Hợp tác phi tác chiến
Ngoài tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon (DDG 93) và tàu cứu hộ USNS Salvor, tham gia chuyến thăm Đà Nẵng và thực hiện các hoạt động trao đổi với Hải quân nhân dân Việt Nam lần này còn có các sĩ quan, thuỷ thủ đoàn thuộc Tư lệnh Lực lượng hậu cần Tây Thái Bình Dương, Tư lệnh của Đơn vị Tham mưu hàng hải; các thành viên và huấn luyện viên quân y của thuỷ quân lục chiến thuộc Đơn vị thuỷ quân lục chiến III, đội lặn, cứu hộ lưu động và ban nhạc Orient Express của hạm đội 7.
Phái đoàn Hoa Kỳ tham dự lễ đón chính thức sẽ được tổ chức tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trưa 21/4 gồm có Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Tom Carney thuộc Lực lượng Hậu cần vùng Tây Thái Bình Dương; Đại tá Paul Schilse thuộc Đơn vị Tham mưu Hàng hải; Hạm trưởng tàu khu trục USS Chung-Hoon và tàu cứu hộ USNS Salvor; và Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Robert Ogburn.
Theo lịch trình, ngay sau lễ đón lúc 11g trưa 21/4 sẽ diễn ra cuộc họp báo ngắn tại cảng Tiên Sa. Sau đó các đại biểu phía Việt Nam và các phóng viên trong và ngoài nước tham dự lễ đón sẽ được mời lên tham quan tàu.
Theo Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, chương trình hợp tác kéo dài trong 5 ngày giữa hải quân hai nước sẽ tập trung vào các sự kiện phi tác chiến và trao đổi chuyên môn trong các lãnh vực điều khiển và bảo trì. Bên cạnh đó là các chuyến tham quan tàu, biểu diễn của ban nhạc Hải quân Hoa Kỳ, các hoạt động cộng đồng và sự kiện thể thao giữa hải quân hai nước... Qua đó nhằm nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Vài nét về tàu khu trục USS Hung-Hoon
Giữa tháng 7/2011, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon từng cùng tàu USS Preble, tàu cứu hộ USNS Safeguard và 680 sĩ quan, thủy thủ đoàn cập cảng Tiên Sa thực hiện chuyến thăm thiện chí Việt Nam và có các hoạt động trao đổi kinh nghiệm chuyên môn của hải quân, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân và tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo.
USS Chung–Hoon là loại tàu khu trục có thể hoạt động độc lập hay trong nhóm tác chiến trong các nhiệm vụ thuần túy trên biển, hoặc hiệp đồng tác chiến với các quân chủng khác (không quân, lục quân). USS Chung–Hoon được vũ trang tên lửa có điều khiển, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng không, chống ngầm và tác chiến chống tàu nổi.
USS Chung–Hoon thuộc lớp USS Arleigh Burke - lớp tàu được đặt tên theo chỉ huy của đội tàu khu trục nổi tiếng nhất của Hải quân Mỹ. Tàu đầu tiên của lớp USS Arleigh Burke được hạ thuỷ vào ngày 4/7/1991. Hiện tại có 57 tàu tương tự như vậy trong Hải quân Hoa Kỳ và có nhiều tàu khác đang được đóng.
Tàu lớp Arleigh Burke được chế tạo toàn bộ bằng thép sử dụng lực đẩy bằng 4 động cơ động cơ LM2500, với tổng công suất 100.000 mã lực, tàu khu trục lớp Arleigh Burke có khả năng đạt tốc độ trên 30 hải lý/ giờ.
Tàu khu trục USS Chung-Hoon được đặt tên theo Đô đốc Gordon Pai’ea Chung-Hoon (sinh ngày 25/7/1910 tại Honolulu, Hawaii). Ông là con trai thứ tư trong năm anh em nhà Chung-Hoon, theo học tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ và tốt nghiệp vào tháng 5/1934.
Đô đốc Chung-Hoon nhận giải thưởng Navy Cross and Silver Star vì lòng dũng cảm và anh hùng khi chỉ huy tàu USS Sigsbee (DD 502) từ tháng 5/1944 đến tháng 10/1945. Vào mùa xuân năm 1945, tàu Sigsbee đã bắn cháy và bị thương 20 máy bay địch khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ hàng không mẫu hạm ngoài khơi đảo Kyushu Nhật Bản.
Ngày 14/4/1945, ngoài khơi đảo Okinawa, một máy bay "kamikaze" lao vào tàu Sigsbee. Bất chấp những thiệt hại, Đô đốc Chung-Hoon, sau này là hạm trưởng, đã bình tĩnh vừa chỉ huy khẩu đội pháo chống trả kéo dài và hiệu quả các cuộc tấn công của đối phương, vừa đôn đốc việc sửa chữa để tàu Sigsbee có thể quay về căn cứ. Đô đốc Chung-Hoon nghỉ hưu năm 1959 và mất năm 1979.
Hải quân Hoa Kỳ nhiều lần thăm Việt Nam
Trong những năm gần đây, Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện thành công nhiều chuyến thăm Việt Nam . Vào năm 2009, tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) lần đầu tiên đã đón tiếp các vị khách Việt Nam lên tham quan tàu. Tháng 11/2009, tiếp tục có USS Blue Ridge (Lcc 19) - tàu tiên phong của Hạm đội 7, và tàu khu trục USS Lassen (DDG 82) do Hạm trưởng Lê Bá Hùng, một người Mỹ gốc Việt chỉ huy đến thăm Việt Nam.
Vào năm 2010, tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) đã đón đoàn cán bộ Việt Nam lên thăm. Trong khi đó, tàu USS John S. McCain (DDG 56) thăm Đà Nẵng. Vào tháng 5/2010, tàu bệnh viện USNS Mercy cũng thăm Việt Nam theo chương trình hỗ trợ nhân đạo đối tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership).
Mới đây nhất, như Infonet đã đưa tin, từ ngày 23 - 27/4/2012, soái hạm USS Blue Ridge (LLC-19) cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chafee (DDG-90), tàu cứu hộ USNS Safeguard (T-ARS-50) và 1.891 sĩ quan, thuỷ thủ của Hạm đội 7 (Hải quân Hoa Kỳ) cũng đã đến Đà Nẵng, tiến hành các hoạt động trao đổi với Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Ngoài các chuyến thăm cảng còn có nhiều tàu của Hải quân Hoa Kỳ vào thực hiện các hoạt động sửa chữa tại các nhà máy đóng và sửa chữa tàu thuyền của Việt Nam. Trong đó, tàu USNS Safeguard (T-ARS 50) đã được sửa chữa tại xưởng sửa chữa tài Sài Gòn vào tháng 8 - 9/2009; tàu USNS Richard E Byrd (T-AKE 4) vào tháng 2 - 3/2010 tại nhà máy đóng tàu Cam Ranh (cảng quốc tế Ba Ngòi, vịnh Vân Phong, Khánh Hoà)...