Ấn Độ phát triển Nirbhay trên 4 phương tiện phóng
Theo tin của Mạng thông tin khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc, tên lửa hành trình tầm xa tốc độ dưới âm Nirbhay của Ấn Độ sẽ được lắp ráp động cơ tên lửa thể tích nhỏ do Tổ chức nghiên cứu, phát triển động cơ tuabin khí Ấn Độ (GTRE) nghiên cứu phát triển.
Theo thông tin của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), GTRE đang tiến hành thử nghiệm mặt đất đối với loại động cơ tên lửa hành trình vẫn chưa được đặt tên này. Hiện các tham số tính năng của nó vẫn chưa được công khai nên không nắm rõ được.
GTRE có trụ sở đặt tại thành phố Bangalore, chính là nhà sản xuất động cơ phản lực “Kaveri I” dùng trên máy bay chiến đấu hạng nhẹ quốc nội là Tejas của Ấn Độ.
Tuy nhiên do lực đẩy không đủ nên Tejas đã được biên chế trong không quân Ấn Độ mà động cơ Kaveri thì còn chưa được nghiệm thu.
Hiện không quân Ấn Độ đang phải mua động cơ General Electric F404-GE-IN20 của Mỹ để lắp ráp trên các máy bay này. Còn GTRE tiếp tục vẫn tiếp tục phải khắc phục các khiếm khuyết để hoàn thiện loại động cơ này.
Về ngoại hình và chức năng, Nirbhay hoàn toàn tương đồng với loại tên lửa Tomahawk.
Đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,5 m, chiều dài tên lửa 6 m, trọng lượng phóng 1000 kg, sử dụng động cơ phản lực xung áp thể tích nhỏ (động cơ ramjet) với tốc độ khoảng 0,7 Mach, tầm bắn tối đa 1500 km.
Tháng 10-2014, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ DRDO đã thử nghiệm thành công phiên bản phóng từ xe cơ động của loại tên lửa này, kết quả là toàn bộ các tham số, tính năng của nó đều đạt được những chỉ tiêu đã đề ra.
Sau cuộc thử nghiệm thành công vào tháng 10-2014, Tướng Avinash Chander - người đứng đầu DRDO, kiêm cố vấn cho Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã hào hứng tuyên bố:
“Ấn Độ đang phát triển phiên bản tên lửa hành trình Nirbhay cho cả 4 lực lượng hải, lục, không quân và tàu ngầm”.
Trong đó phiên bản thứ nhất của nó là tên lửa tấn công mặt đất phóng từ các bệ phóng cơ động sẽ được bàn giao trong vòng 3 năm tới.
Hiện nay, các phiên bản hành trình chống hạm tầm xa, có khả năng diệt tàu sân bay của loại tên lửa này cũng đang được các cơ cấu quốc phòng Ấn Độ nỗ lực phát triển.
Trước đây, phiên bản Nirbhay của lục quân Ấn Độ đã thất bại trong lần phóng thử đầu tiên vào tháng 3-2013, sau khi rời bệ phóng không lâu, tên lửa đã bay chệch quỹ đạo đã định.
Tuy nhiên, sau thời gian hiệu chỉnh, loại tên lửa này đã đạt được những thành tựu nhất định.
Ngoài phiên bản lục quân ra, hiện Ấn Độ đã phát triển phiên bản tên lửa hành trình Nirbhay cho hải quân.
Tức là nó có thể phóng từ các tàu mặt nước hạng nặng của Ấn Độ như các khu trục hạm lớp Kolkata hay các tàu ngầm hạt nhân tương lai của nước này.
Các chuyên gia quân sự cho biết, loại tên lửa này có thể tích nhỏ, trọng lượng nhẹ, khả năng tàng hình cao, tính năng cơ động tốt nên không dễ để phát hiện và đánh chặn.
Với năng lực xuyên phá mạnh, độ chính xác cao, tầm bắn xa, triển khai linh hoạt trên nhiều bệ phóng, nó sẽ trở thành một loại tên lửa tấn công mạnh nhất trong tương lai.
Những ưu điểm nổi trội của tên lửa hành trình Nirbhay
Trong một bài viết của mình, trang mạng “Missile threat” ca ngợi loại tên lửa hành trình thế hệ mới nhất của lục quân Ấn Độ là Nirbhay có những ưu điểm lớn so với các loại tên lửa khác, trong tương lai nhất định sẽ thành công và có một tương lai tươi sáng.
Nirbhay là loại tên lửa hành trình tốc độ cận âm, áp dụng mô hình sau khi bay lên theo chế độ phóng tên lửa, nó khởi động chế độ bay kiểu máy bay, khác hẳn so với các loại tên lửa đạn đạo như Agni vì được thiết kế cánh thân tên lửa và cánh đuôi.
Sau khi tên lửa phóng đi, tầng động cơ đẩy tách ra, rơi xuống, các cánh của tên lửa bắt đầu hoạt động. Lúc đó, một động cơ turbine khí bắt đầu hoạt động, hoàn toàn áp dụng chế độ máy bay, khiến nó có tính năng cơ động cao.
Một vụ phóng thử tên lửa hành trình Nirbhay của Ấn Độ
Tên lửa được tích hợp hệ thống kiểm soát kiểu bắn - quên, có khả năng chống nhiễu rất mạnh, sau khi bắn tên lửa không cần điều khiển nữa mà có khả năng tự động bay đến mục tiêu.
Nó có tầm bay thấp khoảng 10m, có thể men theo các rặng cây, làm giảm khả năng phát hiện của radar.
Quan trọng nhất là tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, tấn công mục tiêu phạm vi khoảng 1500 km.
Điều này giúp lục quân Ấn Độ có khả năng tấn công thọc sâu vào lãnh thổ của đối phương, vượt trội loại tên lửa tấn công mặt đất Babur của Pakistan, có tầm bắn từ 700 đến 1.000 km.
Loại tên lửa này có thể được lắp đặt trên nhiều phương tiện phóng với nhiều tầm bắn khác nhau, có khả năng bắn đồng loạt, thậm chí phóng ngay cả trong khi đang cơ động.
Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa có thể ngoặt, xoay tròn, đổi hướng tấn công mục tiêu từ mọi góc độ.
Tên lửa Nirbhay chính là đối trọng của tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ với 4 phương tiện phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm, trên mặt đất và từ máy bay ném bom, với 2 phiên bản là chống hạm tầm xa và tấn công mặt đất.
Hiện Ấn Độ trang bị rất nhiều loại tên lửa chiến thuật nhưng mới chỉ có Nirbhay là loại tên lửa hành trình đầu tiên.
Tất cả các nhà khoa học của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), đang tập trung phát triển Nirbhay nên chắc chắn sẽ tập trung được những thành tựu kỹ thuật tiên tiến nhất.
Với khả năng tấn công đối đất và tấn công tàu chiến cỡ lớn trên biển tầm xa, khi lắp đặt đầu đạn hạt nhân (có khả năng mang 24 loại đầu đạn hạt nhân khác nhau) thì loại tên lửa này sẽ trở thành một thành viên trong bộ 3 tấn công hạt nhân “tam vị nhất thể”của Ấn Độ.
Nếu nước này triển khai loại tên lửa này trên biên giới, nó sẽ bao trùm toàn bộ dải biên cương với Pakistan và khu vực biên giới Trung Quốc, từ Thành Đô - Lan Châu, cho đến Côn Minh, trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các quốc gia có tranh chấp biên giới, lãnh thổ.