Tàu ngầm mini Hoàng Sa hướng biển: Không bao giờ mắc cạn

Bảo Hân |

Sau Trường Sa 1, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) lại tiếp tục chế tạo và đưa vào thử nghiệm tàu ngầm mini Hoàng Sa.

Khắc phục mọi yếu điểm của Trường Sa 1

Chia sẻ với Đất Việt, ngày 24/9, ông Hòa cho biết: "Trong lúc chờ đợi nhà nước nghiên cứu tàu Trường Sa 1 để cấp phép, với niềm đam mê và suy nghĩ đất nước vẫn sẽ cần những tàu ngầm mini nên tôi vẫn muốn làm, vẫn muốn chế tạo để cống hiến cho Tổ quốc.

Dù tàu ngầm Trường Sa 1 vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc cấp phép nhưng tôi không quan tâm đến vấn đề này".

Theo ông Hòa, vấn đề quan trọng ở đây, chính là những chiếc tàu ngầm mini này có thể sử dụng cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, khai thác kinh tế của đất nước.

"Tôi làm những gì đất nước đang cần, làm vì đam mê, vì sự yêu nước", ông Hòa nhiệt huyết.

Được biết, để cho ra đời được tàu ngầm mini Hoàng Sa, bản thân ông Hòa cũng phải bỏ ra thời gian hơn 1 năm để nghiên cứu, cùng với một chi phí cũng không hề nhỏ. Ngoài ra, do có nhiều tính năng mới hiện đại nên việc chế tạo cũng có nhiều khó khăn.

Cụ thể tàu ngầm mini mới có nhiều tính năng phức tạp, tiến gần hơn với thực tế của các loại tàu ngầm đang hoạt động hiện nay, đặc biệt, có thể vượt qua bùn, bãi cạn và hoạt động nhiều ngày dưới biển, tiến ra biển không cần thuỷ triều, đi vào khu nước cạn tự vượt ra, như các con tàu nổi bình thường khi di chuyển dưới nước.

Ngoài ra, tàu ngầm có thêm nhiều tính năng hiện đại khác như: liên lạc tầm xa dưới biển nhiều ngày, có gắn hệ thống camera giám sát dưới nước, có hệ thống máy tính dẫn đường, có camera quang học.

Tàu ngầm mới có kích thước tương đương với tàu Trường Sa 1 và được cấu tạo bởi các loại vật liệu tương tự.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa và chiếc tàu ngầm mini Hoàng Sa
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa và chiếc tàu ngầm mini Hoàng Sa

Ông Hòa cho hay:

"Tàu ngầm mini Hoàng Sa, kế thừa những gì hay nhất, tốt nhất của tàu ngầm Trường Sa 1 và bổ sung hàng loạt tính năng mới mà Trường Sa 1 không có, trên cơ sở hoàn thiện hơn, thêm nhiều tính năng cần có của một chiếc tàu ngầm.

Đây là chiếc tàu ngầm đặc biệt, con tàu không bao giờ mắc cạn".

Mất 20 ngày thử nghiệm và hoàn thiện

Chia sẻ thêm về quá trình thử nghiệm của tàu ngầm Hoàng Sa, ông Hòa nói:

"Ngày 24/9, tôi đã tiến hành đưa tàu ngầm vào bể thử nghiệm nước sâu 4m. Nhưng, chắc chắn cũng mất khoảng 20 ngày thì mới có thể hoàn thiện được, vì còn nhiều chi tiết phải chỉnh sửa, cân bằng.

Đây là con tàu mini có nhiều tính năng mới phức tạp, nên thời gian thử nghiệm sẽ dài hơn, sẽ phải kiểm tra các chức năng như liên lạc thủy âm, camera quang học hoạt động ra sao, khả năng vượt cạn thế nào...".

Kết hợp nhiều tính năng vào trong một con tàu, cũng chính là tâm niệm của ông Hòa, đó là cố gắng thiết kế làm sao một chiếc tàu ngầm có thể góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.

Cận cảnh buồng lái của tàu ngầm mini Hoàng Sa
Cận cảnh buồng lái của tàu ngầm mini Hoàng Sa

Ngoài con tàu này và tàu Trường Sa 1, ông Hòa đang hoàn thiện tàu Trường Sa 2, với nhiều đặc điểm vượt trội và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân cũng như được cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, ông Hòa đã chế tạo ra tàu ngầm mini Trường Sa 1, thu hút sự chú ý của dư luận khi thử nghiệm dưới hồ và lặn nhịp nhàng.

Nhiều cơ quan chức năng đã tới tham quan con tàu, như Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, Viện Kỹ thuật hải quân Hải Phòng.

Bản thân ông Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam từng cho biết: "Bản thân tàu ngầm Trường Sa đã phải đắp chiếu nhiều tháng trời và không một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm thử nghiệm.

Hội sẽ cố gắng trong việc xin các giấy phép của các cơ quan hữu trách, cũng như tổ chức an toàn cho các nhà khoa học".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại