"Hậu duệ" của xe tăng T-90 và M1 Abrams - Ai mạnh hơn? - Kỳ 1

Phạm Viễn Thông |

Đây là hai dòng xe tăng được giới quân sự đặc biệt quan tâm và thường được so sánh – “thử lửa” về mặt kỹ thuật cũng như lý thuyết giữa chúng với nhau ngay từ khi vừa mới ra đời.

T-90MS (biến thể hiện đại hóa của T-90S - Modernised “M”), phiên bản xuất khẩu của dòng vua tăng Nga T-90, được giới quân sự mô tả như “quái vật chiến trường” hay “mãnh hổ”.

Đây là phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực mới cực kỳ hiện đại của Nga, ưu tiên cho xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, trong đó có Việt Nam, được đánh giá là không có đối thủ xứng tầm trong một thời gian dài nữa.

Còn M1A2 SEP (System Enhancement Package) là gói nâng cấp và là phiên bản tân tiến nhất hiện nay của dòng xe tăng chủ lực (MBT – Main Battle Tank) M1 Abrams, mà cường quốc quân sự Hoa Kỳ đang sử dụng.

M1A2 SEP được nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng kỹ thuật của xe M1A2, nhưng phiên bản SEP được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến và hiện đại hơn.

Đây vốn là hai dòng xe tăng được giới quân sự đặc biệt quan tâm và thường được đem ra so sánh – “thử lửa” về mặt kỹ thuật cũng như lý thuyết giữa chúng với nhau ngay từ khi vừa mới ra đời.

Sau rất nhiều những cải tiến, tính đến thời điểm hiện tại, nếu giả sử xảy ra một trận đấu chỉ bao gồm 2 phiên bản này với nhau, liệu với phẩm chất tự thân và không tính đến bất kỳ yếu tố nào khác, thì mẫu tăng nào sẽ có khả năng tiêu diệt đối phương tốt hơn?

Để làm rõ vấn đề này, sau đây chúng ta sẽ xem xét qua từng khía cạnh cụ thể.


Đồ hòa xe tăng T-90MS nhìn từ trên xuống.

Đồ hòa xe tăng T-90MS nhìn từ trên xuống.

 

Từ học thuyết quân sự…

Khi một quốc gia quyết định chế tạo một mẫu xe tăng, thì ngay từ khâu thiết kế của họ sẽ tuân theo quy tắc hàng dọc, mà yếu tố đứng đầu, quyết định đến thiết kế kỹ thuật của mẫu xe tăng đó, chính là học thuyết quân sự (HTQS).

Đồng thời còn căn cứ vào điều kiện hay kinh nghiệm tác chiến (tình hình chiến trường, tiềm lực của đối phương, yếu điểm của bản thân…) mà bổ sung thêm.

Cũng cần nói thêm là thiết kế ban đầu quyết định 70% khả năng của một mẫu xe tăng, mà 70% ý tưởng thiết kế đó lại phụ thuộc vào HTQS của một quốc gia.

Đối với nước Nga, nhìn về lịch sử khi họ là người kế tục và chịu ảnh hưởng bởi trường phái xe tăng nói riêng, cũng như học thuyết chiến tranh Liên Xô nói chung.

Học thuyết này nhấn mạnh: “Xây dựng lực lượng vũ trang nhằm mục đích chính là để bảo vệ Tổ quốc, chống lại mọi kẻ thù xâm lược”, với chiến trường chủ yếu diễn ra trên chính lãnh thổ của mình (có giai đoạn là cả khối Vác-sa-va).

Do vậy, quan điểm chủ đạo trong Trường phái Xe tăng Liên Xô là hết sức chú trọng phát huy sức mạnh của hệ thống hỏa lực làm cốt yếu chiến lược và duy trì ưu thế này đối với các mẫu xe tăng cùng loại của phương Tây.

Họ xác định, trong các thế mạnh của xe tăng thì duy nhất thế mạnh hỏa lực là chủ động tiêu diệt đối phương nên cần phải ưu tiên.

Chính vì những lý do trên mà ngày nay, Quân đội Nga xem lục quân, trong đó có lực lượng xe tăng là "nắm đấm thép", là mũi nhọn tiến công trên chiến trường. Là lực lượng đột kích, đi đầu trong đội hình tác chiến.

Đối với Mỹ, vì phải tính đến những cuộc viễn chinh xa xôi, nên ngược lại với Liên Xô, dựa trên cơ sở chiến lược toàn cầu, quân đội của họ được xây dựng nhằm đủ khả năng can thiệp vào mọi “điểm nóng” trên phạm vi toàn thế giới trong thời gian ngắn nhất.

Vì vậy, họ chú trọng ưu tiên phát triển hải quân và không quân để đột kích và chế áp đối phương. Lực lượng bộ binh, trong đó có xe tăng không được chú trọng nhiều lắm.

Xe tăng được thiết kế với mục đích là vào chiến trường sau khi không quân và hải quân hiệp đồng cùng nhau tiêu diệt đại bộ phận sinh lực địch, với nhiệm vụ chiếm giữ trận địa hoặc tiêu dịch sinh lực địch còn sót lại, do đó mà hỏa lực không phải là yếu tố đặt lên hàng đầu.


T-90MS thực hành bắn đạn trong buổi trình diễn trên thao trường.

T-90MS thực hành bắn đạn trong buổi trình diễn trên thao trường.

… đến thiết kế thực tế

Khi sức mạnh hỏa lực là yếu tố chính

Uy lực của vũ khí chính - khẩu pháo trên xe tăng là một yếu tố mang tính chất quyết định, trong đó cỡ nòng pháo giữ vai trò chủ yếu.

Cỡ nòng lớn hơn đồng nghĩa tầm bắn sẽ xa hơn, viên đạn sẽ có trọng lượng lớn hơn, sơ tốc lớn hơn và động năng cũng lớn hơn... nên sức xuyên và hiệu lực sát thương, phá hủy mục tiêu cũng cao hơn và nhằm mục đích chính là duy trì ưu thế hỏa lực.

Liên Xô (Nga) chọn phương án thiết kế này cho xe tăng của mình để sẵn sàng cho những trận đấu tăng trực tiếp với phương Tây.

Ngoài ra, cỡ nòng pháo lớn cho phép bắn được nhiều loại đạn có độ xoáy xuyên giáp lớn cũng như tên lửa định hướng dẫn đường qua nòng chính, bắn đạn có guốc giảm cỡ nòng...

Cho đến nay, ưu thế về cỡ pháo trên tăng vẫn thuộc về xe tăng của Nga. Cỡ pháo lớn nhất trên xe tăng hiện nay là 125 mm, đây cũng là cỡ nòng của T-90MS.

Trên xe tăng T-90MS được lắp loại pháo nâng cấp đã được hoàn thiện quỹ đạo đường đạn, pháo tăng được ổn định theo mặt phẳng tầm và hướng, nhờ được số hóa, nên có độ chính xác cao và tăng tốc độ quay tháp pháo.

Xe tăng Nga nhìn chung thường có kích thước nhỏ gọn, chiều cao thấp, trọng lượng không lớn lắm song cỡ pháo thường lớn hơn xe tăng phương Tây cùng thế hệ, trong đó có M1A2 SEP với pháo cỡ nòng 120 mm.


M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: Militarytoday.com.

M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: Militarytoday.com.

Pháo chính của mẫu xe tăng Mỹ này được tích hợp hệ thống điều khiển bắn cho phép hiệu chỉnh đường ngắm sau mỗi lần bắn.

Tháp pháo tròn nhỏ, thấp, nhẹ, không chứa đạn, băng đạn tròn, cộng thêm hệ động lực mạnh giúp xe tăng Nga dễ dàng ổn định được nòng pháo ở tốc độ cao tối đa, nên mới có thể “vừa bay vừa bắn”.

Cùng dùng hệ thống Đức, nhưng tháp pháo các xe tăng kiểu dáng phương Tây nặng nhẹ khác nhau, dẫn đến tốc độ lớn nhất có ổn định tháp pháo khác nhau, nhưng đều thấp.

Thêm nữa xe tăng Nga có dẫn bắn riêng cho tên lửa chống tăng có điều khiển (ATMG) nạp nhanh. Vậy nên, trong khi tăng Nga ổn định nòng, đạn ở tốc độ tối đa trên 60 km/h, thì tăng phương Tây chỉ bắn chính xác được ở 20 km/h.

Trong thiết kế xe tăng của mình, người Nga rất thực dụng, họ dùng xe tăng với mục đích chính là để đấu tăng, hay ít ra, xe tăng có thể bắn trái phá, nhưng chỉ được thiết kế phục vụ đấu tăng, không vì yêu cầu nào của trái phá mà thay đổi thiết kế dù là nhỏ nhất.

Kích thước nhỏ của xe tăng Nga làm giảm khả năng trúng đạn, giảm diện tích mặt ngoài, và thế là tăng giáp, xe nhẹ, cơ động. Xe tròn nhỏ cũng vững hơn và thế là cỡ nòng pháo to hơn.

Được xác định là loại đạn chính được dùng để diệt xe tăng đối phương, M1A2 SEP sử dụng đạn xuyên động năng có guốc giảm cỡ nòng ổn định cánh đuôi APFSDS (Armor Piercing Fin Stabilized Discarding Sabot), được làm từ DU - Uranium nghèo.

So với đạn xuyên động năng cùng loại nhưng được làm từ tungsten (Vonfram) của T-90MS, tuy có một số ưu điểm vượt trội như:

- Khi đầu xuyên của đạn xâm nhập qua lớp giáp sẽ tạo ra một lỗ nhỏ hơn, sâu hơn so với đạn dùng tungsten và vẫn giữ được hình mũi tên, trong khi ở đầu xuyên tungsten, phần đầu nhọn sẽ bị biến dạng thành hình giống cây nấm.

- Ngoài ra, đầu xuyên DU có thể làm giảm sức cản không khí, nên có tốc độ, độ chính xác cao hơn so với đầu xuyên tungsten cùng loại.

Tuy vậy, nhưng theo nhiều chuyên gia quân sự đánh giá căn cứ trên khả năng xuyên giáp độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất RHA (Rolled Homogeneous Armour) thì đạn loại này của M1A2 SEP vẫn kém hơn đạn của T-90MS về sức xuyên.

Cũng tương tự, đạn HEAT (Đạn Chống tăng dùng Thuốc nổ Mạnh/Đạn lõm) của T-90MS cũng phát triển hơn so với M1A2 SEP, hiện đã sử dụng rộng rãi liều nối dài (có hai tầng) đặt ở đầu đạn HEAT.

Loại đạn này được dùng để chống giáp phản ứng nổ ERA (Explosive Reactive Armour), trong khi M1A2 SEP chỉ mới bắt đầu áp dụng.


M1A2 SEP thể hiện khả năng cơ động khá tốt dù trọng lượng lớn.

M1A2 SEP thể hiện khả năng cơ động khá tốt dù trọng lượng lớn.

Đối với đạn ATMG, Mỹ đã xem nhẹ loại đạn này vì nhiều tiến bộ trong hệ thống điều khiển hoả lực có độ chính xác cao, cũng như thực tế là họ cho rằng đạn pháo thông thường có giá chỉ bằng 5%, và rẻ hơn rất nhiều so với giá của tên lửa.

Trong khi đó T-90MS, được mệnh danh là “tăng hỏa tiễn” được chú trọng trang bị tên lửa chống tăng loại 9M119M1 Refleks (còn được biết tới với cái tên AT-11 Sniper theo định danh của NATO).

Nó có khả năng chọc thủng cả các mục tiêu có vỏ thép bảo vệ đồng nhất dày tới 950 mm, đồng thời tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tới 5.000 m, tạo ưu thế tấn công và tiêu diệt đối phương trước khi chúng kịp tấn công lại.

Tên lửa có tầm bắn hiệu quả vào khoảng 100 m tới 5 – 6 km và có thể di chuyển tới vị trí xa nhất trong vòng 17,5 giây (trong khi đó hiệu quả của các loại đạn thông thường đã bắt đầu sụt giảm ở khoảng cách 2.500 m), đồng thời tỷ lệ bắn trúng mục tiêu là gần 100%.

Trong phiên bản cải tiến M1A2, so với M1A1, nó có thể bắn được ATGM qua nòng, ví dụ như loại tên lửa LAHAT (Laser Homing Attack or Laser Homing Anti Tank), có tầm bắn 8 km.

Nhưng do hiệu suất chiến đấu kém, đến nay vẫn chưa lập được chiến công nào, nên cũng ít được dùng tới.

Về mặt bắn đạn điện tử, thì với đạn liều rời, xe tăng Nga cắm giắc giao tiếp vào chính tâm đuôi đầu đạn, cho phép truyền tín hiệu số và nạp nguồn, khởi động máy tính... luôn chọn đầu đạn rất nhanh trước khi bắn.

Còn đạn phương Tây khi chuyển sang bắn đạn điện tử thì viên đạn đó phải bắn khá chậm.

Nên trong các buổi triễn lãm quốc phòng, xe tăng Nga thường trình diễn động tác điển hình của các dòng tăng T-xx, đó là vượt qua một cái dốc trên thao trường, với tốc độ cao, rồi bay lên khỏi mặt đất, đồng thời vừa bắn loạt 2 - 3 viên.

Trong đó có 1 - 2 viên đạn xuyên và một viên đạn điện tử ATGM, sau khi bắn xong mà xe tăng vẫn chưa chạm đất. Việc chuẩn bị bắn phát đầu tiên là 10s tức là nhanh nhất thế giới.

Để đổi lại chức năng tương đường nếu có của đối phương, đạn bộ binh và đạn bắn từ nòng xe tăng Nga có thêm các chức năng dẫn đường khác như hồng ngoại, đồng thời có chế độ đường bay cao, chống việc chiếu chùm laser vào địch để bị địch phát hiện

Khi vào gần mục tiêu mới hạ nhanh xuống khiến địch không kịp phản ứng, nếu có dùng dải nhiễu để chế áp, thì cũng chưa kịp di chuyển khỏi vị trí vì lúc này đạn đã đến rất gần.

T-90 MS cũng có khả năng phóng bom hẹn giờ qua nòng pháo hay được lắp những thiết bị đặt mìn chính xác, chính loại vũ khí chống tăng này đã gây ra nhiều thiệt hại cho M1 Abrams trên chiến trường.

Đối với hệ thống điều khiển hỏa lực, thì đây là đặc điểm tân tiến nổi bật nhất của dòng xe M1 Abrams. Hệ thống điều khiển hỏa lực của nó cho phép tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 1.850 m, chỉ bằng một viên đạn khi xe đang hành tiến với tốc độ 40 km/h.

Đặc biệt, về hệ thống điều khiển hỏa lực Kalina mới được trang bị, T-90MS được tích hợp hệ thống ngắm bắn mới có khả năng "khóa" và tự động theo dõi mục tiêu, giúp các pháo thủ không cần phải liên tục bám theo mục tiêu khi xe tăng đang chuyển động.

Ngoài ra, T-90MS với thiết bị nạp đạn tự động, đảm bảo hiệu quả và lợi thế chiến đấu cao hơn nhiều so với cách nạp đạn cơ học của M1A2 SEP, tạo nên phần lớn sức mạnh cho xe tăng Nga, với tốc độ bắn cao lên đến 8 phát/phút ngay cả trong khi hành tiến.

Rõ ràng với tính năng này, T-90MS không có đối thủ trên thể giới.

Xe tăng T-90MS được trang bị tháp pháo cải tiến giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu lên thành 15 - 20% so với bản gốc, có hệ thống ổn định khi bắn cũng rất hiện đại giúp cho nó có thể vừa cơ động vừa bắn nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác cao.

T-90MS còn được thiết kế và phát triển có tính đến việc sử dụng trong tác chiến giữa các khu vực có công trình đô thị.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại