Tàu chiến nước ngoài liên tiếp đến Việt Nam

Sau cuộc gặp gỡ giữa Obama và Tập Cận Bình, một trong những đồn đoán tập trung vào câu hỏi, liệu các vị đứng đầu hai quốc gia có trách nhiệm cao nhất đã có những thoả thuận bí mật “bất thành văn” nào liên quan đến Biển Đông? Tuy nhiên, với sự xuất hiện liên tiếp của các tàu chiến nước ngoài tại Việt Nam, phần nào cho thấy biển Đông không phải là vật cược của bất cứ cuộc mặc cả nào.

Ngày 7-8/6 vừa qua, cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tổng thống Mỹ, Barack Obama với tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được diễn ra tại khu nghỉ mát biệt lập Sunnylands trong sa mạc ở Nam California. Tổng thống Obama đã cử cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon sang Bắc Kinh để gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với cố vấn Tom Donilon, ông Tập Cận Bình nói rằng: “Quan hệ của Bắc Kinh với Washington đang ở vào một bước ngoặt quan trọng, để dựa vào những thành công trong quá khứ và mở ra những chiều kích mới cho tương lai”. Ông Donilon nói với ông Tập Cận Bình rằng: “Cuộc họp thượng đỉnh này là một cơ hội để hai nhà lãnh đạo thực hiện các cuộc thảo luận cặn kẽ về các mối quan hệ song phương”.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama đã kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn chế ngự truyền thông thế giới. Một trong những đồn đoán tập trung vào câu hỏi, liệu các vị đứng đầu hai quốc gia có trách nhiệm cao nhất đã có những thoả thuận bí mật “bất thành văn” nào liên quan đến Biển Đông?

Thật khó tìm được câu trả lời bằng giấy trắng mực đen về một thoả thuận ngầm như thế, nếu có! Hơn nữa, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên biển Đông diễn ra căng thẳng, từ đầu năm đến nay, các tàu chiến nước ngoài liên tiếp ghé thăm Việt Nam, điều đó càng cho thấy rằng biển Đông không phải vật cược của bất cứ thỏa thuận ngầm nào.

Vào ngày 18-21/6 tới đây, hai chiến hạm của Hải quân Pháp là tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre cùng tàu hộ tống Georges Leygues sẽ ghé thăm Việt Nam.

Tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre sẽ cập cảng tại Vũng Tàu do quá lớn không thể vào TP HCM.
Tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre sẽ cập cảng tại Vũng Tàu do quá lớn không thể vào TP HCM.

Do quá khổ nên tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre của thuyền trưởng - đại tá Jean-François Quérat không thể cập cảng TP.HCM mà sẽ vào cảng kỹ thuật tại Vũng Tàu. Còn tàu hộ tống chống ngầm Georges Leygues do trung tá Romuald Bomont chỉ huy sẽ thực hiện chuyến thăm xã giao tới TP HCM.

Tàu chỉ huy Tonnerre là chiến hạm ưu tú của Hải quân quốc gia Pháp. Đây là một trong 3 tàu đổ bộ tấn công hiện đại hàng đầu châu Âu và thế giới hiện nay. Con tàu thuộc lớp Mistral do hãng đóng tàu DCNS Pháp thiết kế chế tạo (đơn giá mỗi tàu 420 - 600 triệu USD).

Tàu Tonnerre có lượng giãn nước toàn tải 21.300 tấn, dài 199 m, rộng 32 m và mớn nước 6,3 m. Có kích cỡ khổng lồ nhưng việc vận hành chỉ cần khoảng 160 người, trong đó có 20 sĩ quan. Tàu có khả năng chở 16 trực thăng hạng nặng hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ (trực thăng vận tải, chiến đấu).

Ngoài khả năng chở máy bay, Tonnerre có thể chở số lượng lớn binh lính, phương tiện cơ giới bọc thép, phương tiện đổ bộ dưới khoang đáy tàu. Khi thực hiện hoạt động đổ bộ, các phương tiện sẽ di chuyển ra ngoài bằng cửa đuôi.

Chuyến thăm của hai tàu chiến Pháp diễn ra chỉ ít ngày sau khi 4 tàu chiến của Ấn Độ mang theo 1.200 sĩ quan và thủy thủ đến Việt Nam.

Theo tờ The Telegraph của Ấn Độ, việc hải quân nước này cử 4 tàu chiến đến cập cảng Tiên Sa của Việt Nam chính là một thông điệp ngầm nhắc nhở Trung Quốc rằng “Biển Đông không phải là ao nhà của họ”.

Chiến hạm INS Ranvijay của Ấn Độ neo đậu tại cảng Tiên Sa - Đà Nẵng.
Chiến hạm INS Ranvijay của Ấn Độ neo đậu tại cảng Tiên Sa - Đà Nẵng.

Phát biểu trước báo giới, Chuẩn đô đốc Ajit Kumar P - Tư lệnh Hạm đội Miền Đông cho biết: “Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc tập trận quy mô với lực lượng Hải quân Malaysia và sau khi thăm Việt Nam, điểm đến của chúng tôi sẽ là Manila (Philipphines). Ngày 8/6, trước khi rời Đà Nẵng, chúng tôi sẽ có một cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn quy mô nhỏ với Hải quân Việt Nam. Trong tương lai, tôi hy vọng Hải quân hai nước sẽ có những cuộc tập trân quy mô để tăng cường chuyên môn, sự giao lưu học hỏi giữa hải quân hai nước”.

Nói về quan điểm tranh chấp trên biển Đông, Chuẩn Đô đốc Ajit Kumar P cho rằng, các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế về biển Đông và hy vọng sẽ giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình.

Từ ngày 27/5 - 1/6, tuần dương hạm Pháp L’Adroit do Trung tá hải quân Luc Regnier chỉ huy đã thực hiện một chuyến thăm thành phố Hải Phòng.

Là mẫu tàu thử nghiệm thuộc lớp Gowind OPV (pour Offshore Patrol Vessel), L’Adroit là một tàu tuần tra do hãng DCNS thiết kế và được dành cho Hải quân quốc gia Pháp.

Tuần dương hạm Pháp L’Adroit tới Việt Nam.
Tuần dương hạm Pháp L’Adroit tới Việt Nam.

Trong đợt làm nhiệm vụ này, con tàu chủ yếu hoạt động tại vùng biển Ấn Độ Dương trong khuôn khổ các hoạt động phòng chống cướp biển và tuần tra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Pháp tại Ấn Độ Dương. Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài chuyến thăm thành phố cảng Hải Phòng, tuần dương hạm Pháp L’Adroit còn tới thăm Singapore và Jakarta.

Cuối tháng 4/2013, tàu hải quân New Zealand HMNZS Te Mana cùng 25 sĩ quan và 102 thủy thủ cũng cập cảng tại TP.HCM trong chuyến thăm hữu nghị ở Việt Nam.

"Các chuyến thăm thường kỳ của tàu hải quân hoàng gia New Zealand là một trong những hoạt động hợp tác quốc phòng thường xuyên giữa hai quốc gia", Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning cho biết. "Những chuyến thăm này nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng tích cực giữa New Zealand và Việt Nam. Điều này đã được Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị khẳng định lại một lần nữa trong chuyến thăm New Zealand tháng 3/2013".

Chuyến thăm của tàu HMNZS Te Mana là chuyến thăm thứ năm của tàu hải quân New Zealand tới Việt Nam. Lần gần đây nhất là vào năm 2011.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại