuẩn bị những thứ đó, trong khi Saudi, UEA chỉ là con số 0.

UEA là một nước nhỏ, Saudi thì đang bị khốn khó bởi cuộc chiến với Yemen thì tuyên bố của họ không có tính thuyết phục với giới quân sự, trái lại, tuyên bố của Ankara - Thổ Nhĩ Kỳ là có thể.

Aleppo chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 60 km, trong khi sự thất thủ Aleppo là rất quan trọng đến chiến lược an ninh… của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mất Aleppo có nghĩa chính sách đối ngoại của Ankara với Syria sụp đổ hoàn toàn. Ankara không những thế, phải đối phó với một vấn đề nổi cộm, nhức nhối, nguy hiểm là vấn đề tự trị ly khai của người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, khi Thổ Nhĩ Kỳ xung đột quân sự với Nga, Ankara hy vọng Mỹ-NATO sẽ vào cuộc hoặc Nga sẽ sợ Mỹ-NATO mà không dám đối đầu trực tiếp với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, sẽ có 3 điều khiến Ankara không dám mạo hiểm, hay buộc họ phải “suy nghĩ 2 lần”.

Thứ nhất, Mỹ chẳng có gì biểu hiện là đánh Nga đến người cuối cùng cho Thổ Nhĩ Kỳ cả. Ngược lại, khi Ankara đưa ra điều kiện với Mỹ là chọn ai, Thổ Nhĩ Kỳ hay “quân khủng bố người Kurd YPG”, Mỹ đã thẳng thắn đáp lại, Mỹ chọn người Kurd YPG.

Trong khi đó, chiến thắng Aleppo lại có ảnh hưởng lớn đến tương lai vùng đất của YPG được Mỹ hậu thuẫn. Vì thế, Ankara đưa quân tham chiến tại Syria, Mỹ OK, vì biết Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chảy nhiều máu, nhưng tham gia thì…Mỹ xin lỗi, NO.

Mỹ vốn đã mang tiếng thực dụng mà.

Thứ hai là Nga và Mỹ có vẻ như đã thống nhất một giải pháp chính trị tại Syria. Đây mới là điều khiến Ankara ấm ức, cay cú, nhưng đành chịu bởi phận “chiếu dưới” của mình.

Vùng ảnh hưởng của Mỹ là khu vực tự trị phía Bắc Syria của lực lượng người Kurd, phần còn lại bao gồm Aleppo là do Nga và chính quyền Assad giải quyết. Mỹ để Nga tự làm mưa làm gió trong thời gian qua tại Syria là như vậy chăng???

Thứ ba là phản ứng của Nga. Chắc chắn Nga đang chuẩn bị rất kỹ, đang chờ, đang muốn Thổ Nhĩ Kỳ “nhao ra khỏi bình NATO” nhảy vào Syria để Nga thi thố sức mạnh với tất cả những gì Nga có.

Rõ ràng là với điều kiện chính trị, quân sự, tình hình địch ta liên quan như vậy mà Ankara vẫn quyết định điều binh tấn công giải cứu Aleppo là sự thiếu tỉnh táo nếu như không muốn nói là sự cuồng loạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại