Theo đó khoảng 4 tàu tiếp liệu loại Type 903A đang được hoàn thiện tại một nhà máy đóng tàu của Trung Quốc.
Type 903A là lớp tàu tiếp liệu được nâng cấp từ mẫu tàu Type 903 với lượng giãn nước lớn hơn.
Với chiều dài 178,5m, rộng 24,8m, lượng giãn nước đầy tải lên đến 23.400 tấn, tàu tiếp liệu Type 903A lớp Fuchi là loại tàu tiếp liệu lớn nhất Trung Quốc từng đóng.
(Hiện nay, trong biên chế hải quân Trung Quốc có 1 tàu tiếp liệu Type 908 lớp Fusu với lượng giãn nước lên đến 35.000 tấn nhưng đây là con tàu được tân trang từ tàu của Liên Xô).
Mỗi tàu tiếp liệu Type 903A có khả năng mang theo 11.000 tấn nhiên liệu và hàng hóa tiếp tế.
Sở hữu các tàu tiếp liệu cỡ lớn là điều bắt buộc với bất kỳ lực lượng hải quân nào muốn hoạt động xa bờ. Với Trung Quốc cũng như vậy, 2 tàu tiếp liệu Type 903 luôn là tàu tiếp liệu của hải quân nước này khi thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở vùng Vịnh Aden.
Việc gia tăng số lượng các tàu tiếp liệu cũng góp phần gia tăng tần suất các cuộc triển khai tàu chiến của Trung Quốc đến các vùng biển xa bờ như tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và thậm chí vượt qua chuỗi đảo thứ 2.
Tuy nhiên, khi so sánh với so sánh với tàu tiếp liệu của hải quân một số nước thì tàu Type 903A vẫn còn khá "nhỏ bé". Ví dụ như tàu tiếp liệu lớp Henry J. Kaiser mà Hải quân Mỹ hiện có 15 chiếc có lượng giãn nước 40.000 tấn và mang theo được 25.000 tấn nhiên liệu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng còn cần huấn luyện nhiều về kỹ thuật tiếp nhiên liệu song song bởi quy trình này đòi hỏi sự phối hợp chính xác rất cao.