Su-30M2 hay Su-35S: Sự lựa chọn nào phù hợp với Việt Nam?

Phi Yến |

Mặc dù không thu hút nhiều sự chú ý bằng "người anh em" Su-35S, tuy nhiên Su-30M2 lại có một số đặc điểm tỏ ra phù hợp hơn với điều kiện sử dụng tại Việt Nam.

Su-30M2 do Liên hiệp sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) chế tạo là phiên bản nội địa hóa dành riêng cho Không quân Nga dựa trên dòng máy bay chiến đấu đa năng nổi tiếng Su-30MK2 được sản xuất phục vụ mục đích xuất khẩu.

Su-30M2 hoàn thành các cuộc thử nghiệm cấp nhà máy vào tháng 9/2010, 4 chiếc đầu tiên bàn giao cho Không quân Nga (và cũng là duy nhất tính đến thời điểm hiện tại) mang số hiệu 10, 20, 30 và 40.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-30M2

Được thiết kế hoàn toàn dựa trên Su-30MK2 nên kích thước của Su-30M2 không có gì khác biệt với chiều dài 21,9 m; sải cánh 14,7 m; cao 6,36 m; trọng lượng cất cánh tối đa 34,5 tấn. Tuy nhiên, các thiết bị điện tử hàng không của Su-30M2 lại có sức mạnh vượt trội so với bản xuất khẩu Su-30MK2, trong đó đáng kể nhất là việc lắp đặt radar N035 Irbis-E (loại radar sử dụng cho Su-35S) đã được thử nghiệm thành công và máy bay còn được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP (loại lắp trên Su-30MKI) hoặc thậm chí là AL-41F (3D TVC) của Su-35S nếu có yêu cầu.

Do được thiết kế với 2 phi công điều khiển và có nhiều thành phần tương đồng với Su-35SSu-27SM2/SM3 nên hiện nay Không quân Nga chủ yếu sử dụng Su-30M2 để đào tạo phi công cho 2 loại tiêm kích này, thậm chí Su-30M2 còn đang được các phi công Nga gọi bằng tên định danh không chính thức là Su-35UBM.

Su-30M2 số hiệu 10 tại triển lãm MAKS 2011

Hiện tại, mặc dù không thu hút nhiều sự chú ý bằng "người anh em" Su-35S, tuy nhiên Su-30M2 lại được một số chuyên gia nhận định rằng có thể phù hợp hơn với nhu cầu của Không quân Việt Nam vì một số lý do sau đây:

Trước hết, Không quân Việt Nam hiện đang có xu thế sử dụng các loại tiêm kích 2 chỗ ngồi với mục đích vừa để phân chia nhiệm vụ chuyên biệt cho phi công nhằm nâng cao khả năng tác chiến, vừa để phục vụ công tác huấn luyện khi cần thiết. Thiết kế của Su-30M2 đáp ứng được những yêu cầu trên trong khi đó Su-35S với buồng lái 1 chỗ ngồi tỏ ra không phù hợp.

Tiếp đó, khi xét đến khả năng không chiến tầm xa thì Su-30M2 cũng không hề thua kém Su-35S khi cùng được trang bị radar N035 Irbis-E. Thậm chí việc Su-30M2 chỉ được trang bị động cơ 2D TVC so với 3D TVC của Su-35S cũng được cho là không ảnh hưởng nhiều vì với môi trường tác chiến chủ yếu ở hướng biển, máy bay khó có khả năng gặp phải tình huống không chiến quần vòng cự ly ngắn với những chiếc tiêm kích nhẹ xuất hiện bất ngờ từ các sân bay dã chiến được địa hình hiểm trở bao bọc.

Một đặc điểm nữa cần phải tham khảo đó là mặc dù cùng là máy bay chiến đấu đa năng và có chung nhiều thành phần thiết bị nhưng Su-35S được thiết kế với mục đích chiếm ưu thế trên không còn Su-30M2 lại được tối ưu hóa để tấn công các mục tiêu mặt đất và trên biển. Biến thể Su-30M2 với khả năng cường kích mạnh tỏ ra phù hợp hơn với yêu cầu của Việt Nam hiện nay.

Cuối cùng, với mục tiêu tiến thẳng lên hiện đại, trong thời gian quá độ của việc chuyển giao thế hệ giữa các chiến đấu cơ, việc Không quân Việt Nam đưa vào trang bị một loại tiêm kích thế hệ 4+ gần nhất với chủng loại máy bay đang sử dụng nhưng có tính năng cao hơn và giá thành không quá đắt có thể là một sự lựa chọn hợp lý.

Su-30M2 số hiệu 20 của Không quân Nga tại sân bay Dzyomgi

Su-30M2 số hiệu 30 triển khai tại căn cứ không quân trên bán đảo Crimea

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại