Su-30 Việt Nam và nhiệm vụ phòng không trên biển Đông
Trong thời gian gần đây, Không quân Việt Nam liên tục được trang bị các loại máy bay hiện đại bao gồm Su-30MK2 và Su-30MK2V. Các loại máy bay này được thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ tác chiến trên biển nhiệt đới, có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển bằng vũ khí chính xác cao. Máy bay trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực, thiết bị điện tử cực kỳ hiện đại, buồng lái tiện nghi với màn hình màu tinh thể lỏng.
Su-30MK2 Việt Nam tuần tra trên biển
Không phải chạy theo thời thượng mà Việt Nam mua sắm nhiều máy bay Su-30MK2, Su-30MK2V như vậy. Đây đều là những bước đi có tính toán của Việt Nam. Không đầu tư quá tốn kém vào hệ thống phòng không tầm xa trên chiến hạm. Việt Nam tận dụng ngay lợi thế địa lý của mình đối với biển Đông để tạo ra lưới lửa phòng không trên biển theo cách riêng.
Khoảng cách từ bờ đến vùng biển cần bảo vệ đều không quá xa, đảo xa nhất ở Trường Sa tính từ bờ là 600 km. Với khoảng cách này thì các máy bay của Việt Nam có thể cơ động đến mọi vùng chiến sự trên biển Đông một cách tức thời và có khoảng thời gian đủ dài để tác chiến. Theo tính toán, máy bay Su-30MK2 của Việt Nam khi mang đầy đủ vũ khí, bay từ đất liền ra quần đảo Trường Sa có thời gian tác chiến là 45 phút sau đó bay về mà không cần tiếp nhiên liệu.
Việt Nam chắc hẳn đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hạm đội tàu chiến của các nước có liên quan đến biển Đông. Với hệ thống hỏa lực phòng không tầm xa đến gần khá mạnh của đối phương. Khi tác chiến trên biển Đông hai nhiệm vụ phòng không đặt ra cho lực lượng không quân của Việt Nam là:
Một là giành được ưu thế trên không, không để các máy bay đối phương chế áp tiêu diệt lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm và các căn cứ hải quân của mình.
Hai là phải tránh được hỏa lực phòng không của đối phương, nhất là các hỏa lực phòng không tầm xa, tầm trung trên các lớp tàu Lữ Dương 052C, Giang Khải 054...
Lan Châu 170 với hệ thống phòng không tầm xa HHQ-9 gồm 48 quả trong bệ phóng thẳng đứng, tầm bắn 200km, độ cao tối đa 30km
Giang Khải 054A với hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp đến trung HHQ-16 gồm 32 tên lửa, có tầm bắn 50 km, độ cao 30 km.
J-20 được Trung Quốc mệnh danh là thế hệ máy bay thứ 5, tầm bay 2000 km
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ như vậy nên các máy bay Việt Nam sẽ phải được trang bị các tên lửa đối không tầm xa. Với tên lửa loại này, cùng sự cơ động của máy bay mang chúng, vùng hỏa lực phòng không có thể bao quát toàn bộ bầu trời biển Đông. Lúc đó, các chiến đấu cơ Su-30 Việt Nam có thể chế áp được máy bay đối phương mà vẫn giữ được an toàn trước hệ thống phòng không trên chiến hạm của đối phương do không phải đi vào vùng hỏa lực. Loại tên lửa phòng không tầm xa đã được Việt Nam lựa chọn và được công khai gần nhất là R-27 đã gây được sự chú ý đặc biệt.
Bên cạnh nhiệm vụ phòng không thì lực lượng Không quân Hải quân còn đảm nhận nhiệm vụ tiêu diệt đội hình tàu mặt nước, tàu ngầm của đối phương. Có thể nhận thấy điều này bằng khi Việt Nam trang bị các tên lửa diệt hạm Kh-31P cho các máy bay Su-30MK2. Với tên lửa này lực lượng Không quân sẽ còn có thêm những đòn đánh uy lực từ trên cao tiêu diệt đội hình tàu chiến đối phương.
Tên lửa đối không R-27: "Sát thủ" tầm xa
Tên lửa không đối không tầm trung đến xa R-27 (tên NATO là AA-10 Alamo) được nghiên cứu và chế tạo để trang bị cho MiG-29, Su-27, hai loại tiêm kích tấn công chủ lực của quân đội Liên Xô giai đoạn cuối thập kỷ 80 nhằm thay thế hoàn toàn các phản lực cơ chiến đấu thế hệ 3 như MiG – 21, MiG – 23, MiG - 25 với vũ khí chủ đạo là tên lửa tấn công R-23.
Trong những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90, R-27 được xem là đối trọng của các tên lửa tiến công AIM-7F Sparrow trang bị trên các tiêm kích F-15 của không quân Hoa Kỳ.
Chủ trương nghiên cứu, cải tiến và chế tạo tên lửa tấn công R-23 lên phiên bản hiện đại hơn R-27 của quân đội Nga được đưa ra trong khoảng thời gian 1 năm (1972 – 1973) với hai mẫu thiết kế của cục thiết kế Molniya và cục thiết kế Vympel. Với những đề xuất kỹ thuật ưu việt hơn, mẫu tên lửa R-27 của cục thiết kế Vympel đã được lựa chọn vào đầu năm 1980.
Hiện tại tên lửa không đối không AA-10 Alamo vẫn được sản xuất và được các lực lượng không quân của nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, đặc biệt là trang bị cho hai phiên bản tiêm kích đánh chặn tiền tuyến khá phổ biến dòng Su và MiG của Nga như MiG-29, Yak-141,Su-27, Su-30, Su-33 và Su-35.
Khi được bắn đi từ máy bay chiến đấu, tên lửa R-27 có thể lao đến mục tiêu với tốc độ 1.500 km/giờ. Mỗi quả tên lửa có thể mang 1 đầu đạn nặng 39 kg với tầm bắn hiệu quả nhất từ 1 đến 130 km, thậm chí các phiên bản mới có thể đạt 170 km. Tên lửa R-27 được thiết kế để tiêu diệt các phản lực, trực thăng chiến đấu, máy bay do thám trinh sát không người lái của đối phương.
Đặc biệt, R-27 có thể hoạt động tương đối chính xác trong môi trường tác chiến bị ảnh hưởng nặng nề bởi các công nghệ gây nhiễu điện tử phức tạp nhất.
Hoạt động sản xuất và trang bị hàng loạt tên lửa R-27 cho các chiến đấu cơ của không quân Nga được bắt đầu vào năm 1986. R-27 được sản xuất theo 2 mẫu khác nhau là loại dẫn đường bằng ra đa R-27R (Tên gọi của NATO là AA-10A "Alamo-A") và loại dẫn đường bằng công nghệ hồng ngoại R-27T (AA-10B "Alamo-B").Tầm bắn của hai mẫu này cũng có hơi khác nhau đôi chút do sử dụng các động cơ đẩy không đồng nhất.
Về sau này cục thiết kế Vympel đã nghiên cứu và chế tạo các phiên bản R-27 hiện đại hơn với tầm bắn lớn hơn rất nhiều thông qua việc thiết kế lại động cơ đẩy của tên lửa như: phiên bản R-27RE (AA-10C "Alamo-C"); R-27TE (AA-10D "Alamo-D"). Đáng chú ý, 2 phiên bản mà Liên Xô sản xuất để viện trợ và xuất khẩu ra nước ngoài là R-27RE1 và R-27TE1.
Đặc trưng của R-27 thiết kế theo kiểu module nên nó có thể tùy biến trang bị các hệ thống dẫn đường và các loại động cơ để tăng tầm khác nhau. Tên lửa có 4 cánh phụ hình chữ thập ở thân và 4 cánh điều khiển đuôi cho phép tên lửa đối hướng đột ngột mà vẫn giữ được độ ổn định.
Su-30MK2 có khả năng mang các biến thể R-27 như: R27T/ET được lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn 70-120km; R-27R/ER lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động, tầm bắn 30-130km. Tốc độ hành trình tên lửa 3.031km/h, đầu nổ mảnh hoặc tiếp xúc nặng 39kg.
Tên lửa không đối không tầm trung đến xa R-27ER tại Trung đoàn không quân 923.
R-27 được phóng từ MiG-29
Trong các hình ảnh công bố về tên lửa R-27 thì Không quân Việt Nam hiện được trang bị biến thể R-27ER. Như vậy là Việt Nam đã chọn loại tên lửa có tầm bắn xa nhất. Tuy nhiên, chúng ta thấy tầm bắn gần nhất của R-27ER là 30 km, như vậy nếu đối phương sử dụng chiến thuật cận chiến thì tên lửa này không phát huy được hiệu quả. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng cho mình một hệ thống tên lửa để lấp đi khoảng trống này. Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề này trong kỳ tới trên soha.vn.