Su-30MK2 Việt Nam huấn luyện cất hạ cánh trên đường cao tốc?

Bình Nguyên |

Một trong những khoa mục khó đối với phi công Su-27/30 Việt Nam là cất, hạ cánh trên đường băng ngắn, hẹp, sân bay dự bị như đường cao tốc, quốc lộ lưỡng dụng.

Việt Nam đã chuẩn bị...

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang rộ lên trào lưu huấn luyện và diễn tập cho lực lượng không quân cất, hạ cánh trên đường cao tốc, đường quốc lộ. Kể cả những nước có nền quốc phòng hàng đầu thế giới như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… cũng cuốn theo chiều hướng này.

Với những quốc gia và vùng lãnh thổ mà tiềm lực quân sự có hạn như Thụy Điển, Belarus hay Đài Loan thì điều này càng có ý nghĩa vì trong chiến tranh, các sân bay, căn cứ của họ sẽ sớm bị đối phương tiến công và phá hủy.

Do vậy, việc sơ tán lực lượng không quân tới sân bay dự bị hay đơn giản là tận dụng đường cao tốc, quốc lộ để làm sân bay dã chiến cho không quân hoạt động là hết sức cần thiết. Đồng thời, việc tập luyện, huấn luyện phi công làm quen với điều kiện tác chiến như vậy là yêu cầu bắt buộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm, kiểm tra tiến độ thi công đường đôi, sân bay lưỡng dụng S1 (thuộc địa phận xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai)

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm, kiểm tra tiến độ thi công đường đôi, sân bay lưỡng dụng S1 (thuộc địa phận xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thuộc tuyến đường Trường Sơn Đông. Ảnh: Báo Gia Lai

Việc tập dượt chuẩn bị cho chiến tranh là điều bình thường của mọi quốc gia, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ và đã có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Cụ thể:

- Đã xây dựng nhiều đoạn đường lưỡng dụng: Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, mạng lưới đường giao thông, đặc biệt là đường cao tốc Việt Nam đang ngày càng được mở rộng, nhiều đoạn đủ đảm bảo cho máy bay quân sự cất, hạ cánh.

Thậm chí, nhiều đoạn quốc lộ cũng được thiết kế, thi công mang tính lưỡng dụng kết hợp cả dân sự lẫn quân sự.

- Huấn luyện thường xuyên: Quân chủng PK - KQ cũng chỉ đạo các đơn vị không quân chiến đấu huấn luyện khoa mục cất, hạ cánh trên đường băng ngắn, hẹp, sân bay dự bị… trong mọi điều kiện thời tiết.

Đây là tiền đề để phi công có thể ứng dụng trong thực tế chiến đấu, khi sân bay, căn cứ bị địch đánh phá.

Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng PK - KQ khẳng định, lực lượng không quân sẽ chú trọng huấn luyện khoa mục này:

tư lệnh quân chủng pk - kq
trung tướng phương minh hòa
Tập trung huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ cho phi công trong mọi điều kiện thời tiết ngày, đêm, trên đất liền, trên biển; huấn luyện bắn mục tiêu trên không, trên biển, mặt đất, bay biển, đảo xa, bay đêm, cất, hạ cánh đường băng ngắn, hẹp... Đồng thời, ưu tiên huấn luyện phi công mũi nhọn cho từng nhiệm vụ, phi công mới, chuyển loại và đào tạo giáo viên bay, diễn tập hiệp đồng với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển. Chú trọng huấn luyện chuyển loại máy bay họ Su thế hệ mới

…nhưng chưa thực hành cất, hạ cánh trên đường cao tốc

Mặc dù đã có sự chuẩn bị cả về điều kiện cơ sở vật chất cũng như huấn luyện phi công cất, hạ cánh đường băng ngắn, hẹp tại sân bay căn cứ nhưng chưa thực sự huấn luyện trên đường cao tốc hay đường quốc lộ. Nguyên nhân có thể là do:

Thứ nhất, chưa thật sự cấp bách. Với tình hình kinh tế, chính trị tương đối ổn định, nhất là với đường lối ngoại giao đúng đắn, nguy cơ xảy ra chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với Việt Nam đã được giảm thiểu rất nhiều.

Do vậy, việc huấn luyện thực hành cất, hạ cánh trên đường cao tốc, đường quốc lộ trong bối cảnh hiện nay là không cần thiết.

Thứ hai, đã huấn luyện thường xuyên trong điều kiện tương tự. Các trung đoàn không quân như 923, 925, 935, trang bị Su-27/30 hiện đại đều coi trọng huấn luyện khoa mục cất, hạ cánh đường băng ngắn, hẹp cho các phi công trong đơn vị.

Trong đó, đường lăn nhỏ, hẹp được ưu tiên sử dụng thường xuyên thay cho những đoạn đường quốc lộ.

Bên cạnh đó, hệ thống huấn luyện mô phỏng cho phép phi công thực hiện những bài bay khó đến giới hạn cao nhất của máy bay, kể cả những bài bay cất, hạ cánh trên đường cao tốc, đường quốc lộ với điều kiện giả định như thật.

Thứ ba, ngăn đường sẽ ảnh hưởng lớn tới dân sinh. Mạng đường giao thông Việt Nam chưa đủ lớn, với nhiều tuyến hướng đan xen mà chủ yếu là đường độc đạo, nếu ngăn đường sẽ khiến hàng nghìn phương tiện bị tác động. Do vậy, chỉ khi thật cần thiết thì mới tiến hành.

Su-30MK2 thuộc Trung đoàn 923 thực hành huấn luyện cất, hạ cánh trên đường băng ngắn, hẹp

Su-30MK2 thuộc Trung đoàn 923 thực hành huấn luyện cất, hạ cánh trên đường băng ngắn, hẹp. Ảnh: Quân đội nhân dân

Chiến tranh tương lai thường có quy mô lớn, cường độ cao, kẻ địch sẽ sử dụng tối đa phương tiện và vũ khí công nghệ cao với những phương thức và thủ đoạn tác chiến mới.

Do vậy, việc phòng tránh, đánh trả cực kỳ quan trọng nhất là với lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam, trong đó có lực lượng không quân tiêm kích.

Dù chưa “làm thật” tại thực địa, nhưng các đơn vị không quân đều đã huấn luyện chu đáo khoa mục cất hạ cánh trên đường bằng ngắn hẹp tương tự như trên đường cao tốc hay quốc lộ.

Đảm bảo thực hiện chủ trương “chỉ có phòng tránh tốt mới tạo điều kiện để đánh trả có hiệu quả”, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại