Thiết kế
Radar cảnh giới Vostock-3D VHF-600 được thiết kế để phát hiện, đo các tham số cự ly, phương vị và độ cao đồng thời bám sát tự động, phân loại mục tiêu bay, cập nhật và truyền dữ liệu đồng bộ tới sở chỉ huy phòng không - không quân và các đơn vị hỏa lực.
Đây là tổ hợp radar hoàn toàn mới được Belarussia phát triển dựa trên radar RV-01 và RV-02 đã chuyển giao cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Vostok-3D được đánh giá là có tính năng tương đương với thế hệ radar băng sóng mét mới nhất của Nga như RLM-ME (một đài thành phần trong tổ hợp radar Nebo-M).
Tuy nhiên, Vostok-3D trội hơn ở thời gian triển khai - thu hồi, giá thành hợp lý, gọn nhẹ và ít phức tạp hơn trong khâu bảo dưỡng, sửa chữa.
So với tất cả các loại radar hiện có trên thế giới thì Vostok-3D không có đối thủ nhờ triển khai những công nghệ mới nhất, số hóa toàn diện, sử dụng các thuật toán và giải pháp kỹ thuật tiên tiến.
Để đối phó với nhiễu chế áp theo tần số, Vostock-3D sử dụng 4 - 16 tần số sóng mang khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng (trong khi Nebo-UE chỉ có 6 tần số).
Cấu hình của đài Vostok-3D gồm có: Xe đài ăng ten, trạm điều khiển tự động từ xa và máy phát điện diesel cơ hữu.
Vostok-3D VHF-600 do KBRadar chế tạo trong trạng thái triển khai
Những tính năng vượt trội
Phát hiện từ xa và cung cấp chính xác, đầy đủ 3 tham số của mục tiêu.
Khả năng cơ động cao trên mọi địa hình.
Khắc tinh đối với các mục tiêu cỡ nhỏ và mục tiêu bay tàng hình.
Khả năng kháng triệt nhiễu siêu hạng.
Hoàn toàn tự động, bao gồm phát hiện và bám đủ tham số các mục tiêu, cũng như tự động kiểm tra toàn bộ thiết bị của tổ hợp
Khả năng che giấu tốt, bộc lộ tín hiệu thấp, các khí tài trinh sát điện tử của đối phương chỉ có thể phát hiện Vostok-3D từ cự ly 203 km.
Tăng khả năng tự bảo vệ trước các loại vũ khí tiến công chính xác nhờ sử dụng 2 băng sóng.
Thông số kỹ thuật cơ bản
Cự ly hoạt động tối đa: 600 km.
Cự ly phát hiện mục tiêu bay ở độ cao 10.000 m với xác suất phát hiện là 0,5 trong điều kiện không nhiễu (km): máy bay ném bom chiến lược B-52: 520; máy bay chiến đấu: 450; máy bay tàng hình F-117A: 350.
Cự ly phát hiện mục tiêu bay ở độ cao 10.000 m với xác suất phát hiện là 0,5 trong điều kiện cường độ nhiễu chặn tích cực ở mức 200 W/MHz (km): máy bay ném bom chiến lược B-52: 260; máy bay chiến đấu: 160; máy bay tàng hình F-117A: 62.
Sai số định vị tọa độ mục tiêu trong một vòng quét: Cự ly (m): 25; Góc phương vị (độ): 0,3; Góc tà (độ): 1,5.
Thời gian triển khai: 10 phút (chỉ với 3 trắc thủ).
Khả năng kháng lọc nhiễu địa vật (dB): 50.
Khả năng xử lý tình báo (số lượng mục tiêu được xử lý trong một vòng quét 10 giây): tới 250 (bám sát tự động); Kiểu mục tiêu nhận dạng (loại): 5.
Thời gian giữa 2 lần phát sinh sự cố (giờ): 900; Vòng đời sử dụng: Không dưới 25 năm (hoặc 32.000 giờ).
Kết luận
Với diện tích trải dài nhưng lại hẹp về chiều ngang nên Việt Nam chỉ cần vài tổ hợp radar Vostok-3D VHF-600 là đủ để bao quát toàn bộ không phận.
Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể mua nguyên chiếc hoặc nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước nhằm giảm giá thành, dễ dàng thay thế, sửa chữa khi phát sinh sự cố.
Hy vọng trong tương lai không xa, bên cạnh RV-02 trang bị đại trà thì thế hệ đàn em "siêu khủng" của nó cũng được sát cánh cùng giám sát vùng trời, không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi các tình huống trên không.