Tàu sân bay và chiến lược đại dương của Nga

Nhàn Đàm |

Cuộc chạy đua quyền lực giành quyền kiểm soát các đại dương, sẽ là cuộc chạy đua khốc liệt nhất giữa các cường quốc trong thế kỷ 21 về chiến lược. Và trong danh sách đó, cần phải thêm một dấu tích cho nước Nga.

Hầu hết cả thế giới đều biết rằng, cuộc đụng độ địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21 là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại và ít nhất là trong phần còn lại của thế kỷ.

Nhưng nó còn mang ý nghĩa cuộc đối đầu giữa những cường quốc cũ, điển hình là Mỹ và các nước phương Tây, với các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Nga hay Ấn Độ.

Trật tự thế giới hiện tại vốn được hình thành từ sau thế chiến thứ hai đang đứng trước khả năng bị thách thức lớn nhất.

Cũng giống như Mỹ, ngày càng có nhiều cường quốc hướng về biển và tăng cường khả năng chi phối các đại dương hơn.

Cuộc chạy đua quyền lực giành quyền kiểm soát các đại dương, sẽ là cuộc chạy đua khốc liệt nhất giữa các cường quốc trong thế kỷ 21 về chiến lược. Và trong danh sách đó, cần phải thêm một dấu tích cho nước Nga.

Không phải đến thế kỷ 20, các cường quốc trên thế giới mới nhận thức được tầm quan trọng của việc làm chủ các đại dương.

Ngay từ thế kỷ 18, nước Anh với hạm đội hùng mạnh đã trở thành cường quốc lớn nhất thế giới.

Với hạm đội mạnh nhất thế giới ở thời điểm đó, nước Anh đủ khả năng để thực hiện quá trình thuộc địa hóa những vùng đất xa xôi và trù phú nhất trên thế giới, từ đó hình thành đế chế rộng lớn nhất trên thế giới thời cận đại.

Quyền lực kiểm soát các đại dương dần thế chỗ trong thế kỷ 20, khi những bước tiến khoa học công nghệ đã khiến các hạm đội thay đổi hoàn toàn, từ những hạm đội thuyền buồm trang bị pháo dần chuyển sang những con tàu hơi nước, rồi những thiết giáp hạm và đỉnh điểm là những con tàu sân bay – những căn cứ hải quân di động khổng lồ.

Nước Anh mất dần các thuộc địa đã phải chuyển khả năng nắm giữ quyền chi phối các đại dương cho Mỹ, với những hạm đội hùng hậu trải khắp các đại dương, với biểu tượng là những chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ.

Với uy lực được thể hiện trong thế chiến hai, tàu sân bay gần như đã trở thành một biểu tượng tuyệt đối cho sức mạnh hải quân trên thế giới.

Nó đã tạo nên cả một cuộc cách mạng trong lịch sử hải quân, khi những hạm đội với những thiết giáp hạm khổng lồ làm mũi nhọn đã được chuyển sang những hạm đội lấy tàu sân bay làm xương sống.

Những quốc gia sở hữu tàu sân bay giờ đây không chỉ dừng lại ở việc phong tỏa biển và nã pháo vào những cảng và các vùng đất ven biển như những tàu chiến trước đây, mà có thể thực hiện những cuộc không kích sâu vào trong đất liền.

Các hạm đội lấy tàu sân bay làm xương sống, vì thế là điều kiện tiên quyết để Mỹ nắm quyền chi phối hoàn toàn các đại dương.

Và cũng vì thế, bất cứ một quốc gia nào muốn thách thức thứ quyền lực chi phối toàn cầu của Mỹ, sẽ phải thách thức hạm đội hùng hậu của Mỹ trước.

Và để thách thức đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ, cần phải có một hạm đội tàu sân bay ngang cơ làm đối trọng.

Trong số các cường quốc mới nổi, thì Nga là nước chiếm nhiều ưu thế nhất trong việc đủ khả năng xây dựng hạm đội tàu sân bay đủ mạnh để đối trọng với Mỹ.

Các cường quốc khác như Trung Quốc hay Ấn Độ có dư nguồn lực về tài chính, nhưng lại không đủ trình độ khoa học kỹ thuật để tự sản xuất được những mẫu tàu sân bay chất lượng cao.

Trong số ba chiếc tàu sân bay mà Ấn Độ đang sở hữu thì hai chiếc là mua của Liên Xô và Anh, chiếc còn lại do Ấn Độ tự đóng chỉ cỡ hạng trung, với trọng lượng khoảng 46.000 tấn.

Trung Quốc còn tệ hơn khi chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất nước này sở hữu, tàu Liêu Ninh, vốn là một chiếc tàu sân bay đóng thời Liên Xô nhưng đã bị hư hại và được bán như một khối sắt vụn khổng lồ.

Dù Bắc Kinh tuyên bố đã tiếp thu và phát triển được nhiều kỹ thuật từ chiếc Liêu Ninh để có thể triển khai đóng những tàu sân bay mới, thì điều này vẫn đang bị đặt một dấu hỏi.

Bản thân chiếc Liêu Ninh cũng chỉ là một tàu sân bay cỡ trung và không được đánh giá cao, Trung Quốc có copy kỹ thuật từ Liêu Ninh thì cũng sẽ chỉ sản xuất được những lớp tàu cỡ trung mà thôi.

Trong khi đó, những cường quốc phương Tây khác cũng sở hữu công nghệ chế tạo tàu sân bay như Anh hay Pháp lại không đủ tiềm lực để sản xuất và duy trì những hạm đội tàu sân bay lớn.

Vì thế, về lâu dài thì có lẽ chỉ Nga mới có thể là đối trọng đủ tiềm lực về tài chính và công nghệ để xây dựng những hạm tàu sân bay có thể thách thức Mỹ.

Công nghệ chế tạo tàu sân bay đã được nghiên cứu và phát triển ở Nga từ thời Liên Xô, với những lớp tàu cỡ trung vẫn được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới hiện nay như Ấn Độ hay Trung Quốc.

Ngành công nghiệp này bị đình trệ một thời gian sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng lại được tiếp tục sau khi nước Nga được thành lập.

Một chương trình trị giá 20.000 tỷ Rup (tương đương 400 tỷ USD) sẽ được triển khai từ nay đến năm 2020 như một nỗ lực tăng cường sức mạnh và khả năng hoạt động của hải quân Nga.

Và trong tuyên bố mới nhất, bộ quốc phòng Nga tuyên bố sẽ trình làng một mẫu thiết kế tàu sân bay mới thuộc lớp tàu hạng nặng có trọng lượng khoảng 100.000 tấn, tương đương với những tàu sân bay lớn nhất của Mỹ.

Nếu được đưa vào sản xuất thì đây sẽ là một trong những hạm tàu sân bay lớn nhất thế giới, với khả năng mang được khoảng 100 phi cơ, thậm chí còn có thể lớn hơn những chiếc hàng không mẫu hạm lớn nhất trong hạm đội Mỹ.

Đây được xem là một bước ngoặt trong chiến lược phát triển hải quân Nga vốn kế thừa từ chiến lược hải quân thời Liên Xô.

Trong học thuyết hải quân của Nga chịu ảnh hưởng từ thời Liên Xô thì các tàu sân bay chủ yếu đóng vai trò phòng thủ, ngăn chặn các nhóm tàu sân bay của Mỹ tấn công vào hạm đội Nga và các tàu ngầm hạt nhân.

Chính vì đặc điểm này nên hầu hết các tàu sân bay trước đây của Liên Xô đều chỉ cỡ trung.

Nhưng giờ đây, khi đã chính thức bắt đầu phát triển các tàu sân bay hạng nặng, cũng đồng nghĩa với việc Nga có thể xem xét thay đổi học thuyết hải quân truyền thống vốn lấy các thiết giáp hạm hạng nặng làm xương sống.

Thay vào đó, Nga có thể sẽ hướng tới việc xây dựng các hạm đội theo mô hình hạm đội Mỹ, trong đó lấy các tàu sân bay hạng nặng cỡ lớn làm xương sống.

Điều này cũng có nghĩa là khả năng hoạt động và tác chiến của hạm đội Nga cũng sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí có thể đạt được mức hoạt động mà các hạm đội Mỹ đang có được.

Nếu điều này trở thành sự thực, thì những hạm đội Mỹ sẽ lần đầu tiên bị thách thức vị thế bá chủ trên các đại dương của mình.

Tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít các quốc gia sở hữu những hạm tàu sân bay hạng nặng cỡ lớn và có tầm hoạt động rộng như Mỹ.

Những cường quốc mới nổi và muốn thách thức hạm đội Mỹ như Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ phải rất lâu nữa mới đủ năng lực sản xuất được những tàu sân bay cỡ lớn như vậy. Nhưng Nga đang chứng tỏ họ có đủ khả năng để làm điều này.

Dĩ nhiên, sẽ khó có chuyện Nga đủ khả năng xây dựng những hạm đội tàu sân bay ngang cơ với những hạm đội hùng hậu của Mỹ hiện tại ngay lập tức, nhưng việc Nga có thể chuyển đổi học thuyết hải quân với nền tảng là những tàu sân bay cỡ lớn có thể gây ra những rắc rối nghiêm trọng với Mỹ.

Đơn giản là, các đại dương không phải là vật sở hữu của riêng ai.

>>> Siêu tàu sân bay Nga "trình làng" vào tháng 7 có gì đặc biệt?

>>> Những chiến hạm làm nên sức mạnh Hải quân Nga đầu thế kỷ XXI

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại