Phe ly khai hay Nga bắn hạ Su-25?
Hãng tin Interfax-Ukraine (phiên bản tiếng Anh) dẫn thông tin từ Trung tâm báo chí của Chiến dịch chống khủng bố (ATO) Ukraine cho biết: Hôm qua (23/7), 2 máy bay chiến đấu Su-25 của Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị lực lượng ly khai bắn hạ tại vùng Donetsk, miền đông nước này.
Đây là vụ bắn rơi máy bay đầu tiên ở Ukraine kể từ sau tai nạn xảy ra với chiếc Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên đường từ Amsterdam tới Kuala Lumpuar, khiến 298 người thiệt mạng.
Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho biết vị trí Su-25 bị bắn hạ gần với nơi máy bay MH17 gặp nạn. Điều này khiến vụ việc thu hút nhiều sự quan tâm hơn. Trong khi hệ thống tên lửa đã bắn rơi máy bay MH17 vẫn đang được đặt trong vòng nghi vấn với nhiều giả thuyết thì loại vũ khí đã bắn hạ Su-25 lần này cũng là một dấu hỏi lớn.
Xác một chiếc Su-25 bị bắn rơi hôm 23/7
Theo trung tâm báo chí của ATO, lực lượng ly khai đã dùng "tên lửa đất đối không" để tấn công 2 chiếc máy bay. Tuy nhiên, trung tâm này không nói rõ đó là tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) hay hệ thống phòng không tự hành.
Hãng tin Interfax-Ukraine (phiên bản tiếng Nga) dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng quốc phòng và an ninh Ukraine Andrey Lysenko cho biết 2 chiếc Su-25 đã bị bắn ở độ cao 5.200m và theo thông tin điều tra sơ bộ, tên lửa được bắn từ lãnh thổ Nga.
Theo hãng tin AFP (Pháp), lực lượng ly khai thân Nga đã nhiều lần khẳng định rằng họ không có trong tay những loại vũ khí có thể tấn công mục tiêu trên không ở độ cao trên 2.500m nhưng lần này, một người phát ngôn của lực lượng dân quân Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk thừa nhận với AFP rằng các binh sĩ của họ đã bắn hạ 2 chiếc máy bay.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine vẫn tin rằng lực lượng thân Nga tại Donetsk và Lugansk không có loại vũ khí đủ sức bắn hạ Su-25.
"Các tên lửa phóng từ MANPADS không thể đạt tới độ cao như vậy", ông Lysenko nói, "Các máy bay đã bị bắn hạ ở độ cao 5.200m. Chỉ có những hệ thống tên lửa mạnh mẽ hơn mới đủ khả năng làm điều đó.... Chúng (Su-25) bị bắn hạ một cách chuyên nghiệp, lực lượng khủng bố không có những chuyên gia như vậy".
Trong khi đó, Đài tiếng nói nước Nga dẫn một nguồn tin từ lực lượng dân quân Donetsk tuyên bố họ đã bắn hạ Su-25 bằng hệ thống phòng không vác vai.
Kênh truyền hình Life News của Nga còn công bố một đoạn video cận cảnh xác chiếc Su-25 bị bắn rơi và cho biết chúng bị các hệ thống MANPADS bắn hạ.
Một đoạn trong video do Life News đăng tải
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Igor Korotchenko, một chuyên gia quân sự Nga thân cận với Bộ Quốc phòng nước này nói với tờ The Times (Anh) rằng "quân đội Nga không liên quan tới vụ bắn hạ 2 máy bay Sukhoi tại miền Đông Ukraine", đồng thời nhận định rằng chúng "bị bắn hạ bởi hệ thống MANPADS của lực lượng dân quân địa phương".
Sergei Kavtaradze, một quan chức của Cộng hòa nhân dân Donetsk cũng nói với tờ CNN (Mỹ) rằng lực lượng ly khai đã dùng MANPADS để hạ các máy bay.
Cho tới thời điểm hiện tại, các giả thuyết, tranh luận xung quanh vụ việc vẫn tiếp tục được đưa ra mà chưa có hồi kết.
Phe ly khai trang bị những loại tên lửa nào?
Lính dân quân miền Đông Ukraine và tên lửa phòng không vác vai.
Loại tên lửa phòng không phổ biến nhất đang được lực lượng ly khai miền Đông Ukraine sử dụng là MANPADS. Hiện nguồn gốc về các loại tên lửa phòng không vác vai này vẫn chưa được làm rõ. Phía Ukraine cáo buộc Nga cung cấp MANPADS cho phe ly khai, trong khi một số nguồn tin lại cho rằng đó là số tên lửa mà phe ly khai thu giữ từ các kho vũ khí của quân đội Ukraine tại khu vực miền Đông.
Một số loại MANPADS của lực lượng dân quân miền Đông Ukraine được các nguồn tin quân sự thống kê lại bao gồm: Strela, Igla (do Liên Xô/Nga chế tạo) và cả tên lửa GROM do Ba Lan chế tạo.
Tên lửa phòng không vác vai của phe ly khai bị quân đội Ukraine thu giữ ở thành phố Sloviansk.
Các loại tên lửa phòng không vác vai là loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm với các loại máy bay bay thấp và máy bay trực thăng. Do đặc điểm khối lượng nhẹ, dễ dàng mang vác, điều khiển nên các loại tên lửa này thường xuất hiện bất ngờ, khiến máy bay không kịp phòng vệ
Thực tế đã ghi nhận nhiều máy bay của quân đội Ukraine bị bắn rơi bởi các hệ thống phòng không vác vai, trong đó có thể kể đến: trực thăng Mi-24, Mi-8, máy bay vận tải An-26, IL-76, máy bay ném bom Su-24...
Hình ảnh được cho là hệ thống Buk của phe ly khai
Ngoài các hệ thống MANPADS, một số nguồn tin cho hay phe ly khai ở miền Đông Ukraine còn nắm trong tay tổ hợp Buk-M1 thu được từ quân chính phủ. Đây cũng là hệ thống tên lửa bị nghi bắn hạ máy bay MH17.
Khác với tên lửa phòng không vác vai, các tên lửa Buk có yêu cầu cao hơn về kĩ năng vận hành và người sử dụng cần phải trải qua một khóa đào tạo mới có thể sử dụng. So với các hệ thống MANPADS, tên lửa của hệ thống Buk có tầm bắn và độ cao tiêu diệt mục tiêu vượt trội (có thể bắn hạ mục tiêu bay cao trên 10.000m).