Tàu ngầm Ấn Độ "hạ" tàu Mỹ nhờ thiết bị tự chế

Hòa Sơn |

Theo IndiaToday, tàu ngầm Kilo của Hải quân Ấn Độ vừa "đánh chìm" tàu ngầm hạt nhân Mỹ trong diễn tập Hải quân mang tên Malabar 2015.

Theo nguồn tin này, cuộc diễn tập hải quân Malabar 2015 kéo dài 6 ngày trên Ấn Độ Dương, từ 14 - 19/10 với sự tham gia của hải quân Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.

Trong giai đoạn giữa của cuộc diễn tập, Ấn Độ và Mỹ tham gia khoa mục tìm và diệt tàu ngầm của nhau, phía Ấn Độ có tàu ngầm INS Sindhudhvaj (S56) lớp Kilo đời đầu thời Liên Xô (Kilo 877) và phía Mỹ là tàu ngầm tấn công hạt nhân USS City of Corpus Christi (SSN705) thuộc lớp Los Angeles.

Ngay sau khi hai tàu lặn và bắt đầu cuộc dò tìm nhau dưới lòng biển trên vịnh Bengal, trong khi tàu Mỹ đang vất vả tìm kiếm tàu Ấn Độ thì nhận được thông báo buổi diễn tập kết thúc.

Sau đó, các thủy thủ Mỹ được báo cho biết tàu ngầm của họ đã bị phát hiện, định vị và bị 'đánh chìm' bằng ngư lôi 533 mm từ tàu ngầm Kilo của Ấn Độ.

IndiaToday tiết lộ, lý do tàu ngầm Kilo của Ấn Độ phát hiện được tàu ngầm Mỹ nhanh chóng là nhờ vào thiết bị định vị thuỷ âm (sonar) "made in Ấn Độ": máy sonar Ushus mới được lắp đặt.

Một đại diện của Hải quân Ấn Độ tham gia cuộc diễn tập này cho biết: "Quá trình vụ việc diễn ra tàu ngầm Sindhudhvaj ghi nhận được tiếng ồn dưới nước của tàu ngầm hạt nhân Mỹ và nhận dạng nó trước khi khóa mục tiêu cho ngư lôi nhắm bắn. Dĩ nhiên do là một cuộc tập trận nên không có chuyện bắn ngư lôi thực sự”.

Được biết, tiếng ồn dưới nước khi ghi nhận có thể dễ dàng nạp vào trong cơ sở dữ liệu phức tạp mà bất kỳ hải quân nào cũng cố thu thập để phân loại và xác định các tàu ngầm nước ngoài.

Theo thông tin được tiết lộ, sonar Ushus được sản xuất để thay thế cho thế hệ sonar MGK-400.

Hệ thống Sonar này giúp tàu có thể phát hiện tàu địch ở khoảng cách xa hơn gấp 4 lần hệ thống cũ, nhỉnh hơn so với loại sonar trang bị trên tàu ngầm 636MK của Trung Quốc.

Ngoài hệ thống Ushus, tàu Kilo của Ấn Độ tham gia diễn tập còn được trang bị hệ thống thông tin vô tuyến tiên tiến CCS-MK với 2 dải sóng dài và sóng ngắn (khi lặn sử dụng sóng dài, khi nổi dùng sóng ngắn) và thông tin vệ tinh với nhiều chế độ truyền dẫn số liệu khác nhau, cho phép tàu có nhiều sự lựa chọn về mặt thông tin liên lạc.

Trước kết quả của cuộc diễn tập này, đại diện của Hải quân Mỹ thừa nhận việc phát hiện và “khoá” mục tiêu một tàu ngầm hạt nhân Mỹ đã ghi điểm cho tàu ngầm lớp Kilo, cho thấy loại tàu ngầm này xứng danh với biệt danh “hố đen trong lòng đại dương” do NATO định danh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại