Tên lửa đối hạm Liên Xô và Nga trong các trận hải chiến

Dương Phạm |

(Soha.vn) - P-15 Termit là tên lửa đối hạm duy nhất của Liên Xô và Nga đã trải qua thực chiến nhưng đồng thời lại là tên lửa đối hạm dày dạn chiến công nhất thế giới.

Gia đình tên lửa hành trình đối hạm của Liên Xô và Nga (P9)

Gia đình tên lửa hành trình đối hạm của Liên Xô và Nga (P10)

Lần tham chiến đầu tiên của tên lửa P-15 Termit xảy đến không lâu sau cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967, trong suốt cuộc chiến được gọi là “Chiến tranh tiêu hao” khi lực lượng vũ trang của Israel và Ai Cập liên tục đụng độ xung quanh khu vực bán đảo Sinai.

Vào ngày 21/10/1967, khu trục hạm Eliat của Israel khi tiến hành nhiệm vụ tuần tra chiến đấu đã phạm phải sai lầm khi tiến đến quá gần cảng Said. 2 tàu tên lửa lớp Komar của Ai Cập vũ trang với 2 tên lửa P-15 mỗi chiếc đã khai hỏa 4 tên lửa từ vị trí bên trong bến cảng, 3 tên lửa đầu tiên đã đánh trúng mục tiêu khiến tàu khu trục của Israel bị bẻ gãy làm đôi và nhanh chóng chìm xuống nước. Tên lửa P-15 thứ tư khi bay đến nơi thì mục tiêu của nó chỉ còn là những mảnh vỡ nhỏ. Thất bại này là một cú sốc lớn cho lực lượng hải quân Israel nhưng cũng thúc đẩy họ nhanh chóng phát triển những biện pháp đối phó lại tên lửa chống tàu.

Tàu tên lửa lớp Komar

Tàu tên lửa Komar

Theo nguồn tin đặc biệt từ các chuyên gia quân sự Nga là A.E. Taras và A. Shirokorad thì chiến công khác của tên lửa P-15 đến vào đúng 1 năm sau đó. Vào ngày 21/10/1968, các tàu Osa của Ai Cập đã phóng một loạt tên lửa P-15 để đánh chìm “tàu buôn" 10.000 tấn của Israel được hoán cải thành tàu do thám. Cuộc đụng độ này được báo cáo là diễn ra ở gần bờ biển Ai Cập, tuy nhiên thông tin này sau đó đã không được Phương Tây xác nhận.

Trong suốt cuộc chiến Yom Kippur (Ngày Sám hối của người Do Thái) diễn ra vào năm 1973, P-15 thu được rất ít thành công. Theo nguồn tin phương Tây thì từ ngày 6 đến 12/11/1973 đã có tới 54 tên lửa P-15 được bắn đi nhưng đều không có kết quả. Điều này cũng được các chuyên gia Nga xác nhận và họ cũng xác nhận cả việc có 7 tàu Ai Cập và Syria bị bắn chìm, chủ yếu là các tàu nhỏ như tàu đánh cá, tàu tuần tra và xuồng tên lửa, các tàu-xuồng này đều bị bắn chìm bởi tên lửa Gabriel Mk1 của Israel.

Tên lửa Gabriel Mk1

Tên lửa đối hạm Gabriel Mk1

Cuộc chạm trán đầu tiên của cuộc chiến tranh Yom Kippur xảy ra trong đêm ngày 6 và 7/10/1973 gần Latakia trên bờ biển Syria. Hải quân Israel sử dụng máy bay trực thăng bay chậm tại độ cao rất thấp để mô phỏng mục tiêu tàu hải quân. Không có tàu chiến Israel nào bị bắn trúng sau loạt tên lửa P-15 của Syria trong khi chính họ lại bị mất 1 tàu T-34 lớp Jarmuk và 3 tàu phóng lôi bởi các tên lửa Gabriel. Những tàu tên lửa Syria sau đó đã phải rút lui, họ không kịp nhận ra các tên lửa của mình đã bị đánh lừa bởi mục tiêu giả là trực thăng của Israel. Cùng đêm, một thủ đoạn tương tự được lặp lại trong cuộc đụng độ giữa hải quân Israel với hải quân Ai cập ở phía bắc bán đảo Sinai.

Vào đêm ngày 10 và 11/10/1973, gần Latakia đã xảy ra một trận bắn tên lửa qua lại giữa những tàu chiến Israel và Syria mà không có sự tham gia của máy bay trực thăng. Các tàu chiến Syria dàn quân bên ngoài bến cảng của họ dọc theo những tàu hàng. Trong trận chiến này, tên lửa Gabriel đã đánh chìm 2 chiến hạm của Syria nhưng cũng đánh trúng cả tàu hàng của các nước trung lập đang neo trong cảng (Tàu Tsimentaros của Hy Lạp và Maru Yamashuro của Nhật).

Theo nguồn tin Israel thì tất cả các tàu của họ đều an toàn nhưng thực tế trong trận này có ít nhất 1 tàu tên lửa Sa’ar bị đánh chìm (nguồn tin Nga nói là có 3 chiếc). Vào đêm hôm sau, thủ đoạn máy bay trực thăng lần nữa được sử dụng một cách thành công trong cuộc chạm trán gần Tartus, ngoài bờ biển Syria. Đã không có tàu Israel nào bị đánh trúng bởi loạt tên lửa P -15 được bắn đi từ các tàu của Syria. Bên phía Syria, 2 tàu tên lửa Komar bị chìm bởi tên lửa Gabriel và 1 tàu hàng của Liên Xô, chiếc Ilya Mechnikov cũng bị đánh trúng. Vào cùng đêm, một cuộc chạm trán tương tự đã xảy ra gần bờ biển cảng Said.

Tàu tên lửa Saar 2

Tàu tên lửa Sa'ar 2

Từ kinh nghiệm cuộc chiến Yom Kippur, Liên Xô nhận ra tính dễ tổn thương của tên lửa P-15 trước các biện pháp đối phó chủ động và bị động của đối phương. Những điều chỉnh đã được triển khai để cho ra đời phiên bản P-15U và phiên bản P-15T được bổ sung đầu dò hồng ngoại nhằm tăng xác suất bắn trúng mục tiêu cho tên lửa. Điều này đã được chứng minh trong cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ vào tháng 12/1971.

Trong đêm mùng 3 và 4/12/1971 các tàu Osa của hải quân Ấn Độ làm nhiệm vụ cách Bombay 900 km gần khu vực Karachi đã bắn 11 tên lửa đối hạm (7 P-15U và 4 P-15T) và thu được kết quả khá tốt. Trong cuộc tấn công, 1 khu trục hạm của Pakistan chiếc Khaiba và 1 tàu đánh cá chiếc Muhafiz đã bị bắn chìm. Chiếc Khaiba bị chìm sau khi trúng 2 tên lửa P-15U còn chiếc Muhafiz thì bị chìm ngay sau khi trúng 1 tên lửa cùng loại. Tàu Osa tên Nighat của Ấn Độ đã được ghi nhận là đã bắn chìm tàu Khaiba trong khi chị em của nó, chiếc Veer đã bắn chìm Muhafiz. Chỉ có 70 trên 289 thủy thủ của Pakistan được cứu sống.

Tàu tên lửa Osa-I

Tàu tên lửa Osa-I

Cũng trong cuộc chiến này đã ghi nhận việc lần đầu tiên tên lửa đối hạm P-15 được sử dụng để tấn công mục tiêu trên đất liền. Vào ngày 4/12/1971 nhà máy lọc dầu ở Keamari đã bị tấn công, những bồn chứa dầu lớn bị hun nóng bởi ánh mặt trời vào ban ngày nên ban đêm chúng phát ra nhiệt. P-15T với đầu dò hồng ngoại đã bắt được mục tiêu và gây ra khá nhiều thiệt hại.

Cuộc tấn công bằng tên lửa P-15 thứ hai diễn ra 4 ngày sau đó, vào ngày 8/12/1971, tàu Vinash lớp Osa đã khai hỏa bốn tên lửa gồm 1 P-15T và 3 P-15U. Theo phía Pakistan, tên lửa đầu tiên lướt qua những tàu neo tại bến, bay dọc qua đảo Manora và đánh trúng bồn chứa dầu tại nhà máy lọc dầu Keamari. Còn lại 3 tên lửa dẫn bởi radar P-15U đã đánh trúng 3 tàu khác được neo ở Manora, 2 trong số chúng là những tàu hàng: Harmattan (Anh) và Gulf Star (Panama). Chiếc đầu tiên bị chìm còn chiếc kia bị hư hỏng nghiêm trọng. Tàu thứ 3, chiếc Dacca vẫn sống sót mặc dù bị đánh trúng thùng chứa dầu.

Trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq quân đội Iran đã sử dụng tên lửa HY-2 (bản sao của P-15 do Trung Quốc sản xuất) để khống chế vịnh Ba Tư và cũng thu được một số thành công nhất định. Trong cuộc chiến tranh vùng vịnh, Iraq cũng đã bắn 2 quả HY-2 vào chiếc USS Missouri nhưng một quả đã bị tên lửa Sea Dart đánh chặn còn quả kia trượt mục tiêu. Lần gần đây nhất tên lửa P-15 được sử dụng bởi quân đội Lybia khi họ bắn tên lửa P-15 mà không có radar dẫn đường vào một tàu chiến của Italy đang làm nhiệm vụ phong tỏa bờ biển, tên lửa đã đi chệch mục tiêu tới 2 km.

Tên lửa P-15 với nhiều nhược điểm như kích thước lớn, tốc độ chậm, bay hành trình cao, cơ động kém, dễ bị gây nhiễu tỏ ra không còn phù hợp trong tác chiến hải quân hiện đại và đang được nhiều nước thay thế bằng những loại tên lửa diệt hạm tiên tiến hơn. Có lẽ chúng ta sẽ khó mà được nhìn thấy một lần tham chiến nào khác của tên lửa P-15 Termit trong thế kỷ 21 này.

(Theo Russian/Soviet Sea Based Antiship Missile)

Tên lửa đối hạm P-15 Termit

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại