Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, tác chiến đường không trở thành đòn tiến công chủ yếu có thể làm thay đổi so sánh lực lượng và làm đảo lộn thế trận của đối phương.
Chính vì vậy, đối với tất cả các quốc gia, muốn bảo vệ vững chắc bầu trời thì việc xây dựng lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ) mạnh là một việc làm tất yếu.
Ở nước ta, trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội PK-KQ đã được xây dựng và không ngừng lớn mạnh.
Nghệ thuật tác chiến phòng không của bộ đội ta được hình thành từ trong kháng chiến chống Pháp và phát triển không ngừng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đỉnh cao là chiến dịch 12 ngày đêm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận của không lực Hoa Kỳ, tháng 12 năm 1972.
Bộ đội tên lửa Trung đoàn 238, Sư đoàn Phòng không 363 luyện tập các thao tác chuẩn bị chiến đấu. Ảnh: LÊ DUY HỒNG
Giành chiến thắng trước lực lượng không quân nhà nghề, được trang bị hiện đại, có sự hỗ trợ tích cực của công nghệ tiên tiến là cả một sự nỗ lực tột bậc, sự dũng cảm và sáng tạo vô song của quân và dân ta nói chung, của Bộ đội PK-KQ nói riêng.
Để có được chiến thắng ấy, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã có sự chuẩn bị mang tính chiến lược.
Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng PK-KQ trên cơ sở hợp nhất Bộ tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.
Quân chủng PK-KQ ra đời là bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của quân đội ta.
Ngay từ cuối năm 1964, khi tuyên dương công trạng Bộ đội PK-KQ và Hải quân đánh thắng trận đầu ngày 5-8-1964, Bác Hồ đã nhắc nhở:
“Các chú đã thu được thắng lợi vẻ vang nhưng chớ vì thắng lợi mà tự mãn, chủ quan khinh địch. Chúng ta phải biết rằng đế quốc Mỹ và tay sai chết thì chết, nết không chừa”.
Sự nhìn nhận đúng đắn về bản chất, âm mưu của đế quốc Mỹ đã giúp ta có những giải pháp đúng đắn trong việc xây dựng, tổ chức lực lượng PK-KQ bảo vệ bầu trời miền Bắc.
Từ chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 19-5-1965, hai sư đoàn phòng không được thành lập trên cơ sở các trung đoàn tên lửa, pháo cao xạ, ra-đa, đó là Sư đoàn 361 (Đoàn Phòng không Hà Nội) và Sư đoàn 363 (Đoàn Phòng không Hải Phòng).
Việc thành lập hai sư đoàn phòng không cùng một lúc chứng tỏ quyết tâm rất lớn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương trong việc quyết đánh bại không quân Mỹ khi chúng xâm phạm bầu trời miền Bắc.
Thực tế đã chứng minh, hai sư đoàn này đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng khác đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, góp phần cùng các lực lượng khác tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển nên tác chiến đường không đã có những thay đổi lớn cả về hình thức và phương pháp.
Phạm vi chiến trường đã thay đổi từ giới hạn đến không giới hạn về không gian, thời gian. Cường độ tác chiến trở nên ác liệt, thủ đoạn tinh vi hơn bao giờ hết. Vì vậy, để đánh thắng đối phương đòi hỏi Bộ đội PK-KQ phải không ngừng tiến lên chính quy, hiện đại.
Hiện nay, Quân chủng PK-KQ đã được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Cùng với những trang bị, vũ khí mới, cơ cấu, tổ chức của Bộ đội PK-KQ cũng cần phải được tổ chức lại cho phù hợp với điều kiện tác chiến mới.
Hiện nay, Đảng ủy-Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đang lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị rà soát lực lượng, cơ cấu tổ chức, trên cơ sở đó tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc tổ chức thế trận phòng không trên địa bàn toàn quốc.
Bảo đảm cho thế trận phòng không luôn phù hợp với thế trận chiến tranh nhân dân và khu vực phòng thủ của các địa phương. Mục đích cao nhất là có thể đánh thắng đối phương trên không ngay từ trận đầu, bảo vệ vững chắc các mục tiêu đảm nhiệm.
Để làm chủ vũ khí trang bị hiện đại, sử dụng nó hiệu quả trong tác chiến, quân chủng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác chỉ huy tham mưu, bảo đảm vũ khí trang bị.
Cho đến nay các đơn vị trong quân chủng đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến có giá trị được ứng dụng vào thực tiễn huấn luyện SSCĐ.
Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã góp phần tích cực vào việc hiện đại hóa vũ khí trang bị, cải thiện phương pháp tác chiến, giúp các đơn vị không ngừng nâng cao tính chủ động trong quan sát, phát hiện, có thể tiêu diệt mục tiêu từ xa.
Trong công tác huấn luyện bộ đội, quân chủng chỉ đạo các đơn vị phải tăng cường huấn luyện nâng cao khả năng cơ động của các đơn vị. Sự sống còn của lực lượng PK-KQ sẽ quyết định kết quả các trận đánh cụ thể.
Do đó việc đánh thắng đối phương và bảo toàn được lực lượng là những ưu tiên mà mọi đơn vị PK-KQ đều phải hướng tới.
Để có thể thực hiện ý định trên, những bài học chắt lọc từ trong chiến tranh về cơ động lực lượng, về sử dụng hỏa lực, về bố trí thế trận, đội hình, nghi binh lừa địch... đã được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị thuộc quân chủng.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp tác chiến truyền thống với phương pháp tác chiến hiện đại là giải pháp tốt để Bộ đội PK-KQ có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc là trọng trách của Bộ đội PK-KQ nói riêng và toàn quân nói chung, trong đó Bộ đội PK-KQ làm nòng cốt.
Từ nhận thức này, Quân chủng PK-KQ tiếp tục giáo dục, rèn luyện, nhằm không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ cho bộ đội.
Bảo đảm cho Bộ đội PK-KQ luôn làm chủ trang bị, khí tài, có phương pháp tác chiến khoa học, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác, sẵn sàng đánh thắng đối phương trong mọi điều kiện, thời điểm.
>>> Cách Thụy Điển đuổi "tàu ngầm Nga": Đi lối này nếu bạn là Gay!