Thái Lan "sống lại giấc mơ" tàu ngầm

Anh Tuấn |

Thái Lan nhiều khả năng sẽ sắm mới 2 hoặc 3 tàu ngầm mới sau khi ngân sách quốc phòng năm 2016 được tăng lên, qua đó cho phép nước này cải thiện năng lực quốc phòng đã thiếu trong hơn 60 năm qua.

Theo một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Thái Lan, Lực lượng Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã đệ trình kế hoạch mua 2 đến 3 tàu ngầm trong dự thảo ngân sách của năm 2016, và bộ trưởng bộ quốc phòng Prawit Wongsuwon đã tỏ ý ủng hộ kế hoạch này.

Hải quân Thái Lan đang xem xét các loại tàu ngầm khác nhau, nhưng tàu ngầm lớp Chang Bogo của Hàn Quốc là loại tốn ít chi phí nhất với giấ 330 triệu USD mỗi tàu.

Tàu ngầm lớp Chang Bogo của Hàn Quốc, một trong những tàu được Thái Lan để ý đến.

Kế hoạch mua tàu ngầm của Thái Lan thực tế không có gì mới và đáng ngạc nhiên. Kể từ khi đội tàu ngầm duy nhất của nước này bị tan rã vào năm 1951, họ không có lực lượng tàu ngầm của riêng mình.

Mãi đến những năm 1990, họ mới bắt đầu thỏa thuận mua tàu ngầm mới với nhiều nước, gần đây nhất là Đức và Hàn Quốc.

Mặc dù cuối cùng các thỏa thuận này đã không thành công, nhiều người tin rằng việc mua tàu ngầm sẽ một lần nữa trở thành ưu tiên hàng đầu của Thái Lan khi quân đội tiến hành đảo chính vào tháng 5/2014.

Kể từ đó, mọi thông tin đều cho thấy Hải quân Thái Lan đang chuẩn bị mua tàu ngầm mới.

Tháng 7/2014, lực lượng này đã chính thức khai trương một trung tâm huấn luyện tàu ngầm hàng triệu USD, một sự phát triển lớn trong việc xây dựng hạm đội tàu ngầm.

Đồng thời họ đã gửi các sĩ quan tới Hàn Quốc và Đức để huấn luyện.

Vào ngày 20/11/2014, tư lệnh hải quân là tướng Kraisorn Chansuwanich đã tiết lộ rằng ông đã bắt đầu kế hoạch mới để mua tàu ngầm và đã trình bày đề xuất này lên Bộ trưởng Prawit.

Ông Prawit đã đồng ý đề xuất này, nhưng cũng yêu cầu lực lượng hãy trình bày nghiên cứu cụ thể về loại tàu mà họ muốn và chi phí của tàu để xem xét kỹ lưỡng.

Mặc dù đã có những nghi ngờ về việc mua tàu ngầm, một số quan chức khẳng định rằng việc này có ý nghĩa chiến lược lớn và phải được tiến hành gấp rút.

Họ nói rằng tàu ngầm sẽ giúp Thái Lan đảm bảo sự an toàn ở vịnh Thái Lan, vốn có thể bị ảnh hưởng nếu cuộc tranh giành chủ quyền ở Biên Đông vượt quá tầm kiểm soát.

Tàu ngầm cũng giúp bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời điểm Thái Lan vẫn tiếp tục hợp tác với Myanmar trong dự án cảng Dawei trong vài năm sắp tới.

Nhìn chung, tàu ngầm sẽ là một loại vũ khí hữu hiệu, có thể bảo vệ chủ quyền của Thái Lan vào thời điểm các nước xung quanh đã và đang phát triển lực lượng tàu ngầm.

Malaysia, Singapore và Indonesia đã có tàu ngầm, Việt Nam đã bắt đầu mua về tàu ngầm lớp Kilo của Nga, và ngày cả Philippines, vốn là kẻ theo sau, hiện đang có những kế hoạch ban đầu.

Hải quân Thái Lan trong một cuộc diễn tập trên biển. Lực lượng này đã không có một hạm đội tàu ngầm nào kể từ năm 1951.

Yếu tố cạnh tranh một phần đã đẩy mạnh xu hướng hiện đại hóa quân sự ở các nước Đông Nam Á, cho dù bản thân những nước này không chính thức thừa nhận.

Bên cạnh những lời nói về sự đoàn kết trong khối ASEAN, việc phát triển quân đội cũng là sự đề phòng và cả sự cạnh tranh giữa các nước cũng như với các mối đe dọa từ bên ngoài như Trung Quốc hay những vấn đề quốc tế khác.

Cho dù vậy, những sự kiện trong quá khứ trong việc mua tàu ngầm cũng là điều đáng quan tâm.

Giá thành mua một tàu ngầm rất cao vẫn là lo ngại chính, ngay cả khi nó đã trở thành ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, những tranh cãi trong nội bộ chính phủ đã từng làm các hoạt động nói chung bị gián đoạn, và chuyện này có thể xảy ra lần nữa.

Bởi sự ổn định chính trị ở Thái Lan thường không chắc chắn, không gì có thể đảm bảo rằng chính phủ hiện tại sẽ còn hoạt động đủ lâu để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Trong khi Thái Lan vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ tàu ngầm, quá khứ có thể sẽ lại lặp lại lần nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại