Chiếc tàu buồm huấn luyện đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam mang tên Lê Quý Đôn sẽ được công ty đóng tàu tư nhân Marine Projects (Ba Lan) bàn giao trong tháng 8/2015.
Hình ảnh tàu buồm Lê Quý Đôn tại nhà máy đóng tàu Marine Projects hôm 9/7/2015
Theo đó, con tàu được đặt theo tên nhà bác học Lê Quý Đôn do công ty kỹ thuật tàu thủy Choren Design & Consulting, Ba Lan thiết kế, khởi đóng tại nhà máy Marine Projects vào ngày 2/7/2014, hạ thủy ngày 1/6/2015 và dự kiến sẽ biên chế cho Học viện Hải quân ở Nha Trang.
Thiết kế của tàu buồm Lê Quý Đôn
Tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn có chiều dài tổng thể 67 m (trong đó chiều dài phần thân tàu là 58,3 m); rộng 10 m; chiều cao mạn lớn nhất 5,75 m; mớn nước 3,6 m; lượng giãn nước đầy tải 857 tấn; thủy thủ đoàn gồm 30 người cùng 80 học viên.
Tàu có 3 cột buồm lớn với chiều cao lên đến 40 m, diện tích các cánh buồm là 1.400 m2. Vũ khí trang bị trên tàu Lê Quý Đôn gồm 4 súng máy hạng nặng WKM-Bm cỡ nòng 12,7 mm (phiên bản NSV do Ba Lan chế tạo sử dụng cỡ đạn 12,7 x 99 mm chuẩn NATO).
Hiện nay trong biên chế hải quân nhiều quốc gia trên thế giới đã có tàu buồm, những con tàu này có thể đóng vai trò biểu tượng của lịch sử, thực hiện các cuộc viếng thăm hay phổ biến nhất là làm nhiệm vụ huấn luyện.
Tại khu vực Đông Nam Á thì hải quân một số nước như Indonesia, Malaysia... đã sở hữu tàu buồm từ lâu. Tuy không có vai trò trong tác chiến nhưng việc sử dụng loại tàu này cho công tác huấn luyện đang dần trở thành tiêu chuẩn chung của hải quân.
Để làm chủ được những con tàu hiện đại với hệ thống máy móc, thiết bị phức tạp thì việc đầu tiên của người lính hải quân vẫn là phải nắm vững những nguyên tắc đi biển căn bản nhất, đó chính là tác dụng huấn luyện của tàu buồm.
Việc tàu buồm Lê Quý Đôn được biên chế tại Học viện Hải quân Nha Trang cho thấy các lớp học viên sau này sẽ được huấn luyện và thực hành những phương pháp đi biển, định hướng,... căn bản nhất.
Sử dụng tàu buồm thay vì tàu có động cơ cũng giúp giảm chi phí trong quá trình huấn luyện, đồng thời tăng sức chịu đựng trước điều kiện môi trường khắc nghiệt cho học viên.