Ngày 28/8/1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1069/QĐ-BQP, thành lập Cục Cảnh sát biển và giao cho Tư lệnh Hải quân giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động. (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ)
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung đã trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng CSB Việt Nam. Tiếp đó, đại diện Văn phòng Bộ Quốc phòng đã công bố Nghị định số 96/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ. Theo đó, Cục CSB Việt Nam được đổi tên thành Bộ tư lệnh CSB. (Trong ảnh: Thượng tướng Nguyễn Thành Cung gắn Huân chương Chiến công hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng của CSB Việt Nam)
Việc ra đời Cục CSB có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển một lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt trong quản lý an ninh trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. (Trong ảnh: Trong buồng điều khiển, chỉ huy của một tàu CSB hiện đại mới được đưa vào sử dụng)
Đến ngày 15/9/2008, Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 2818/QĐ-BQP, bàn giao Cục CSB từ Quân chủng Hải quân về trực thuộc Bộ Quốc phòng, tạo điều kiện cho CSB Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với tổ chức lực lượng cảnh sát biển, phòng vệ biển của các nước trong khu vực và thế giới.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, CSB Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, nổi bật là khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng hoàn thiện; có đủ điều kiện để tuần tra, kiểm soát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; có thể hợp tác tìm kiếm cứu nạn ở các vùng biển xa; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn. (Trong ảnh: CSB Việt Nam được trang bị hiện đại đủ sức đối đầu với cướp biển và tội phạm có vũ trang trên biển)
Trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, CSB đã bắt giữ và xử lý 202 vụ vi phạm, khởi tố 22 vụ hình sự, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 180 vụ, thu giữ nhiều tang vật có giá trị; phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành điều tra, khám phá 773 chuyên án, vụ án về ma túy, bắt giữ 1.458 đối tượng...
Với những thành tích đạt được trong 15 năm qua, CSB Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 2 Huân chương Chiến công hạng Ba; 3 năm được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn và bảo vệ môi trường biển, đảo sẽ tiếp tục đặt ra những nội dung, yêu cầu mới cao hơn và nặng nề hơn. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam phải luôn xác định rõ vị trí, ý nghĩa của biển, đảo; phải làm hết sức mình để vừa giữ vững được chủ quyền, vừa giữ vững được môi trường hoà bình, ổn định trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. (Trong ảnh: Tàu CSB diễn tập)
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung yêu cầu, CSB Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, cơ động và linh hoạt, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ; coi trọng và tập trung xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp huấn luyện, đào tạo.
Hiện tại CSB Việt Nam đã có trên 60 tàu, xuồng các loại, trong đó có nhiều trang thiết bị hiện đại như: Tàu TT-200, Tàu TKCN 3500 CV, Tàu TT-400, Tàu đa năng DN-2000. CSB Việt Nam cũng mới tiếp nhận các tàu chuyển nhượng từ Bộ Tư lệnh CSB Hàn Quốc. Đặc biệt, với máy bay CASA 212-400 đi kèm thiết bị radar hiện đại MS-6000, CSB Việt Nam dần làm chủ vùng biển, đồng thời tiếp tục được xây dựng, phát triển lớn mạnh để hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề được giao. (Trong ảnh: Tàu cứu hộ của CSB thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ra khơi vào những ngày bão gió để bảo vệ ngư dân)
Ngày 26/8 vừa qua, CSB Việt Nam đã tiếp nhận 3 tàu mới, bao gồm: tàu CSB 8003, CSB 2015, CSB 2016. Ngay sau Lễ bàn giao, ba chiếc tàu CSB đã tiến hành chạy thử nghiệm trên biển. Lần thử nghiệm này đúng vào lúc “siêu bão” số 7 gây ảnh hưởng lớn đến khu vực Vịnh Bắc Bộ. Sau chuyến thử nghiệm, các tàu đều về bến an toàn, kết quả nghiệm thu tốt. Chuyến đi trong bão ấy cũng cho thấy tính ổn định của tàu rất tốt trong điều kiện sóng lớn.
Công nhân kỹ thuật thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra trang thiết bị vũ khí trên tàu CSB
CSB Việt Nam có 3 máy bay tuần thám CASA. Những chiếc máy bay tuần thám đầu tiên được đưa vào sử dụng đã thực hiện nhiệm vụ bay biển.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: quansu@soha.vn. Trân trọng!