Tàu ngầm Trường Sa: Được thử nghiệm nhưng... sang tỉnh khác!

Tỉnh Thái Bình đã có quyết định việc xin cấp phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa. Con tàu này chưa có tiền lệ, và phán quyết này cũng có một không hai.

Hoan nghênh nhưng… mang sang tỉnh khác thử

Chiều ngày 26/4/2014, ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân tàu ngầm Trường Sa, người đang mòn mỏi chờ đợi việc cấp phép thử nghiệm cho con tàu này được ra biển, cho biết UBND tỉnh Thái Bình đã gửi cho ông quyết định về việc xin cấp phép của ông.

Ông Hòa ngậm ngùi chia sẻ: “Đồng ý cho thử nghiệm, rất hoan nghênh tinh thần, nhưng mời sang địa bàn tỉnh khác thử nghiệm.”

Theo ông Hòa, ngày 25/4/2014, ông nhận được văn bản của UBND tỉnh, nội dung ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Thị Hải tại cuộc họp nghe việc đề nghị thử nghiệm tàu ngầm mang tên “Trường Sa 1” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Quốc Hòa.

Trong đó, nội dung đầu tiên, tỉnh hoan nghênh tinh thần say mê tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo của ông Nguyễn Quốc Hòa, giám đốc công ty và việc ông tự đầu tư, thiết kế, chế tạo con tàu. Và cũng ủng hộ chủ trương thử nghiệm tàu của ông.

Thứ hai, kế hoạch thử nghiệm dự kiến tại khu vực biển ngoài phao số 0 cảng Diêm Điền, cách bờ khoảng 12 km, thời gian từ 11h đến 15h là chưa phù hợp và chưa thực hiện được. Do công ty chưa tính toán và khảo sát hết các thông tin về điều kiện địa lý, thủy văn, ngoài ra còn thiếu những biện pháp an toàn. Nên tỉnh thống nhất đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ và cho thử nghiệm tại Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I.

Ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa
Ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa

Thứ ba, Tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở KHCN, Sở TNMT, Sở Công thương và các sở ngành liên quan hướng dẫn ông Hòa hoàn thiện thủ tục xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo điều kiện thử nghiệm. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư lệnh Hải quân vùng I cho được thử nghiệm tại Viện Kỹ thuật Hải quân.

Thứ tư, Giao cho Sở KHCN theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông báo này.

Về kết quả mà tỉnh Thái Bình hồi đáp với ông Hòa, ông nhận xét: “Như vậy ngoài việc hoan nghênh, tôi vẫn phải tiếp tục làm đơn, làm kế hoạch, đệ trình lên một cấp cao hơn là Bộ Quốc phòng và chắc chắn không được thử nghiệm tại vùng biển nơi con tàu ra đời.”

“Điều tôi thấy đáng buồn là trong cuộc họp của tỉnh không có sự tham gia của tôi. Có ai hiểu gì về tàu ngầm trong cuộc họp ấy đâu, nên họ mới lo này lo kia. Tôi không được tham dự cuộc họp đó đồng nghĩa với việc không tự trình bày những lý luận, kinh nghiệm, phương thức của con tàu và kế hoạch thử nghiệm của tôi được.”- ông Hòa cho biết.

“Ví dụ như việc cuộc họp này lấy lý do ngày 29/4/2014 dự kiến thử nghiệm là ngày nước cạn, không phù hợp với việc lặn, nhưng tôi đã khảo sát rất kỹ khu vực này, từ độ sâu, đá ngầm, dòng nước, con nước…, và xin thông tin từ khí tượng thủy văn tỉnh thì cho kết quả là hôm 29 là nước nổi, triều cường. Cũng gửi lời cám ơn tỉnh Thái Bình đã quan tâm đến sinh mạng của tôi.” – Ông Hòa bày tỏ.

Nỗi lo về tương lai tàu ngầm Trường Sa

Trình bày về những kế hoạch sắp tới cho tàu ngầm, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết: “Tôi vẫn phải làm theo những quyết định của tỉnh thôi. Mang dự án thử nghiệm này lên Bộ Quốc phòng đễ xin hỗ trợ, cấp phép như trong kết luận của UBND tỉnh Thái Bình”.

Tàu ngầm Trường Sa sơn đen, vẽ quốc kỳ, ghi nơi chế tạo ở Thái Bình, nhưng đang đứng trước nguy cơ nếu có được thử cũng phải mang sang tỉnh khác
Tàu ngầm Trường Sa sơn đen, vẽ quốc kỳ, ghi nơi chế tạo ở Thái Bình, nhưng đang đứng trước nguy cơ nếu có được thử cũng phải mang sang tỉnh khác

“Chỉ lo ngại rằng, tại địa bàn tỉnh mà tôi đã mất đến một tháng mới có được kết luận, mà còn do báo chí truyền thông liên tiếp thúc giục nên mới có thể nhanh đến vậy. Còn gửi lên Bộ Quốc phòng, đây là cơ quan trung ương, một năm giải quyết bao nhiêu việc, không biết bao giờ cái kế hoạch cỏn con của tôi mới đến được nơi cần đến.” – Ông Hòa lo ngại.

Ông Hòa chia sẻ thêm: “Thêm một điều cần chú ý, các vị đang đẩy con tàu Trường Sa 01 này theo hướng một tàu quân sự khi đưa nó đến với Bộ Quốc phòng và Hải quân. Nhưng đây chỉ là một tàu dân sự, tôi không có ý tưởng mang phiên bản này ra đánh trận, mục tiêu chỉ là một cuộc thử nghiệm ngoài biển xem khả năng lặn nổi, cân bằng, di chuyển dưới và trên mặt nước thôi. Việc này phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý dân sự chứ. Mà đã không phải tàu quân sự, chắc chắn Bộ Quốc phòng không quan tâm.”

Trước đó, Giám đốc Sở KHCN Thái Bình, ông Vũ Mạnh Hiền cho biết: "Không có vấn đề gì về việc thử nghiệm này, đã làm ra sản phẩm thì cứ thử nghiệm chứ. Vấn đề là làm sao để đảm bảo an toàn cho ông Hòa là trên hết"

Nhận định về điều này, ông Hòa bày tỏ: "Nếu giúp đỡ, hưởng ứng thì phải có hành động cụ thể chứ. Như Sở GTVT tỉnh Thái Bình, họ hưởng ứng, hoan nghênh bằng cách yêu cầu ngay các cảng biển ở khu vực tôi muốn thử nghiệm giúp đỡ về việc chỉ thị các tàu, hoa tiêu cho tôi…”

Vậy tương lai của tàu Trường Sa sẽ đi về đâu, khi chủ nhân của con tàu sẽ phải mang những lá đơn, kế hoạch của mình đi hết từ bộ này đến ban nọ. Liệu ông có thể duy trì đam mê, tâm huyết, giữ vững lửa lòng của mình đến bao giờ?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại