T-90MS hơn đứt M1A2 SEP Mỹ về khả năng cơ động và phát hiện sớm

Phạm Viễn Thông |

Để nâng cao sức chiến đấu của xe tăng, bên cạnh yếu tố cơ động, sức sống còn, thì điều quan trọng là phải phát hiện sớm và nổ súng trước đối phương. T-90MS làm tốt hơn M1A2 SEP!

Kỳ 1: "Hậu duệ" của xe tăng T-90 và M1 Abrams - Ai mạnh hơn?

Kỳ 2: T-90MS hơn đứt M1A2 SEP Mỹ về khả năng cơ động và phát hiện sớm

Khả năng phát hiện sớm đối phương cũng là một yếu tố quan trọng

Nằm trong xu hướng phát triển chung của xe tăng hiện đại, để nâng cao khả năng tác chiến, các ứng dụng công nghệ giúp tăng khả năng quan sát và giảm thời gian phát hiện mục tiêu, nhằm hỗ trợ tăng độ chính xác cho hệ thống hỏa lực.

Để nâng cao sức chiến đấu của xe tăng, bên cạnh khả năng cơ động, khả năng sống còn, thì điều quan trọng là phải nâng cao khả năng phát hiện sớm và nổ súng trước đối phương, hiểu một cách đơn giản là “thấy trước - bắn trước”.

Ngày nay thiết bị ảnh nhiệt đã được đưa vào trang bị và việc liên kết mạng giữa thiết bị quan sát ảnh nhiệt chuyên dụng cho trưởng xe và pháo thủ, cùng hệ thống máy tính điều khiển hỏa lực đã nâng cao khả năng tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt mục tiêu của xe tăng.

Trong các loại xe tăng hiện đại, trưởng xe và pháo thủ được trang bị các thiết bị quan sát riêng, trong khi pháo thủ ngắm bắn một mục tiêu, thì trưởng xe sẽ dùng kính ngắm của mình để phát hiện các mục tiêu tiếp theo

Do vậy, việc tìm kiếm phát hiện và tiêu diệt mục tiêu có thể diễn ra đồng thời với độ chính xác cao.

Đối với dòng xe tăng M1 Abrams, từ khi chưa “ra đời”, thì yêu cầu kỹ chiến thuật trong khâu thiết kế - chế tạo đối với khả năng giám sát và phát hiện mục tiêu được đặt lên hàng đầu.


M1A2 SEP V2 Abrams.

M1A2 SEP V2 Abrams.

Đối với từng vị trí của tổ lái đều được trang bị các thiết bị quan sát độc lập, như kính tiềm vọng hay kính hồng ngoại có tầm hoạt động vào khoảng hơn 4.000 m, trong điều kiện cả ngày lẫn đêm hay trong môi trường nhiều khói bụi, bao quát một khoảng không gian rộng lớn.

Các thiết bị này có thể tự động quét khu vực, tăng cường khả năng cảnh giác tình huống và chỉ thị mục tiêu từ xa, tự động chuyển thông tin về mục tiêu cho xạ thủ.

Thậm chí, chúng còn tạo ra một hình ảnh dựa trên sự khác biệt về nhiệt độ của các vật thể trong khu vực nhìn thấy, với sai số về khoảng cách nhỏ.

M1 Abrams có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 3.000 m ban đêm và 1.200 m trong điều kiện sương mù.

Thiết bị đo xa laser trên xe M1A2 sử dụng dioxit-carbon, nên khả năng nhìn xuyên khói bụi trên chiến trường tốt hơn, với cực ly xục xạo phát hiện mục tiêu tới 8 km.

Đối với các biến thể của M1A2 SEP, khả năng này còn được nâng lên gấp nhiều lần, như phiên bản M1A2 SEPv1, sau khi nâng cấp được trang bị thêm Thiết bị Quan sát Hồng ngoại Trực diện FLIR (Forward Looking Infrared) thế hệ 2.

Thiết bị này cho phép quan sát mục tiêu một cách độc lập, cải thiện khả năng quan sát khóa mục tiêu bất kể ngày đêm hay trong điều kiện nhiễu điện từ mạnh của đối phương gây ra.

FLIR 2 giúp việc phát hiện mục tiêu tốt hơn 70%, tổng cộng FLIR 2 giúp tăng khoảng cách phát hiện và nhận dạng tăng thêm 30%. Tương tự đối với các phiên bản M1A2 SEPv2 và M1A2 SEPv3 sau đó, khả năng này còn tiếp tục được nâng cao hơn.

M1A2 SEP còn được trang bị hệ thống quản lý chiến trường kỹ thuật số cho phép chỉ huy theo dõi các lực lượng thân thiện và thù địch trên chiến trường.

Hệ thống hoạt động gần như theo thời gian thực, vị trí của xe luôn được cập nhật một cách liên tục giúp nâng cao khả năng nhận thức tình huống. Ngoài ra xe còn được trang bị thêm camera quan sát sau lưng cho lái xe.


M1A2 SEP.

M1A2 SEP.

Đối với dòng tăng T-90, các mẫu ban đầu được trang bị thiết bị nhìn đêm và ngày PNK-4S/SR AGAT ở khoang của xa trưởng, có khả năng phát hiện ra các mục tiêu có kích cỡ xe tăng trong tầm khoảng từ 700 – 1.100 m.

Nhưng các mẫu về sau (ví dụ T-90S) dùng hệ thống nhìn hồng ngoại ESSA, với camera hồng ngoại CATHERINE-FC của Thales Optronique, hay hệ thống nhìn ngày 1G46 dành cho pháo thủ, có khả năng phát hiện các mục tiêu có kích cỡ xe tăng trong tầm 5 – 8 km.

Tuy nhiên hệ thống ở thế hệ đầu tiên này có lẽ không có khả năng tương đương với các hệ thống của các đối thủ phương Tây.

Đặc biệt ở phiên bản T-90MS, được trang bị hệ thống quan sát toàn cảnh thế trận được tích hợp với thiết bị camera nhìn đêm bằng hồng ngoại kiểu mới cung cấp những hình ảnh sắc nét hơn trong tầm 3 – 4 km.

Đồng thời có khả năng phân biệt được nhiệt độ của người thường với nhiệt độ của xe tăng, cho phép sĩ quan chỉ huy xe tăng theo dõi hiệu quả các mục tiêu địch cả ngày lẫn đêm bất chấp mọi điều kiện thời tiết bất lợi, tầm nhìn vẫn không suy giảm.

Nhờ đó khoảng cách phát hiện mục tiêu tăng lên 5.000 m, vào bên ngày, và ít nhất 4.000 m vào ban đêm.

T-90MS còn được trang bị một hệ thống theo dõi và tìm diệt với tính năng chọn mục tiêu tự động, cho phép xạ thủ tự tin tiến lên phía trước chống lại nhiều mục tiêu kẻ thù.

Sau khi tiêu diệt một mục tiêu, chỉ huy sẽ tiếp tục ra lệnh cho sĩ quan thuộc cấp dùng hệ thống này quan sát toàn bộ trận địa để nhắm đến nhiều mục tiêu, thậm chí ở tầm xa hơn trước khi khai hỏa phá hủy.

T-90MS cũng được trang bị các camera gắn bên ngoài, giúp trưởng xe quan sát mọi hướng, 4 camera này còn có khả năng hoạt động kể cả trong điều kiện ánh sáng yếu.

Kính ngắm được trang bị giúp xạ thủ phát hiện và tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác trong mọi điều kiện.

Đó là nhờ vào hệ thống quang học được cải tiến về hệ thống ổn định 2 chiều chính xác cao. Độ lệch không quá 0,1 mili-radian.


Hệ thống kiểm soát hỏa lực Kalina của xe tăng T-90MS.

Hệ thống kiểm soát hỏa lực Kalina của xe tăng T-90MS.

Xem khả năng cơ động việt dã như trợ thủ đắc lực

Tính cơ động vốn được xem là tính năng rất quan trọng quyết định hiệu quả chiến đấu của xe tăng.

Động cơ của dòng xe tăng M1 Abrams là động cơ đốt trong Honeywell AGT-1500 đa nhiên liệu kiểu turbine khí, công suất lớn, rất khỏe, nhưng tốn nhiều nhiên liệu hơn và toả nhiều nhiệt hơn so với động cơ piston, hiệu suất rất thấp ở tốc độ thấp.

Các biến thể của M1 Abrams có tầm hoạt động (khi mang đầy nhiên liệu) trong khoảng 350 – 410 km, trong khi đó các loại xe tăng của Nga có tầm hoạt động trong khoảng 600 – 700 km. Do vậy, M1 Abrams đòi hỏi nhiều xe vận tải để tiếp nhiên liệu hơn.

Và vì tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu nên thường chỉ có những xe bồn cỡ lớn mới có thể cung cấp đủ nhiên liệu cho lực lượng M1 Abrams.

Những xe bồn này có khả năng di chuyển địa hình cũng như chịu đựng thời tiết kém hơn so với xe tăng nên việc tiếp tế thường tốn nhiều thời gian.

Riêng đối với phiên bản M1A2 SEP chỉ có bình xăng 3 khoang, dung tích 1.680 lít, nên tầm hoạt động ngắn hơn (350 km) so với các phiên bản khác. Tốc độ di chuyển cao nhất trên đường trung bình khoảng 68 km/h cho phiên bản mang pháo 120 mm.

Trọng lượng lớn (M1A2 SEP nặng 69,5 tấn trong khi xe tăng T-90MS của Nga chỉ nặng 48 tấn), khiến cho tốc độ di chuyển trên địa hình lầy lội và đất mềm cũng như khả năng vượt hào bị hạn chế nhiều.


T-90MS.

T-90MS.

Xe có thể dễ dàng bị mắc kẹt trong bùn, hay bị sập khi chạy trên những nền đất yếu. M1 Abrams cũng có một điểm yếu là nó không có khả năng đi ngầm so với T-90. Thiết bị lặn của M1 Abrams chỉ cho phép xe vượt qua chỗ nước sâu không quá nóc xe.

Phiên bản mới nhất T-90MS, có động cơ diesel tăng áp đa nhiên liệu V-92S2F với công suất 1.130 mã lực với hộp số tự động gồm 7 số tiến và 1 số lùi, giúp cho thao táo lái xe được cải thiện đáng kể.

Động cơ này, tuy bị đánh giá kém về tỷ lệ công suất trên trọng lượng, nhưng do khối lượng thấp (48 tấn so với 69,5 tấn của M1A2 SEP), xe tăng T-90MS vẫn đạt được tốc độ cao, có thể ngang ngửa với "xe tăng bay" T-80 và T-84.

Hệ thống truyền động được nâng cấp, giúp xe tăng có thể vượt dốc, tường hào, hành tiến trên nhiều loại địa hình đa dạng như sa mạc nắng cháy hay đường rừng gồ ghề... mạnh mẽ hơn so với T-90S.

T-90MS cũng thể hiện khả năng cơ động và điều khiển tốt kể cả trong điều kiện nhiệt độ cao và môi trường nhiều bụi.

Tốc độ tối đa của T-90MS được nâng lên 72 km/h (trên đường nhựa), 35-45 km/h trên đường gồ ghề, với tầm hoạt động 550 km (700 km nếu có thêm bình nhiên liệu phụ).

Khi hoạt động với tốc độ dưới 20 km/h, thì động cơ piston tiêu thụ nhiên liệu ít hơn động cơ turbine đến 3 lần, mà các cuộc chiến hiện đại lại chủ yếu vận động ở tốc độ này, giúp xe tiết kiệm nhiên liệu để chiến đấu lâu hơn.

Ngoài ra T-90MS cũng được trang bị một động cơ phụ, hoạt động khi động cơ chính được tắt nhằm giảm thiểu việc hao phí nhiên liệu. Giống như các mẫu T-90 cũ, T-90 MS có thể lội sâu 5 m khi lắp đặt hệ thống lội nước, việc lắp đặt chỉ mất 20 phút.

T-90MS còn được trang bị lưỡi dành cho việc tự san gạt, mở đường, hay vượt chướng ngại vật nước (vượt vũng, sông) theo phương thức đi ngầm.

Nhìn chung với kích thước và khối lượng nhỏ gọn, T-90MS đảm bảo tính cơ động chiến lược cao hơn so với M1A2 SEP. Ở đây ta cần hiểu rằng, với cấu tạo nhỏ gọn, khoang động cơ xe tăng Nga rất bé, cao bằng một nửa và thể tích bằng 1/4 xe M1 Abrams.

Vì thế, việc tăng công suất động cơ xe tăng Nga không thể như Hoa Kỳ dễ dàng đạt 1.500 mã lực. Các xe T-80 dùng động cơ turbine như các xe M1A2 ngày nay, nhưng với công suất đỉnh 1.250 mã lực, cho tỷ số công suất - khối lượng cao hơn.

Sau đó thực tế chiến tranh, chiến lược phát triển và học thuyết chiến thuật đã thay đổi quan điểm, buộc phải dùng động cơ piston và các xe giảm công suất. M1 Abrams không thể giảm được vì đã kịch trần khối lượng - công suất.


T-90MS thể hiện khả năng hoạt động tốt trên các địa hình lầy lội.

T-90MS thể hiện khả năng hoạt động tốt trên các địa hình lầy lội.

T-90 ban đầu chấp nhận đổi sang piston với tỷ số công suất thấp hơn, sau đó có kỹ thuật điều khiển điện tử ghép với phun nhiên liệu, tăng áp (turbo) và hộp số điều khiển tự động, cho phép các động cơ piston tăng dần công suất.

So với Mỹ, 1.200 mã lực Nga tương đương 1.800 mã lực Mỹ. Cò nếu như muốn tỷ số động cơ của xe cao hơn, thì buộc phải rút bớt khối lượng.

Nhưng trong thực tế chiến trường, M1 Abrams từng bị đạn 20 mm của xe M2 bắn nổ động cơ, vì giáp quá mỏng, nên không thể nào rút thêm chỉ số này được nữa.

Sau này, M1A2 có bổ sung thêm ERA, nhưng như vậy thì sẽ tăng thêm khối lượng, giảm sức cơ động, vì vậy mà loại giáp này không được dùng nhiều trên M1 Abrams.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại