Tàu ngầm tấn công hạt nhân Nga hay Mỹ "lép vế" hơn?

Việt Đức |

(Soha.vn) - "Kẻ hủy diệt" Los Angeles của Mỹ mạnh về hệ thống điện tử và khả năng tấn công tầm xa, còn tàu ngầm lớp Akula của Nga lại là một "bóng ma" dưới nước.

Trong chiến tranh hải quân, lực lượng tàu ngầm tấn công có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ hạm đội tàu chiến trước sức mạnh hải quân đối phương. Đặc biệt, tàu ngầm tấn công hạt nhân là nhân tố quan trọng để duy trì những lợi ích chiến lược từ xa.

Nga, Mỹ được xem là hai quốc gia dẫn đầu thế giới về lực lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân. Trong khi nòng cốt lực lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga là tàu ngầm Đề án 971 Akula (Tên tiếng Nga là Shchuka-B), còn phía Mỹ là lớp Los Angeles.

Hệ thống điện tử

Los Angeles được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến và đây cũng chính là thế mạnh của các vũ khí Mỹ. Để đáp ứng nhiệm vụ tấn công nhanh dưới nước, tàu ngầm lớp Los Angeles được trang bị bộ định vị thủy âm (sonar) khẩu độ rộng BQQ-5D/E, bao gồm một mảng cầu phía trước mũi cùng một mảng gắn ở thân tàu và một mảng kéo theo.

Mảng sonar cầu BQQ-5 phía trước mũi tàu có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 108km ở chế độ thụ động, mảng sonar gắn ở thân tàu có phạm vi phát hiện mục tiêu 54km ở chế độ thụ động. Mảng sonar kéo theo TB-23 có phạm vi phát hiện mục tiêu tới 180km.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ(ở trên) áp đảo tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula(ở dưới)  về chất lượng.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ (ở trên) áp đảo tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula (ở dưới) về số lượng.

Trong khi đó, cảm biến chính của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula là hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số MGK-540. Hệ thống gồm có một mảng ở phía trước mũi tàu, một mảng ở thân tàu cùng một mảng kéo theo được thiết kế trong một cái phao đặc biệt gắn ở đuôi tàu.

MGK-540 được thiết kế để tự động theo dõi mục tiêu ở 2 chế độ băng rộng cho phát hiện tầm gần và băng hẹp cho phát hiện tầm xa. Bộ vi xử lý của nó có thể nhận dạng các âm thanh giả mạo trong môi trường lộn xộn. Mặc dù phạm vi tìm kiếm mục tiêu của MGK-540 không được tiết lộ nhưng hệ thống sonar này được đánh giá khá cao.

Cả hai tàu ngầm đều được trang bị thêm các hệ thống sonar phát hiện mìn, tránh va chạm, cũng như hệ thống tác chiến điện tử và mồi bẫy để đánh lừa vũ khí của đối phương.

Một tính năng rất hữu ích mà tàu ngầm Akula của Nga không có được là hệ thống trinh sát mìn tầm gần NMRS. Hệ thống này là một sợi cáp quang được kết nối với phương tiện trinh sát không người lái dưới nước AQS-14 được triển khai qua ống phóng ngư lôi.

Trái tim của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles là hệ thống kiểm soát chiến đấu AN/BYG-1. Hệ thống này chính là điểm tạo nên sức mạnh của tàu ngầm lớp Los Angeles. Hệ thống được thiết kế để tiếp nhận, tổng hợp tất cả các dữ liệu từ các cảm biến, cũng như tiếp nhận thông tin tình báo chiến thuật để tạo nên một môi trường chiến thuật tích hợp đầy đủ nhất.

Hệ thống sẽ phân tích các dữ liệu thu được để triển khai vũ khí phù hợp với từng đối tượng mục tiêu, tiếp nhận thông tin mục tiêu từ vệ tinh để nạp dữ liệu cho tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Những hệ thống kiểm soát chiến đấu tích hợp như thế này luôn là thế mạnh của Mỹ.

Tàu ngầm Akula của Nga được trang bị hệ thống chỉ huy chiến đấu Vspletsk. Hệ thống sẽ tiếp nhận thông tin từ hệ thống cảm biến để phân bổ vũ khí phù hợp. Trang mạng Navy News & Undersea Technology cho biết, hệ thống chỉ huy chiến đấu trên tàu ngầm Akula sử dụng máy tính điều khiển do công ty Kongsberg Vaapenfabrik của Na Uy sản xuất.

Về hệ thống điện tử, lợi thế đang nghiêng về tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ. Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ có trụ sở tại Moscow, Nga thừa nhận: “Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, chúng tôi đã tụt hậu so với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và hàng không quân sự”.

Vũ khí

Về ngư lôi, tàu ngầm lớp Los Angeles được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm, còn tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula của Nga được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm, 4 ống phóng ngư lôi 650mm, biến thể cải tiến Akula II được bổ sung thêm 2 ống phóng ngư lôi 533mm.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk(ở trên) đã chinh chiến qua nhiều chiến trường còn Kh-55(ở dưới) vẫn là

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (ở trên) đã chinh chiến qua nhiều chiến trường còn RK-55 (ở dưới) vẫn là "sát thủ ở trên giấy tờ"

Cả hai tàu ngầm đều có khả năng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất, với Mỹ là Tomahawk còn với Nga là RK-55. Tầm bắn của 2 loại tên lửa này là tương đương nhau khoảng 2.500km. Tuy nhiên, bán kính lệch mục tiêu (CEP_ của RK-55 khoảng 150 mét, trong khi chỉ số CEP của Tomahawk TLAM Block IV khoảng 10 mét.

Một lợi thế rất lớn mà tàu ngầm tấn công hạt nhân Los Angeles có được so với đối thủ của Nga là nó đã chinh chiến qua rất nhiều chiến trường khác nhau. Tàu ngầm lớp Los Angeles đã phóng đi hàng trăm tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk tiêu diệt các mục tiêu ở Iraq. Vì vậy, xét về góc độ vũ khí, lợi thế đang nghiêng về tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ.

Khả năng cơ động

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula có tốc độ khi nổi 10 hải lý/h, tốc độ tối đa khi lặn 33 hải lý/h. Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles có tốc độ khi nổi 18 hải lý/h, tốc độ tối đa khi lặn 32 hải lý/h. Khả năng cơ động của hai tàu ngầm này được đánh giá tương đương nhau.

Khả năng tàng hình

Năm 2012, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula đã gây bất ngờ lớn cho giới quân sự Mỹ khi bí mật tiếp cận bờ biển Mỹ trong vịnh Mexico gần 1 tháng mà không bị phát hiện. Cựu đô đốc hải quân Mỹ Jeremy Boorda thừa nhận “Chúng tôi không thể theo dõi tàu ngầm Akula II khi nó di chuyển dưới nước ở tốc độ chiến thuật từ 6-9 hải lý/h”.

Tàu ngầm Akula của Nga(ở dưới) có lợi thế tàng hình tốt hơn tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ(ở trên) ở tốc độ chiến thuật từ 6-9 hải lý/h.

Tàu ngầm Akula của Nga (ở dưới) có lợi thế tàng hình tốt hơn tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ (ở trên) ở tốc độ chiến thuật từ 6-9 hải lý/h.

Norman Polmar, một nhà phân tích hải quân Mỹ nhận xét “Sự xuất hiện của biến thể cải tiến Akula II đã chứng minh rằng các nhà thiết kế tàu ngầm của Nga đã lấp đi khoảng trống về độ ồn khi hoạt động so với Mỹ một cách nhanh chóng, đến cuối những năm 1990, khoảng cách này đã được xóa bỏ”.

Khả năng tàng hình của tàu ngầm Akula được đánh giá tương đương với tàu ngầm lớp Los Angeles, thậm chí với biến thể hiện đại hóa Akula II, khả năng tàng hình còn nhỉnh hơn.

Mặc dù tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula được đánh giá là đã lấp đầy khoảng cách về độ ồn khi hoạt động so với đối thủ trực tiếp của nó là tàu ngầm lớp Los Angeles. Tuy nhiên, tàu ngầm của Nga lại gặp một bất lợi khác về số lượng. Nga chỉ có 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula đang hoạt động so với hạm đội lên đến 41 chiếc lớp Los Angeles của Mỹ.

Sau khi so sánh tất cả các khía cạnh cơ bản, có thể thấy rằng tàu ngầm Los Angeles của Mỹ mạnh về số lượng, dày dạn kinh nghiệm trận mạc, còn tàu ngầm Akula lại là một "bóng ma vô hình" dưới nước.

Hiện tại, tàu ngầm lớp Los Angeles đang dần được thay thế bằng tàu ngầm lớp Virginia, tàu ngầm lớp Akula cũng đã có người kế nhiệm là tàu ngầm lớp Graney (tên tiếng Nga là Yasen). Với những đặc tính mạnh mẽ kế thừa từ các tàu ngầm thế hệ trước, kết hợp với công nghệ tiên tiến, Virginia và Graney hứa hẹn sẽ là một cặp "kỳ phùng địch thủ" nếu có cơ hội đối đầu trong tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại