Tên lửa P-15 và 2 dự án cải tiến vũ khí độc đáo của Hải quân VN

Phi Yến |

Đưa tên lửa chống hạm P-15 lên bệ phóng SA-2 và khu trục hạm chiến lợi phẩm của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa là 2 dự án cải tiến vũ khí ít được biết tới của Hải quân Việt Nam.

Cuối năm 1972, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Komar Dự án 183R, mỗi tàu trang bị 2 ống phóng tên lửa chống hạm P-15 cánh cứng có đầu tự dẫn, tầm bắn 40 km.

Ngày 20/12/1972, 4 khung tàu của Trung đoàn 172 đã tiếp nhận và tổ chức cho 4 tàu hành trình từ cảng Trạm Giang (Quảng Đông - Trung Quốc) về nước an toàn.

Tàu tên lửa Komar Dự án 183R

Đây là lần đầu tiên Hải quân Nhân dân Việt Nam được trang bị tàu chiến có tên lửa chống hạm và cũng là lần đầu tiên ngành kỹ thuật Hải quân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật, khai thác sử dụng loại phương tiện chiến đấu mới này.

Đến tháng 1/1973, một số chuyên gia Liên Xô đã sang hướng dẫn, giúp huấn luyện sử dụng tàu tên lửa Dự án 183R.

Dự án cải tiến lắp tên lửa P-15 lên bệ phóng SA-2

Cùng thời gian này, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương nghiên cứu cải tiến đưa tên lửa P-15 từ dưới tàu lên bờ, cơ động, bí mật phục kích đánh tàu mặt nước của địch và thành lập Đoàn 173 (tức Z1).

Nhiệm vụ của Đoàn 173 là nghiên cứu cải tiến đưa tên lửa P-15 từ dưới tàu 183R lắp trên bệ phóng của tên lửa phòng không SA-2 để cơ động chiến đấu trên bờ, tính toán chính xác phần tử bắn cho tên lửa.

Tên lửa P-15 Termit của tàu Komar nhận yêu cầu có thể triển khai từ trên bờ

Yêu cầu đặt ra là bảo đảm tên lửa cố định vững chắc trên bệ khi cơ động, hoạt động dễ dàng trên rãnh trượt.

Đi kèm bệ tên lửa là trạm radar cơ động 403 để bắt bám mục tiêu và một xe nguồn cung cấp điện 50 KVA. Sau thời gian ngắn, cán bộ Đoàn 173 đã xây dựng xong đề án nghiên cứu cải tiến tên lửa.

Ngày 14/4/1973, Tư lệnh Hải quân ký đã quyết định (Số: 11/QĐ) chuẩn y đề án cải tiến tên lửa P-15 trang bị dưới tàu tên lửa 183R đưa lên sử dụng chiến đấu trên bờ.

Tháng 10/1973, Đoàn 173 đã nghiên cứu, thiết kế, thi công hoàn chỉnh bệ thứ nhất. Hội đồng nghiệm thu Quân chủng do đồng chí đại tá Nguyễn Bá Phát - Tư lệnh Hải quân làm Chủ tịch kết luận:

“Việc cải tiến tên lửa đã bảo đảm được các yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật và chỉ thị cho Đoàn 173 cùng các đơn vị tiếp tục cải tiến bệ thứ 2”.

Yêu cầu lắp tên lửa P-15 lên bệ phóng SA-2 là chưa từng có tiền lệ

Ngày 7/12/1973, sau cuộc họp triển khai cải tiến. Hội nghị thống nhất phân công: Xưởng 28 thi công làm máng, đường trượt, cải tiến bệ phóng, Cục Kỹ thuật nghiệm thu. Hệ thống thông tin hai chiều do Phòng Thông tin thực hiện, Đoàn 173 nghiệm thu.

Phòng Quân lực Bộ Tham mưu đã đề nghị Bộ Quốc phòng cung cấp các trang bị như bệ phóng SA-2, xe xích Kraz, máy phát điện... để phục vụ cải tiến.

Cục Kỹ thuật được Bộ Tư lệnh ủy quyền phê duyệt kế hoạch, dự trù kinh phí, cùng Đoàn 173 chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình thi công.

Sau một năm nghiên cứu, thi công cải tiến và thử nghiệm, đến tháng 10/1974, Bộ Tư lệnh tổ chức bắn thử nghiệm cả 2 bệ, mỗi bệ 1 quả P-15 đã tháo ngòi nổ vào tàu bia neo cố định ở vùng biển Đồ Sơn ở cự ly 13,5 hải lý (cự ly tối ưu).

Kết quả bắn: 2 bệ đều quay tầm hướng, tên lửa trượt trên rãnh bệ tốt, cả 2 quả P-15 đều trúng mục tiêu, 1 quả trúng dàn phản xạ, 1 quả xuyên qua tàu bia. Nhiệm vụ Z1 thành công, mở ra khả năng chiến đấu mới của Quân chủng.

Việc đưa thành công tên lửa P15 lên bệ phóng SA-2 đã mở ra khả năng chiến đấu mới của Hải quân Việt Nam. Ảnh minh họa.

Dự án lắp tên lửa P-15 lên khu trục hạm chiến lợi phẩm

Sau này khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Tư lệnh Hải quân có chủ trương nghiên cứu cải tiến đưa lên lửa P-15 lắp xuống tàu HQ-01.

Tàu HQ-01 nguyên là khu trục hạm HQ-15 Phạm Ngũ Lão của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Nhiệm vụ này tiếp tục được Quân chủng giao cho Đơn vị 173.

Chiến hạm HQ-01 khi còn là HQ-15 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa

Năm 1976, đơn vị bắt đầu đưa toàn bộ hệ thống chỉ huy, bệ tên lửa xuống tàu, lắp thêm 1 bộ radar SPS-53 của Mỹ trên mặt boong chính để lấy số liệu phần tử bắn.

Ngoài ra tàu còn được mở rộng một phòng trên boong trung tâm để đặt thiết bị điều khiển, tăng cường gia cố khung xương và mặt boong tàu...

Cuối năm 1977 thì công việc thi công hoàn chỉnh. Đến ngày 30 Tết âm lịch Mậu Ngọ 1978, Bộ Tư lệnh tổ chức bắn thử nghiệm vào đảo Hòn Tý, một đảo nhỏ trong quần đảo Phú Quý.

Kết quả sau khi tên lửa được bắn đi, đạn đã trúng mục tiêu. Tư lệnh Giáp Văn Cương đánh giá cao kết quả quá trình nghiên cứu cải tiến tên lửa P-15 đạt hiệu quả tốt và tặng bằng khen cho các đồng chí cán bộ, kỹ sư tham gia thực hiện đề án này.

Như vậy, ngay từ thời điểm cuối những năm 1970, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có trong tay tàu tên lửa cỡ vừa đủ khả năng hoạt động tại quần đảo Trường Sa chứ không phải là tới tận năm 1999 khi những chiếc Molniya Dự án 1241.RE đầu tiên về nước.

Trong bài có sử dụng tư liệu lấy từ sách "Lịch sử ngành kỹ thuật Hải quân Nhân dân Việt Nam - Tập 1"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại