“Sông Lam 42... nhà giàn có còn không? Các đồng chí đâu rồi?”

Đoàn Hoài Trung |

Rồi một cơn sóng kinh hoàng, dựng đứng như vách núi, đập mạnh vào nhà giàn, trùm lên đầu họ. Nhà giàn không trụ được nữa.

Vừa qua anh đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, trân trọng giới thiệu cuộc đời Vũ Quang Chương, người liệt sĩ nhà giàn đã trở thành cột mốc chủ quyền bất tử trong lòng biển.

Mang theo cờ Tổ quốc vào lòng biển

Tôi đã tìm gặp Thiếu tá Chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Tôn, và Trung úy Hoàng Văn Thủy, hai người đã sống sót trong vụ đổ nhà giàn 2A/DK1-6 Phúc Nguyên cách đây 18 năm.

Tôn sinh 1965, quê ở Bắc Ninh, anh nhập ngũ 1984, công tác tại tỉnh đội Hà Bắc, sau đó được đi đào tạo y sĩ. Ra trường 1989, Tôn được về công tác tại Đoàn Hải quân M71, đúng vào dịp bắt đầu hình thành DK1.

Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam ra Chỉ thị số 180/CT chính thức công bố về việc xây dựng DK1 tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam, cũng là ngày Tôn ra nhà giàn DK1.

Từ đó anh gắn bó với biển trên các nhà giàn. Anh bắt đầu biết đại úy Vũ Quang Chương trong lần đi công tác nhà giàn DK1/16, bãi cạn Phúc Tần đầu năm 1998. Chương là trạm phó, còn Tôn là y sĩ của trạm.

Cuộc sống ở nhà giàn lúc đó rất gian khổ, luôn luôn đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt. Tôn đã đem lòng cảm phục người trạm phó, tình cảm trách nhiệm luôn gần gũi anh em. Có những đêm hai người nằm tâm sự chuyện gia đình.


Nhà giàn trên biển: Ảnh minh họa.

Nhà giàn trên biển: Ảnh minh họa.

Tôn lúc ấy đã có vợ hai con. Tôn giục Chương: “Kỳ này nghỉ phép vào bờ, anh kiếm một cô cưới làm vợ để ổn định cuộc sống”.

Chương gạt đi: “Mình bây giờ chưa nghĩ đến chuyện vợ con, gia đình mình còn khó khăn lắm, mình muốn ổn định cuộc sống cho các cụ và các em trước đã…”. Có lần trạm giúp đỡ thuốc men, nước ngọt cho ghe đánh cá, họ cho trạm chiếc vỏ đồi mồi.

Anh em cưa ra chia nhau mỗi người một miếng. Mọi người cưa nhỏ chia nhau mỗi người một miếng để làm cặp tóc, kỷ niệm người thân.

Mấy chiến sĩ không biết làm bị gẫy hết, Chương nảy sang kiến đem luộc cho mềm miếng vỏ đồi mồi, sau đó mới gọt tỉ mẩn thành chiếc lược đẹp để tặng mẹ.

Sau kỳ nghỉ phép, tháng 7 năm 1998, Tôn được điều ra nhà giàn 2A/DK1-6 Phúc Nguyên. Sau đó hơn tháng trạm trưởng Vũ Quang Chương cùng chiến sĩ thông tin Hoàng Văn Thủy, sinh năm 1977, quê ở Đô Lương, Nghệ An ra công tác tại nhà giàn Phúc Nguyên 2A.

Hôm ấy, biển động, sóng lớn ca nô không vào sát chân nhà giàn được. Trạm trưởng mới cùng chiến sĩ Thủy phải bơi vào chân cầu thang nhà giàn để leo lên. Tôn nhận ra Vũ Quang Chương, hai người ôm chầm lấy nhau mừng vui.

Với cương vị mới trạm trưởng, Vũ Quang Chương đã thể hiện tính quyết đoán trong công việc, Trong sinh hoạt thì phê bình thẳng thắn, trong cuộc sống thì chan hòa, gần gũi.

Hôm nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An nhận tin vợ để con trai, cả nhà giàn cùng vui mừng. An bần thần người lúc khóc, lúc cười chỉ muốn được về nhà ngay.

Chương đã động viên và hứa sẽ bố trí cho An về chuyến tàu gần nhất để được cám ơn gia đình họ hàng đã giúp vợ anh trong những ngày vợ vượt cạn. Nhưng rồi điều mong ước ấy của An mãi không thành hiện thực.


Gia đình nhớ về liệt sĩ. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Gia đình nhớ về liệt sĩ. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Đêm cuối cùng trước ngày nhà giàn đổ, Hoàng Văn Thủy còn nằm cùng giường với Vũ Quang Chương. Ngoài trời mưa to, sóng lớn, hai anh em nằm tâm sự kể chuyện quê nhà, Chương còn hứa với Thủy:

"Kỳ này về phép, nhất định anh sẽ đến nhà em chơi, cũng là để thăm quê hương Bác Hồ, sau đó em lên nhà anh ở Tây Nguyên nhé. Anh sẽ giới thiệu cho em làm quen cô em gái đang học sư phạm, đẹp người mà ngoan ngoãn…”.

Nhớ lại những giây phút nằm chung với người trạm trưởng, Hoàng Văn Thủy xúc động không cầm được nước mắt:

“Anh Chương là người chỉ huy chín chắn, điềm đạm, anh như có sức hút kỳ lạ, khiến anh em trong trạm vừa phục tùng mệnh lệnh của anh vừa coi anh như người anh thân thiết, hình ảnh của anh luôn theo tôi động viên tôi trên bước đường sự nghiệp”.

Những ngày đầu tháng 12 năm 1998, mặt biển bãi đá cạn Phúc Nguyên trở nên mịt mù, gió rít từng cơn, sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa. Cơn bão số 8 tràn qua, Nhà giàn 2A/DK1-6 Phúc Nguyên trở nên bé nhỏ, cô đơn trước thiên nhiên hung dữ.

Mấy đêm liền, anh em trên nhà giàn chập chờn không ngủ được. Đêm 12-12, những đợt sóng tựa như những quả núi đánh vào chân nhà giàn, khiến nhà giàn rung lên bần bật.

Các cửa nhà được đóng kín, lúc đó đi ra ngoài các anh phải bám chặt vào thành lan can, gió mạnh như muốn hất tung người xuống biển. Trên nhà giàn lúc ấy có 9 anh em tất cả: trạm trưởng Vũ Quang Chương, trạm phó Dương Văn Hoan.

Ngoài ra còn có y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, nhân viên cơ yếu Hà Công Dụng, nhân viên thông tin Hoàng Văn Thủy, nhân viên báo vụ Phí Ngọc Thuật, pháo thủ Nguyễn Văn Thơ, nhân viên ra đa Lê Đức Hồng, nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An.

Khoảng 22 giờ 50 phút, một cơn sóng to tràn qua nhà giàn, nhà bị nghiêng đi. Đồ đạc trong nhà bị đổ tung tóe, chiếc tivi trên bàn rơi xuống, ấm chén bay loảng xoảng, toàn bộ giá gạo trong kho đổ sập, giường tủ bàn ghế chạy đi, chạy lại.

Trưởng trạm Chương ra lệnh Hoàng Văn Thủy báo cáo tình nhà bị nghiêng về đất liền. Chỉ huy từ đất liền động viên anh em bám trụ, sẽ cử tàu ra đón người. Vũ Quang Chương triệu tập cuộc họp toàn trạm, anh động viên tinh thần anh em:

“Đây là giờ phút nguy nan, thử thách lòng can đảm của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta quyết tâm bám giữ trạm đến cùng. Trường hợp nguy cấp, có lệnh của tôi mới được rời vị trí”.

Đề phòng tình huống xấu, anh phân công mọi người chuẩn bị áo phao, phao cứu sinh, phao bè... Hơn 12 giờ đêm, dây nguồn điện của máy sóng ngắn M700 TY nối ắc quy bị đứt, Hoàng Văn Thủy bình tĩnh khắc phục sự cố, nối lại dây nguồn.

Vừa lên máy đã nghe tiếng gọi các nhà giàn và đất liền “Sông Lam 42 (tên liên lạc của nhà giàn 2A/DK1-6 Phúc Nguyên) lên máy đi Đà lạt 01 gọi?”.

Hoàng Văn Thủy giọng lạc đi báo về đất liền: “Báo cáo thủ trưởng cùng các đồng đội nhà rung mạnh không thể chịu đựng nổi qua đêm nay”.

Tiếng chị Vân, nhân viên trực thông tin tại Hải Phòng gọi vào động viên: “Em Thủy ơi, chị luôn ở bên em, anh em ngoài đó cố gắng bám trụ, các chú sẽ điều tàu ra cứu em và đồng đội của em”. Khoảng 1 giờ 45 phút sáng, gió to làm đứt dây an ten mất liên lạc.

Thủy báo cáo với Chương, Chương ra lệnh cho Thủy tìm mọi cách khắc phục nối thông tin để nhận lệnh từ Sở chỉ huy. Hoàng Văn Thủy hiểu rõ trách nhiệm người chiến sĩ thông tin, bằng mọi giá phải nối thông liên lạc để ở nhà đỡ lo lắng.

Anh trèo lên nóc nhà giàn, gió to thổi u, u như muốn hất anh xuống biển, những hạt mưa quất vào mặt dan dát. Không chùn bước, anh lần tìm chỗ đứt an ten nối lại.

Hơn 2 giờ sáng, thông tin lại thông suốt, tiếng gọi từ các đài tha thiết: “Sông Lam 42, Sông Lam 42, trả lời đi... nhà giàn có còn không? Các đồng chí đâu rồi?”.

Trung úy Nguyễn Văn Hoan vào kho lấy bao gạo ra chèn phao cứu sinh liền bị giá gạo đổ sập xuống vào chân. Hoàng Văn Thủy thì bị chiếc tủ sắt đổ vào người.

Sóng mỗi lúc một to, Chương ra lệnh cho anh em mặc áo phao sẵn sàng thoát khỏi nhà giàn. Mọi người lấy dây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển vẫn tìm thấy nhau.

Mỗi khi có cơn sóng to ào đến trước mặt, họ lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ. Nhà giàn càng lắc lư chao đảo mạnh theo từng cơn sóng dữ. Chiến sĩ Hoàng Văn Thủy năm ấy mới 21 tuổi đời, anh gọi điện đàm về đất liền:

“Chị Vân ơi! Nhà em sắp bị đổ rồi, em nhờ chị viết thư báo tin cho bố mẹ em, bố em tên là Hoàng Văn Sơn, mẹ em tên là Lê Thị Tịnh xóm 9, Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Nhà giàn đổ, chúng em trôi trên biển, xác định là chết…”.

Lúc 3 giờ 30 phút, một cơn sóng lớn tràn qua máy phát điện bị đổ, đèn phụt tắt. Sau khi nhận được lệnh cuối cùng từ sở chỉ huy, Đại úy Vũ Quang Chương hô lớn: “Tất cả chuẩn bị rời trạm, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao!”.

Dù được lệnh như vậy nhưng những người lính nhà giàn DK1 vẫn kiên cường không rời nhà giàn, quyết bám trụ đến phút cuối cùng. Rồi một cơn sóng kinh hoàng, dựng đứng như vách núi, đập mạnh vào nhà giàn, trùm lên đầu họ.

Nhà giàn không trụ được nữa. Lúc đó khoảng 4 giờ kém 10 ngày 13-12-1998. Đại úy Chương lệnh cho tốp đầu bám phao cứu sinh nhảy xuống biển trước.

Chương và Thủy bật khỏi nhà giàn sau cùng. Thủy mang theo tài liệu mật của ngành thông tin và súng pháo hiệu với 10 viên đạn.

Trước khi lao xuống biển Thủy còn kịp gọi về đất liền gửi lời chào: “Chúng em chào các thủ trưởng, chúng em đi đây”. Anh còn nghe tiếng gọi của Chương: “Nhảy ra đi Thủy ơi! Nhà đổ rồi…”

Đại úy Vũ Quang Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, đồng thời anh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng.

Nhưng ác nghiệt thay, phong ba bão táp, sóng thần dữ dội đã cướp đi sinh mạng của của anh và 2 đồng đội là nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An và nhân viên ra đa Lê Đức Hồng. 6 anh em còn lại, vật lộn với sóng biển suốt 14 tiếng trên biển.

Họ phải đối mặt với những con sóng kinh hoàng như muốn nhấn chìm họ xuống biển sâu, những giọt mưa táp vào mặt... Mãi đến gần 6 giờ tối ngày 13-12-1998, họ mới được tàu 606 phát hiện và vớt lên tàu.


Ảnh chân dung liệt sĩ Vũ Quang Chương. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Ảnh chân dung liệt sĩ Vũ Quang Chương. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Những người ở lại

Đối với Vũ Thị Hồng thì hình ảnh người anh cả luôn theo chị suốt cuộc đời này. Là con gái út trong nhà, chị được anh Chương thương yêu nhất.

Hồng đã giở lại những lá thư mà liệt sĩ Vũ Quang Chương đã viết cho gia đình.

Cũng trong lần về phép cuối cùng ấy, Vũ Văn Chương đã tự mình vẽ thiết kế nhà ở cho cha mẹ. Anh dồn tiền làm móng nhà trước khi đi, hẹn ngày về phép sang năm sẽ làm nhà cho bố mẹ hưởng tuổi già, ai ngờ mơ ước ấy anh không thực hiện được.

Hình ảnh liệt sĩ Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc thanh thản đi vào lòng biển đã trở thành cột mốc chủ quyền bất tử, hiên ngang giữa biển khơi.

Qua đó tạo thành mạch nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại