Theo Reuters, giới chức hải quân Mỹ và châu Á nhận định nguy cơ "chạm trán" với các tàu thuyền Trung Quốc từng được xem là rất hiếm, thì nay đã trở nên thường xuyên hơn bởi Bắc Kinh đang hiện thực hóa âm mưu giành quyền kiểm soát 90% diện tích Biển Đông theo tấm bản đồ phi lý "đường chín đoạn".
Hôm 27/10, Mỹ đã lần đầu tiên điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tiến vào vùng 12 hải lý gần hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép trên bãi Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau sự kiện này, nguy cơ xung đột sẽ còn gia tăng khi mà giới chức Mỹ khẳng định Hải quân nước này vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động nhằm "bảo đảm quyền tự do hàng hải" trên Biển Đông.
Số lượng tàu chiến Trung Quốc được cho là có số lượng áp đảo tàu chiến Mỹ trên Biển Đông.
"Họ (lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của Trung Quốc) xuất hiện ở mọi nơi và thậm chí họ còn muốn chúng tôi biết rằng họ đang có mặt ở Biển Đông.
Nếu hoạt động trên Biển Đông, nguy cơ bạn sẽ bị theo dõi", một quan chức hải quân Mỹ giấu tên cho hay.
Theo giới chuyên gia an ninh, nếu không may xảy ra xung đột, công nghệ quân sự hiện đại là điểm mạnh đối với Hải quân Mỹ nhưng Trung Quốc lại nắm ưu thế áp đảo về số lượng tàu thuyền.
Điều này được chứng minh qua hành động hàng loạt tàu chiến Trung Quốc bám sát hoạt động của tàu USS Lassen khi tàu chiến Mỹ tiến vào quần đảo Trường Sa hôm 27/10.
Nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông, hôm 29/10, giới chức Mỹ - Trung đã tiến hành hội đàm cấp cao. Hai bên đã thống nhất duy trì hoạt động đối thoại và tuân thủ các hiệp ước để tránh làm bùng nổ xung đột.
Tuy nhiên, với một đường băng đã hoàn thành và 2 đường băng khác đang trong quá trình xây dựng, các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ giúp quân đội nước này tăng cường sức mạnh hàng hải ở khu vực Đông Nam Á và cả những vùng biển xa hơn.
Lợi thế sân nhà
Theo nghiên cứu được Lầu Năm Góc công bố hồi tháng Tư, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc hiện đang làm nhiệm vụ trên Biển Đông, nắm trong tay số lượng tàu thuyền lớn nhất trong số 3 hạm đội của nước này với 116 chiếc.
Ngoài ra, Trung Quốc được cho sở hữu hơn 200 tàu bảo vệ bờ biển có trọng lượng hơn 500 tấn và nhiều chiếc trên 1.000 tấn.
Trong khi đó, Hạm đội 7 của Mỹ chỉ có 55 tàu bao gồm nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan đóng quân ở căn cứ Yokosuka, Nhật Bản và hoạt động khắp khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
"Trung Quốc nắm lợi thế sân nhà. Họ vượt trội về số lượng. Trong một số trường hợp, số lượng còn quan trọng hơn cả chất lượng", ông Sam Bateman, cố vấn tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nói.
Theo ông Bateman và các nhà phân tích an ninh trong khu vực, tàu chiến Mỹ có thể sẽ bị bao vây nếu Trung Quốc tìm cách ngăn chặn hoạt động tuần tra "bảo vệ quyền tự do hàng hải" mà Hải quân Mỹ tiến hành.
Thậm chí, báo chí Trung Quốc còn nhận định chiến hạm Trung Quốc có thể chặn đường hoặc đâm va các tàu chiến Mỹ hoạt động trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus nhấn mạnh tăng cường số lượng tàu chiến cho lực lượng Hải quân Mỹ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền nước này trong những năm gần đây.